Nhiều tồn tại trong liên kết ngành, cụm ngành hàng nông thủy sản tại ĐBSCL
Nhiều tồn tại trong liên kết ngành, cụm ngành hàng nông thủy sản tại ĐBSCL
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm sản xuất nông nghiệp đóng góp hơn 31% GDP toàn ngành nông nghiệp và hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu. Thời gian qua, nhiều mô hình liên kết theo ngành, cụm ngành hàng nông sản đã hình thành giúp nâng cao hiệu quả sản xuất. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai các mô hình liên kết này vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần có giải pháp tháo gỡ.
Liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau màu và trái cây
ĐBSCL sở hữu diện tích trồng cây ăn trái và rau màu hơn 400 ngàn ha, với sản lượng khoảng 3.5-4 triệu tấn, cung cấp khoảng 70% sản lượng cả nước.
Hiện nay, tại khu vực đã bước đầu hình thành các mô hình liên kết giữa nhà vườn-nhà khoa học-doanh nghiệp, Hiệp hội trái cây, Hiệp hội rau quả… trong khâu nghiên cứu, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, tại các địa phương, ngày càng có nhiều công ty tham gia đầu tư vào sản xuất, chế biến trái cây, rau màu. Đơn cử như trường hợp mô hình “Vườn chuối triệu đô” của ông Võ Quan Huy (Long An), Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Nhung (Đồng Tháp), nhờ sự liên kết chặt chẽ với nông dân trong quá trình sản xuất đã đưa nhiều loại trái cây ở ĐBSCL đến với nhiều thị trường khó tính trên thế giới; hay cụm liên kết và tiêu thụ xoài ở Đồng Tháp; cụm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ dừa ở Bến Tre,… Qua đó, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm trái cây, tạo dựng thương hiệu phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhìn chung, tại khu vực hiện đang thiếu chiến lược chung trong liên kết phát triển theo ngành cho toàn vùng, thiếu sự phối hợp nội vùng, thiếu liên kết trong đầu tư, phát triển các chuỗi giá trị bền vững, thậm chí gây nên tình trạng cạnh tranh kém lành mạnh, làm ảnh hưởng đến lợi ích của từng địa phương và của toàn vùng. Điều này dẫn đến liên kết theo chuỗi sản xuất trái cây còn nhỏ lẻ, phân tán.
Bên cạnh đó, số liệu từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cũng cho thấy, công nghiệp chế biến là khâu yếu nhất của chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản nói chung và trái cây nói riêng tại ĐBSCL, thậm chí “giậm chân tại chỗ” trong nhiều năm.
Nguyên nhân chủ yếu là, chưa có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào công nghệ chế biến nông sản chất lượng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản tại ĐBSCL. Điều này dẫn đến nông sản của ĐBSCL vẫn chủ yếu là sản phẩm thô, giá trị gia tăng còn tương đối thấp, lợi nhuận mang lại không cao.
Liên sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo
ĐBSCL có diện tích gieo trồng lúa khoảng 4,3 triệu ha/năm (chiếm 47% diện tích gieo trồng lúa cả nước), sản lượng hằng năm đạt từ 23-25 triệu tấn (chiếm 56% sản lượng lúa cả nước), lượng gạo xuất khẩu đạt khoảng 5-6 triệu tấn (chiếm hơn 90% cả nước) với doanh thu khoảng 2-3 tỷ USD.
Thời gian qua, ĐBSCl đã từng bước hình thành các cụm liên kết đối với ngành hàng lúa gạo, liên kết theo chuỗi giá trị, từ người nông dân, các hợp tác xã trồng lúa đến các doanh nghiệp thu hoạch và chế biến sau thu hoạch, các trường đại học, viện nghiên cứu cung cấp công nghệ, kỹ thuật canh tác, các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp,…
Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) là một điển hình trong việc xây dựng và tham gia nhiều mô hình liên kết trong cụm ngành hàng lúa gạo. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp khác như: Công ty cổ phần Tân Đồng Tiến, Công ty Lương thực Long An,… là những doanh nghiệp tổ chức liên kết đồng bộ từ đầu tư về giống lúa, phân bón, kỹ thuật chăm sóc đến cung cấp vật tư, thu mua sản phẩm.
Việc liên kết theo cụm ngành hàng lúa gạo tại vùng ĐBSCL từng bước hình thành và phát triển, góp phần nâng cao năng suất, giá trị gia tăng ngành lúa gạo. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm lúa gạo tại vùng vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do việc sản vẫn còn theo quy mô nhỏ lẻ, cùng với hệ thống hạ tầng giao thông không thuận tiện nên hiện nay trên 90% sản lượng lúa gạo tại vùng ĐBSCL chủ yếu chỉ bán trực tiếp cho thương lái thay vì được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra.
