Lợi nhuận 2017 gấp đôi năm trước, HDBank tạo cú hích trước niêm yết với kế hoạch chia cổ tức 25-30%
Lợi nhuận 2017 gấp đôi năm trước, HDBank tạo cú hích trước niêm yết với kế hoạch chia cổ tức 25-30%
“Trong bối cảnh thị trường ngân hàng đang bùng nổ tại Việt Nam và cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư, mức cổ tức "khủng" mà HDBank đưa ra sẽ là cú hích cho cổ phiếu HDBank trước thềm niêm yết”, Tổng giám đốc HDBank - ông Nguyễn Hữu Đặng chia sẻ.
Chiều ngày 03/01/2018, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank, HDB) tổ chức buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào cổ phiếu HDBank tại TP.HCM ngay trước thềm niêm yết của Ngân hàng.
Theo đó, kết quả kinh doanh sơ bộ 2017 của HDBank đã được hé lộ với lợi nhuận trước thuế cả năm hợp nhất đạt 2,420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 2,040 tỷ đồng, gấp 2.1 lần so với năm trước. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ tính đến cuối năm 2017 ở mức 1.2%, còn tỷ lệ hợp nhất với Công ty tài chính HD Saison là 1.6%.
Đến năm 2018, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 65% lên 3,921 tỷ đồng. Tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 35%, qua đó nâng dư nợ cho vay khách hàng lên 148,510 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của Tổng giám đốc HDBank Nguyễn Hữu Đặng, nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh trong năm 2017, Ban lãnh đạo dự định sẽ chia cổ tức 25-30% bằng tiền mặt và cổ phiếu thưởng cho cổ đông, phương án chia cổ tức sẽ được HĐQT trình ĐHĐCĐ trong thời gian tới. Được biết, các năm trước ở thời kỳ ngành ngân hàng có nhiều biến động, HDBank luôn duy trì mức trả cổ tức trên dưới 10%.
Đúng như kế hoạch, gần 981 triệu cổ phiếu HDB của HDBank sẽ chính thức giao dịch trên HOSE vào đầu năm 2018 (ngày 05/01 tới đây) với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 33,000 đồng/cp.
Lợi nhuận sẽ tăng trưởng 37%/năm trong 5 năm tới
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT cho biết, HDBank hiện nằm trong nhóm ngân hàng tư nhân lớn nhất với tổng tài sản trên 191,000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu trên 150,000 tỷ đồng, mạng lưới 240 chi nhánh và phòng giao dịch. Được biết, HDBank đang xúc tiến mở các chi nhánh tại nước ngoài và dự kiến cán mốc 400 chi nhánh, phòng giao dịch vào năm 2021. Ngân hàng hiện cũng có hơn 10,500 điểm giới thiệu dịch vụ, 13 ngàn nhân sự và 4.8 triệu khách hàng (tính tới 31/12/2017).
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank
|
Với định hướng ngân hàng bán lẻ, tập trung vào các sản phẩm dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) và khách hàng cá nhân, trong giai đoạn 5 năm 2012-2016, tăng trưởng huy động bình quân của Ngân hàng đạt 31.8%, tăng trưởng tín dụng bình quân đạt 40.4%, tăng trưởng lợi nhuận bình quân đạt 30%.
Trong giai đoạn 5 năm tiếp theo (2017-2021), lãnh đạo Ngân hàng dự kiến tổng tài sản sẽ tăng 26-28% mỗi năm, qua đó nâng tổng tài sản lên 20 tỷ USD, ROE đạt 26% vào năm 2021. Mức tăng trưởng trên còn chưa tính tới việc mở rộng quy mô cơ học thông qua M&A các tổ chức tài chính khác đồng thời cũng bỏ ngỏ khả năng về cơ hội này.
HDBank cũng đặt mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu với tốc độ tăng trưởng từ bình quân 25% mỗi năm, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận 37%/năm; phục vụ số lượng 15 triệu khách hàng vào năm 2021, gấp 3 lần hiện tại.
Room ngoại còn 8.5% trước niêm yết là điểm hấp dẫn hút vốn đầu tư
Trước thềm lên sàn, HDBank cho biết đã chào bán thành công cổ phiếu cho các nhà đầu tư nước ngoài với giá 32,000 đồng/cp. Cụ thể, có 76 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm mua cổ phiếu HDBank với lượng đặt mua gấp 3 lần chào bán. Kết quả khối ngoại đã chi hơn 300 triệu USD, tương đương hơn 6,800 tỷ đồng để nắm giữ 21.5% vốn điều lệ HDBank. Mỗi nhà đầu tư được sở hữu không quá 3% vốn Ngân hàng.
Trong số 76 nhà đầu tư nói trên có nhiều quỹ đầu tư và ngân hàng nước ngoài, bao gồm các định chế tài chính lớn đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam như Credit Saison (Nhật Bản), Deutsche Bank AG (Đức), JPMorgan Vietnam Opportunities Fund, CAM Bank (Nhật Bản), RWC Frontier Markets Opportunity Master Fund (Anh), Macquarie Bank (Úc), Charlemagne (Anh), Dragon Capital (Anh), VinaCapital,… Riêng VinaCapital cũng đã công bố đầu tư 22 triệu USD vào HDBank.
Như vậy, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài còn lại của cổ phiếu HDBank khi niêm yết còn khoảng hơn 8.5%. Theo bà Thảo, điều này sẽ tạo tính hấp dẫn cho các nhà đầu tư đầu tư vào cổ phiếu HDBank, đảm bảo không có hạn chế giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài và kỳ vọng giao dịch cổ phiếu sẽ tiếp tục sôi động sau khi niêm yết.
FiLi