Các yếu tố quan trọng để đánh giá quỹ mở: Không chỉ là hiệu suất đầu tư
Các yếu tố quan trọng để đánh giá quỹ mở: Không chỉ là hiệu suất đầu tư
Nếu bạn đang tiết kiệm cho việc nghỉ hưu, hoặc đơn giản là đang lựa chọn một quỹ đầu tư chất lượng để phân bổ tài sản, bạn có thể tự hỏi làm thế nào để đánh giá chất lượng của quỹ mở hoặc quỹ ETF.
Dưới đây người viết liệt kê một số yếu tố mà người viết cho rằng trọng yếu cần phải tìm hiểu rõ trước khi đưa ra quyết định đầu tư:
Hiệu suất đầu tư của quỹ
Hiệu suất có thể là điều đầu tiên nhiều người nhìn vào khi đánh giá một quỹ, nhưng đó không phải là yếu tố quan trọng nhất và chắc chắn không nên là yếu tố duy nhất. Một lý do là hiệu suất quá khứ của quỹ sẽ không cho bạn biết nhiều về vai trò của quỹ trong danh mục đầu tư. Và nó cũng không cho bạn biết nhiều về cách quỹ sẽ hoạt động trong tương lai.
Vì vậy, khi đánh giá tỷ suất sinh lời của 1 quỹ, bạn cần:
- So sánh với chỉ số tham chiếu: hầu hết các quỹ mở cổ phiếu đều có mức sinh lời tham chiếu là VN-Index. Nếu mức sinh lời của quỹ cổ phiếu bạn chọn là 10%, trong khi đó Vn-Index đạt 20%, thì mức sinh lời của quỹ cổ phiếu bạn chọn có thể chưa phải là lựa chọn hợp lý nhất. Vì vậy, khi đánh giá quỹ mở, bạn cần tìm hiểu rõ chỉ số tham chiếu quỹ đó là gì
- Xem xét mức độ sinh lời của quỹ trong nhiều điều kiện thị trường khác nhau. Ít nhất cần đánh giá tỷ suất sinh lời của quỹ trong 3 năm gần nhất. Các quỹ có mức sinh lời vượt trội trong điều kiện thị trường thuận lợi nhưng ghi nhận mức lỗ cao khi thị trường biến động giảm mạnh có thể không phù hợp với những nhà đầu tư ngại rủi ro cao.
Chiến lược là gì, và các nhà quản lý đã thực hiện nó tốt như thế nào?
Khi bạn chọn một quỹ, điều quan trọng là phải hiểu nó đầu tư như thế nào và tỷ suất sinh lời có thể mong đợi từ nó. Khi bạn xem hiệu suất quá khứ của quỹ, hãy xem nó có phù hợp với mục tiêu đã nêu của quỹ không.
Quỹ có chiến lược đầu tư “ phòng thủ”, bạn sẽ mong đợi một quỹ sẽ có mức biến động giá chứng chỉ quỹ thấp, danh mục đầu tư vào các cổ phiếu có ngành nghề phòng thủ cao hoặc bằng cách phân bổ một phần tài sản vào trái phiếu hoặc các loại tài sản ít biến động hơn, sẽ bảo vệ vốn tốt hơn trong các đợt bán tháo thị trường. Ở chiều ngược lại, quỹ có chiến lược đầu tư năng động, tập trung vào các cổ phiếu vừa và nhỏ, thì giá chứng chỉ quỹ sẽ có mức biến động mạnh hơn nhiều và phù hợp hơn với các nhà đầu tư ưa thích rủi ro.
Nhưng quỹ phòng thủ đó có thể trông khá nhàm chán trong các thị trường giảm giá nhưng bảo vệ tốt cho nhà đầu tư, và cũng quỹ tăng trưởng đó có thể kém hấp dẫn khi cổ phiếu giảm mạnh nhưng sẽ giúp nhà đầu tư tối đa hóa được lợi nhuận khi thị trường thuận lợi. Hiểu cách quỹ đầu tư và hành xử trong các thị trường khác nhau, cũng như các vai trò khác nhau của các quỹ trong một danh mục đầu tư đa dạng, sẽ giúp bạn tối đa hóa lợi nhuận và hạn chế rủi ro
Ai đang quản lý quỹ?
Bạn cũng nên cân nhắc đến đội ngũ quản lý quỹ. Điều này bao gồm kỹ năng đã được chứng minh của các nhà quản lý trong việc thực hiện chiến lược và cả đội ngũ phân tích hỗ trợ các nhà quản lý đó.
Đặc biệt với các quỹ mở chủ động, tính cách của người quản lý quỹ (portfolio manager-PM), phong cách quản lý, tần suất giao dịch của người quản lý quỹ,… đóng vai trò rất quan trọng trong việc đưa ra quyết định lựa chọn của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cũng xem xét các yếu tố khác, chẳng hạn như liệu các nhà quản lý quỹ có đầu tư cùng với các nhà đầu tư hay không và liệu các khuyến khích trả lương của họ có phù hợp với lợi ích của các nhà đầu tư hay không. Các nhà đầu tư trước khi mua chứng chỉ quỹ có thể điều tra thông qua những công bố chính thức của các công ty về tỷ lệ sở hữu chứng chỉ quỹ của người quản lý PM. Thông thường, tỷ lệ hay số tiền càng lớn thì PM càng có khả năng cao cam kết với mục tiêu, chiến lược đề ra của quỹ
Ngoài các con số định lượng như trên, các nhà đầu tư cũng cần đánh giá các yếu tố định lượng của người quản lý quỹ như trình độ học vấn, các bằng cấp đã có, số năm kinh nghiệm làm điều hành quỹ mở cũng như hiệu suất đầu tư của các quỹ họ đã điều hành trong quá khứ
Các loại chi phí phải trả
Trước khi quyết định tham gia đầu tư vào một quỹ mở, nhà đầu tư cũng cần xét tới các chi phí phải trả khi mua chứng chỉ quỹ, vì đơn giản những loại phí này được tính trực tiếp vào giá chứng chỉ quỹ và tác động tới lợi suất đầu tư. Các phí phổ biến là phí quản lý (dao động quanh mức 1.5% tới 1.75%), phí mua (thường là 0%, nhưng cũng có nhiều quỹ tính phí mua), phí bán (thường quy định theo thời hạn nắm giữ, ví dụ, dưới 1 năm thì tính phí bán khoảng 0.5%), chi phí giao dịch (các quỹ càng giao dịch năng động thì chi phí giao dịch càng cao).