Cạn vốn, nhiều startup AI tìm kiếm sự giải cứu của ‘ông lớn’ công nghệ
Cạn vốn, nhiều startup AI tìm kiếm sự giải cứu của ‘ông lớn’ công nghệ
Năm ngoái, các công ty khởi nghiệp (startup) về trí tuệ nhân tạo (AI) huy động thành công hàng tỉ đô la Mỹ trong cơn bùng nổ đầu tư công nghệ mới nhất. Nhưng hiện tại, nhiều startup trong số đó chật vật duy trì hoạt động do cạn vốn. Vì vậy, họ chấp nhận thỏa thuận giải cứu bất thường từ tập đoàn công nghệ lớn nhất (Big Tech) ở Thung lũng Silicon.
Khoảng 25% đội ngũ nhân viên của Character.AI cùng hai người đồng sáng lập Noam Shazeer và Daniel De Freitas sẽ gia nhập Google, theo thỏa thuận giữa hai công ty công bố hôm 2-8 Ảnh: aitoolsclub.com |
‘Ngả vào vòng tay’ của Big Tech
Trong năm nay, ít nhất 3 startup AI đình đám ở Mỹ được giải cứu thông qua một dạng thỏa thuận mới với cấu trúc bất thường mà nhiều chuyên gia trong ngành công nghệ cho rằng thực chất là thỏa thuận thâu tóm. Những thỏa thuận này không đòi hỏi sự phê duyệt của các cơ quan quản lý, vốn đang gia tăng giám sát độc quyền trong lĩnh vực AI.
Hôm 2-6, Character.AI công bố thỏa thuận cho phép Google sử dụng công nghệ của công ty. Google cũng được phép thuê nhiều nhà nghiên cứu và đội ngũ lãnh đạo Character.AI, bao gồm hai người đồng sáng lập Noam Shazeer và Daniel De Freitas. Các nguồn thạo tin cho biết, Google nhất trí trả 2 tỉ đô la Mỹ để được quyền sử dụng công nghệ của startup này.
Trước đó, hai bên đã xem xét một thỏa thuận mua đứt Character.AI nhưng nhận thấy khó có nhận được cái gật đầu từ các cơ quan quản lý.
Hồi tháng 6, Adept AI, startup đang phát triển công cụ AI dành cho doanh nghiệp, đạt thỏa thuận tương tự với tập đoàn công nghệ Amazon. Theo đó, Amazon đồng ý thuê hầu hết nhân viên của Adept AI và trả khoản phí 330 triệu đô la để được phép sử dụng công nghệ của công ty khởi nghiệp này. Số tiền đó cùng với số tiền mặt còn lại của Adept đủ để trả nợ cho các nhà đầu tư. Nhưng đây là một bước ngoặt đáng thất vọng đối với một công ty được định giá 1 tỉ đô la hồi năm ngoái.
Hồi tháng 3, Microsoft đồng ý thuê hầu hết nhân viên của startup AI Inflection để làm việc cho bộ phận AI tiêu dùng mới của tập đoàn. Ngoài ra, Microsoft cũng trả khoản phí khoảng 650 triệu đô la để được quyền sử dụng công nghệ của AI Inflection .
Các nhà đầu tư cho biết, các vụ thoái vốn từ các startup AI, thông qua thỏa thuận thâu tóm thực sự hay dạng thỏa thuận mới nói trên, sẽ tăng lên. Điều này là do cơn sốt đầu tư AI tạo sinh đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Để phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) vận hành công cụ AI và tạo con số doanh thu nhỏ ban đầu, các startup cần đầu tư trước hàng trăm triệu đô la. Nhiều startup nhận thấy họ không đủ nguồn lực để đạt mục tiêu đó.
“Rất nhiều startup AI đặt ra tầm nhìn lớn nhưng không có các mục tiêu cụ thể và chi tiết thực tế”, Shaun Johnson, đối tác sáng lập của AI AIX Ventures, một công ty chuyên đầu tư vào AI bình luận.
Đối với nhiều startup AI, thỏa thuận giải cứu từ một tập đoàn công nghệ sẽ tốt hơn viễn cảnh sụp đổ vì cạn tiền. Nhưng các thỏa thuận như vậy sẽ củng cố thêm sức mạnh cho những người khổng lồ công nghệ, có đủ nguồn lực tài chính để trả các hóa đơn tốn kém cho AI.
Không kham nổi chi phí phát triển AI
Sự lo lắng về triển vọng của AI góp phần tạo ra làn sóng bán tháo cổ nghệ trên thị trường chứng khoán Mỹ gần đây, khiến chỉ số Nasdaq Composite giảm khoảng 13% trong tháng qua. Thái độ hoài nghi ngày càng tăng trong ngành là sự thay đổi rõ rệt so với tâm lý hào hứng vào năm ngoái, khi tiền dồn dập đổ vào các startup AI sau màn mắt ấn tượng ChatGPT của OpenAI hồi tháng 11-2022.
