Nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu
Nhiều chuyên gia kinh tế ủng hộ việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu
Nêu quan điểm tại tọa đàm "Để thị trường xăng dầu phát triển ổn định, minh bạch và hiệu quả" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu là cần thiết. Bởi sàn giao dịch xăng dầu sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền tham gia.
Cần thiết phải sớm sửa đổi Nghị định về kinh doanh xăng dầu - Ảnh minh họa
|
Trước các bất cập của thị trường xăng dầu có nhiều ý kiến cho rằng nên thành lập sàn giao dịch xăng dầu. Ngày 18/7, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 5124/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc nghiên cứu thông tin báo chí phản ánh kiến nghị về việc thành lập Sàn giao dịch xăng dầu nhằm tăng tính công khai, minh bạch, khắc phục những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua, trên cơ sở đó có giải pháp triển khai phù hợp theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nêu quan điểm: Việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu là cần thiết. Bởi sàn giao dịch xăng dầu sẽ giúp tăng cường tính minh bạch, công khai về giá cả, giao dịch, giảm thiểu rủi ro. Đồng thời, tạo cơ hội đầu tư cho tất cả các các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều có quyền tham gia.
Thêm vào đó, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng việc quản lý rủi ro trên sàn giao dịch này bằng các phương thức giao dịch như hợp đồng, hợp đồng phái sinh sẽ tốt hơn. Và lợi ích cuối cùng, đó là sàn giao dịch xăng dầu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh đối với các sàn giao dịch khác cũng như thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng tài chính, dịch vụ tài chính Ngân hàng, chứng khoán…
"Sàn giao dịch sẽ tạo ra thị trường xăng dầu công khai, minh bạch hơn và giảm độc quyền. Hiện nay, có 39 doanh nghiệp kinh doanh đầu mối, trong đó 6 doanh nghiệp lớn nhất chiếm thị phần tương đối lớn khoảng 88%. Phần lớn các doanh nghiệp này đều có vốn của Nhà nước, cho nên khi có Sàn giao dịch thị phần sẽ được chia lại, khu vực tư nhân sẽ tham gia sâu hơn vào thị trường xăng dầu. Đồng thời, mức độ cạnh tranh sẽ tăng lên được lợi cho người tiêu dùng và nền kinh tế", chuyên gia Ngô Trí Long phân tích.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm thì chuyên gia Ngô Trí Long cũng nêu một số thách thức như: chi phí ban đầu lớn, cần cơ chế quản lý giám sát chặt chẽ ngăn chặn được sự thao túng thị trường, năng lực tham gia của các doanh nghiệp, rủi ro về thị trường và phải tương thích với các quy định quốc tế.
"Việc thành lập sàn giao dịch xăng dầu là đúng đắn và cần thiết. Tuy nhiên, để quản lý, vận hành sàn giao dịch một cách hiệu quả, đáp ứng được mục tiêu và mục đích đặt ra cần phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá hết sức kỹ lưỡng, sự đồng thuận, quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan liên quan. Trước mắt, nên cho phép giao dịch lưu thông các mặt hàng năng lượng tại Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam như trước kia để đáp ứng nhu cầu bảo hiểm và nhu cầu đầu tư của các doanh nghiệp", chuyên gia Ngô Trí Long đề nghị.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đồng tình với việc nên có sàn giao dịch xăng dầu. Tuy nhiên, ông Cường cho rằng sàn giao dịch phải cho phép được giao dịch mua bán tự do và có thể tính đến việc người bán lẻ có được quyền mua của nhiều nhà cung cấp. Từ đó, khuyến khích các nhà đầu mối phân phối tìm cách dự trữ xăng dầu tốt nhất. Như vậy, dù giá xăng dầu thế giới có biến động vẫn có thể bán ra với giá thấp hơn và có sự cạnh tranh với những nhà phân phối khác, góp phần tạo ra sự cạnh tranh để giá xăng đầu thấp hơn mà không đẩy giá lên cao ngay khi giá thế giới tăng.
Giảm thiểu quy định hành chính với doanh nghiệp
Đề xuất về dự thảo Nghị định mới trong kinh doanh xăng dầu, ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng việc đầu tiên đó là cần xây dựng công thức tính giá đầy đủ theo thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, ông Bảo đề nghị không nên đưa vào Nghị định việc xây dựng lợi nhuận định mức bởi "kinh doanh lỗ phải chịu, doanh nghiệp làm lỗ, không cạnh tranh được thì ra khỏi thị trường".
"Cần giảm thiểu những quy định mang tính chất hành chính đối với các doanh nghiệp bởi hiện nay chúng ta có quá nhiều quy định. Tôi rất mong Nghị định mới sẽ 'trường tồn hơn', vừa đảm bảo được sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực rất nhạy cảm này, vừa đảm bảo được tính chủ động của doanh nghiệp, quyền quyết định của doanh nghiệp, vừa đảm bảo được sự lựa chọn của người tiêu dùng đối với những sản phẩm có sự quản lý đấy mà kinh doanh", ông Bảo nói.
Còn đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường bày tỏ sự vui mừng vì tinh thần sửa đổi Nghị định kinh doanh xăng dầu đang hướng theo thị trường.
"Tôi đề nghị công cụ thuế phải xác định rất rõ điều tiết trên cơ sở hoạt động giá của doanh nghiệp đưa ra. Với công cụ thuế sẽ hướng doanh nghiệp không bao giờ đưa ra mức giá để hưởng lợi ích, lợi nhuận cao và độc quyền mà luôn luôn phải theo xu hướng đưa ra mức giá thấp nhưng cung cấp được lượng hàng hóa nhiều thì sẽ sinh lời. Như vậy sinh lời cho doanh nghiệp mà mức thuế thấp thì mang lại lợi ích cho người dân nhiều", ông Cường đề nghị.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: Mặt hàng kinh doanh xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện cho nên điều kiện kinh doanh phải thật rõ ràng, tránh gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong quá trình xây dựng Nghị định, đề nghị các cơ quan chức năng rất thận trọng và xem xét khách quan, tham vấn tất cả cộng đồng, mạng xã hội.
"Vấn đề cốt lõi hiện nay tạo nguồn cung là cơ chế định giá. Một doanh nghiệp kinh doanh muốn có lãi hay không thì căn cứ vào giá, mà trong quy định tùy thuộc vào điều kiện của thị trường để chúng ta quyết định phương thức quản lý giá như thế nào. Riêng đối với thị trường xăng dầu hiện nay, còn có những doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thì Nhà nước phải quy định giá áp trần cho hợp lý", ông Ngô Trí Long nói.