Giá vốn thấp giúp Navico duy trì mạch lợi nhuận, biên lãi gộp cải thiện từng quý
Giá vốn thấp giúp Navico duy trì mạch lợi nhuận, biên lãi gộp cải thiện từng quý
Giá vốn quý 2/2024 của CTCP Nam Việt (Navico, HOSE: ANV) gần như không tăng dù doanh thu cải thiện 11%, đạt gần 1.2 ngàn tỷ đồng; qua đó giúp doanh nghiệp thủy sản mang về 143 tỷ đồng lãi gộp, gấp 3 lần cùng kỳ.
Doanh thu tích cực chủ yếu nhờ yếu tố nội địa, ghi nhận 510 tỷ đồng, tăng 28%; trong khi nguồn thu từ xuất khẩu đi ngang ở mức 683 tỷ đồng. Tỷ trọng đóng góp từ nước ngoài theo đó thu hẹp còn 57%, so với mức 63% quý 2/2023.
Biên lãi gộp cũng tăng từ 4.5% lên 12%, liên tục cải thiện qua từng quý và lên lại mức cao mới kể từ quý 1/2023. ANV ghi nhận con số cao nhất vào quý 2/2022 với tỷ lệ 35%, trước khi giảm dần và chạm đáy vào quý 2/2023.
Hoạt động tài chính cũng hỗ trợ duy trì mạch lợi nhuận trong quý 2. Tỷ giá biến động tăng thời gian qua giúp doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thu lãi chênh lệch tỷ giá phát sinh và lãi từ đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ hơn 7 tỷ đồng, cùng kỳ chỉ 2.3 tỷ đồng. Chi phí lãi vay cũng giảm mạnh, từ 42 tỷ đồng xuống còn 26 tỷ đồng.
Quý 2, ANV chi nhiều tiền hơn cho hoạt động bán hàng, khoản này tăng 62% lên gần 69 tỷ đồng; phần lớn do chi phí vận chuyển hơn 36 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí hoa hồng và chi phí dịch vụ mua ngoài đội thêm khoảng 8 tỷ đồng, ghi nhận 28 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh hàng quý của ANV từ năm 2019 đến nay | ||
Chưa hết, chi phí khác lên đến 18 tỷ đồng, trực tiếp kéo lợi nhuận xuống thấp. Trong đó, khoản xử lý công nợ tồn lâu hơn 12 tỷ đồng, dự án điện năng lượng mặt trời không thực hiện làm tốn khoảng 4.7 tỷ đồng, hàng hóa bị hỏng mất 1.3 tỷ đồng. Lợi thế duy nhất là ANV không còn trích lập dự phòng phải thu khó đòi gần 6 tỷ đồng.
Kết quả, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra thu lãi ròng 17.5 tỷ đồng, xấp xỉ quý 1/2024, cùng kỳ lỗ đến 51 tỷ đồng.
Dù vậy, lãi ròng 6 tháng chỉ đạt 34 tỷ đồng, thấp hơn 41 tỷ đồng cùng kỳ; còn doanh thu không biến động nhiều, ở mức khoảng 2.2 ngàn tỷ đồng. Điểm thay đổi lớn sau nửa đầu năm là chi phí lãi vay còn 49 tỷ đồng, giảm 35%.
Lãnh đạo ANV đặt mục tiêu năm 2024 mang về 5 ngàn tỷ đồng doanh thu và 360 tỷ đồng lãi trước thuế, tăng 13% và gấp gần 6 lần so với thực hiện 2023, nhưng tới nay mới thực hiện lần lượt 46% và 14% kế hoạch.
Nguồn: VietstockFinance
|
Tổng tài sản cuối tháng 6/2024 khoảng 4.9 ngàn tỷ đồng, giảm không đáng kể. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang phát sinh thêm gần 19 tỷ đồng thuộc dự án khu nuôi trồng thủy sản Bình Phú. Nợ phải trả gần 1.9 ngàn tỷ đồng, chủ yếu từ nợ vay ngắn hạn 1.6 ngàn tỷ đồng. ANV đang nợ dài hạn 119 tỷ đồng, chiếm phần lớn là nợ thuê tài chính với 108 tỷ đồng.
Báo cáo từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) mới đây cho thấy mặc dù giá trị xuất khẩu ngành cá tra có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhưng thị trường xuất khẩu chính của ANV tại Trung Quốc gặp nhiều khó khăn khi sức mua còn yếu dù giá cá rô phi cao hơn giá cá tra.
Tuy nhiên, VDSC nhận định giai đoạn xấu nhất của ANV đã đi qua với giá trị xuất khẩu tăng trưởng dần theo tháng và tăng trưởng dương 1% trong tháng 5 nhờ sản lượng tăng 16% so với cùng kỳ.
Giữa tháng 6, lãnh đạo ANV quyết định thành lập 2 nhà máy; gồm nhà máy dầu cá, bột cá Ấn Độ Dương - chi nhánh CTCP Nam Việt và nhà máy đông lạnh thủy sản Ấn Độ Dương - chi nhánh CTCP Nam Việt có cùng địa chỉ tại quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Hai nhà máy hoạt động chính trong mảng chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản. Người đứng đầu chi nhánh lần lượt là ông Đặng Thế Mỹ và ông Trần Văn Nhâm.