Cùng năm đó, David Luan thành lập Adept AI để xây dựng các trợ lý AI có thể xử lý các công việc văn phòng như thanh toán hóa đơn hoặc xử lý yêu cầu bảo hiểm. Các trợ lý AI của Adept vận hành dựa trên các LLM được thiết kế chuyên biệt, một công việc có thể tiêu tốn tới 100 triệu đô la.
Theo một nguồn tin, Adept đã huy động được hơn 400 triệu đô la nhưng chi phí phát triển công nghệ của công ty đã vượt qua mức mà các nhà sáng lập dự đoán. Vào mùa xuân năm nay, David Luan và đội ngũ của ông đã liên hệ với các công ty bao gồm Microsoft và hãng phần mềm Salesforce để hỏi xem liệu họ có muốn mua lại Adept hay không?
Rốt cục, Adept đạt được thỏa thuận với Amazon. Như một phần của thỏa thuận, David Luan và khoảng 50 nhân viên khác của Adept đảm nhận vị trí điều hành trong một nhóm mới thành lập gần đây có nhiệm vụ giúp Amazon bắt kịp các đối thủ trong cuộc chạy đua phát triển AI.
Adept vẫn duy trì hoạt động nhưng với quy mô nhỏ hơn, chỉ sử dụng khoảng 25 nhân viên. Công ty khởi nghiệp này sẽ tập trung bán công nghệ hiện có, chứ không phát triển thêm các mô hình AI mới.
Character.AI cũng rơi vào khó khăn tương tự. Công ty đã nỗ lực xây dựng các chatbot AI có thể bắt chước bất kỳ ai từ nhà tâm lý học, nhân vật phim hoạt hình cho đến tỉ phú Elon Musk. Năm ngoái, Character.AI huy động được 150 triệu đô la trong một vòng gọi vốn định giá công ty ở mức 1 tỉ đô la.
Nhưng do không tạo ra đủ doanh thu từ người dùng trả phí, vào mùa hè này, Character.AI đã đàm phán với Meta, công ty mẹ của Facebook, về một gói giải cứu, theo các nguồn thạo tin. Công ty ước tính, doanh thu trong năm 2024 chỉ đạt khoảng 16,7 triệu đô la.
Cuối cùng, Character.AI chuyển sang tiếp cận Google, nơi Noam Shazeer, đồng sáng lập của startup này, từng làm việc. Shazeer vẫn được đánh giá cao ở Google và thân thiết với người đồng sáng lập Google, Sergey Brin. Google đã đồng ý trả 2 tỉ đô để sử dụng công nghệ của Character.AI. Số tiền này sẽ được sử dụng để mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư sớm của startup này cũng như duy trì hoạt động của công ty.
Shazeer và khoảng 25% đội ngũ nhân viên của Character.AI gia nhập bộ phận nghiên cứu AI của Google để làm việc trên các mô hình ngôn ngữ lớn Gemini của ông lớn tìm kiếm này. Những nhân viên còn lại sẽ tiếp tục gắn bó với Character.AI để phát triển các chatbot AI. Họ sẽ sử dụng nhiều mô hình AI nguồn mở hơn, một cách tiếp cận rẻ hơn so với việc chỉ dựa vào mô hình AI của chính công ty.
FTC vào cuộc điều tra
Chính quyền Tổng thống Joe Biden gần đây tăng cường hành động nhằm ngăn chặn các hoạt động mua bán và sáp nhập làm suy giảm sự cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ . Đó là lý do dẫn đến cấu trúc bất thường trong các thỏa thuận của Character.AI , Adept AI và AI Inflection với Google, Amazon và Microsoft.
Theo John Newman, giáo sư luật ở Đại học Miami, những ‘ông lớn’ công nghệ như Amazon và Google biết rằng, họ không còn dễ dàng thâu tóm các đối thủ nhỏ như trước đây.
Các thỏa thuận sáp nhập nhằm mục đích thâu tóm đội ngũ nhân viên từ lâu là thực hành phổ biến ở Thung lũng Silicon. Nhưng việc thuê nhân viên chủ chốt của một startup và tiếp cận công nghệ của công ty đó bằng một khoản phí cấp phép sử dụng là điều bất thường. Cấu trúc của thỏa thuận này mang lại cho bên trả phí hầu hết các quyền lợi giống như trong một vụ thương vụ thâu tóm mà không cần xin sự phê duyệt của các cơ quan quản lý chống độc quyền.
Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ (FTC) đang điều tra thỏa thuận của Amazon với Adept và thỏa thuận của Microsoft với Inflection để xem liệu họ có cố tình thiết kế cấu trúc bất thường để né sự phê duyệt của chính phủ hay không.
Khánh Lan (Theo WSJ)