Bên cạnh đó, đa số các công ty lương thực, doanh nghiệp xuất khẩu gạo không tiến hành thu mua lúa trực tiếp từ nông dân mà chủ yếu thu mua lúa và gạo nguyên liệu từ thương lái do tính linh hoạt cao, không cần tổ chức kênh vận chuyển, thu gom. Điều này làm gia tăng chi phí trung gian, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của sản phẩm gạo của vùng.
Trong khi đó, người tiêu dùng hiện mua gạo chủ yếu từ các thương lái nhỏ hoặc tại chợ gần nơi sinh sống. Điều này dẫn đến tỷ lệ gạo mua tại các kênh bán lẻ hiện đại còn rất hạn chế. Hiện nay, tại khu vực cũng chưa có chợ kết nối giữa vùng sản xuất và người tiêu dùng. Các sản phẩm cũng chưa được kiểm tra chất lượng và truy xuất nguồn gốc (trừ một số ít các loại gạo đặc sản).
Mặt khác, liên kết đối với thị trường tiêu thụ quốc tế lại chủ yếu phụ thuộc vào các cảng trung chuyển ở TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong khi hạ tầng kết nối với nhiều khâu trung chuyển làm phát sinh thêm chi phí gián tiếp như thời gian, công bốc dỡ… là một trong những nguyên nhân làm giảm tính cạnh tranh so với các quốc gia xuất khẩu khác.
Như vậy, cùng với việc hoàn thiện chuỗi dịch vụ logistics để tiết giảm chi phí thì việc tăng cường kết nối trực tiếp các nhà sản xuất với thị trường tiêu thụ, nâng cao hiệu quả giao thương, tập trung hoạt động giao dịch, mua bán tại các trung tâm, sàn giao dịch là rất cần thiết để tạo đầu ra cho sản phẩm lúa gạo.
Liên kết ngành thủy sản
So với ngành rau màu, cây ăn quả và lúa gạo, ngành nuôi trồng thủy sản là ngành đã hình thành các mô hình liên kết phổ biến nhất.
Đơn cử như ngành nuôi tôm và cá da trơn - hai mặt hàng xuất khẩu thủy sản chính của ĐBSCL. Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 80% diện tích nuôi cá tra hiện nay thuộc liên kết doanh nghiệp - nông dân bao gồm cung ứng đầu vào, thống nhất lịch thu hoạch và thu mua sản phẩm. Bên cạnh đó, đối với ngành nuôi tôm, vùng cũng đã hình thành được chuỗi liên kết theo hướng doanh nghiệp cung ứng giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua tôm thành phẩm cho nông dân.
Theo đó, tại vùng đã hình hình các cụm nhà máy chế biến thủy hải sản như: cụm chế biến hải sản ở Kiên Giang, cụm chế biến tôm ở Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng; cụm chế biến các sản phẩm cá tra tại Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long,… Bên cạnh đó, các cụm liên kết theo chuỗi giá trị của các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Việt-Úc, Tập đoàn Minh Phú,… đã hình thành một mạng lưới các công ty sản xuất thức ăn, con giống, nuôi trồng, chế biến và tiêu thụ thủy hải sản cả trong nội địa và xuất khấu.
Tuy nhiên, các chuỗi liên kết này mới ở phạm vi nguồn cung, chưa phát triển mạnh ở khâu đầu ra thị trường, các mối quan hệ được điều chỉnh bằng tập quán làm ăn truyền thống hơn là các hợp đồng và chính sách, hành lang pháp lý cụ thể.
Ngoài ra, số liệu của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thể hiện rằng, các sản phẩm cá da trơn mặc dù đã xuất khẩu sang 119 quốc gia và vùng lãnh thổ nhưng chủ yếu vẫn là sản phẩm thô dưới hình thức phile/cắt khúc chiếm đến 99%, còn các sản phẩm giá trị gia tăng chỉ chiếm khoảng 1%. Ngoài thách thức về hàm lượng chế biến thấp, ngành cá da trơn còn gặp khó khăn do đã phát triển tới giới hạn do ô nhiễm nguồn nước, diện tích mở rộng nuôi trồng không còn nhiều.
Trong khi đó, đối với sản phẩm tôm, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù đạt kim ngạch xuất khẩu mỗi năm 3,5-4 tỷ USD, nhưng ngành hàng tôm vẫn đang tồn tại nhiều điểm nghẽn, điển hình như: Chất lượng giống còn thấp, chưa lai tạo hay nhập được tôm giống tốt; công nghiệp chế biến còn chậm phát triển, dẫn đến chưa có nhiều sản phẩm giá trị gia tăng cao phục vụ nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng; chưa chủ động sản xuất nguồn thức ăn tôm trong nước, trong khi 65 - 70% nguyên liệu thức ăn tôm phải nhập hoặc lệ thuộc vào doanh nghiệp từ nước ngoài.
Do đó, ngành thủy sản ĐBSCL, đặc biệt là ngành hàng cá tra và tôm trong thời gian tới cần áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trên thế giới vào chế biến, bảo quản sản phẩm để nâng cao giá trị, chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết để tạo vùng nguyên liệu lớn, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm thủy sản.