Chia tay Thương mại Thành Công, Vang Thăng Long đón 2 cổ đông lớn
Chia tay Thương mại Thành Công, Vang Thăng Long đón 2 cổ đông lớn
Ngày 01/08/2024, Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư dịch vụ Thương mại Thành Công đã bán hơn 4.8 triệu cp nắm giữ tại CTCP Vang Thăng Long (UPCoM: VTL).
Đây cũng là toàn bộ số cổ phần mà Thương mại Thành Công nắm giữ tại VTL, tương đương 47.53% vốn điều lệ.
Chia tay Thương mại Thành Công, VTL cũng đón 2 cổ đông mới trong ngày 01/08. Công ty TNHH Dịch vụ Phúc Tín mua hơn 2.4 triệu cp VTL, trở thành cổ đông lớn với tỷ lệ 23.81%. Tương tự, CTCP Tư vấn và Đầu tư Bình Sơn mua 2.4 triệu cp, tương đương 23.72% vốn điều lệ của VTL. Trước giao dịch, cả 2 cổ đông này không nắm giữ cổ phiếu VTL nào.
Diễn biến giá cổ phiếu VTL từ đầu năm 2024 | ||
Khối lượng mua vào của Phúc Tín và Bình Sơn bằng đúng số lượng bán ra của Thương mại Thành Công. Trong ngày 01/08, thị trường ghi nhận giao dịch thỏa thuận với khối lượng hơn 4.8 triệu cp, bằng đúng lượng giao dịch trên. Như vậy, nhiều khả năng đây là giao dịch sang tay giữa Thương mại Thành Công với 2 đơn vị trên.
Thương mại Thành Công thu về gần 55.8 tỷ đồng sau giao dịch, tương đương mức giá 11,600 đồng/cp, cao hơn khoảng 3% so với thị giá cổ phiếu VTL ngày 01/08 (11,200 đồng/cp). Trong đó, ước tính Phúc Tín đã chi khoảng 28 tỷ đồng, còn Bình Sơn thấp hơn một chút, khoảng 27.8 tỷ đồng.
Vang Thăng Long tiền thân là Xí nghiệp Nước giải khát Thăng Long, được thành lập năm 1989, thuộc Công ty Rượu bia Hà Nội. Năm 2001, Doanh nghiệp được cổ phần hoá, sau đó niêm yết cổ phiếu lên HNX vào tháng 1/2005 với mã giao dịch VTL. Tuy nhiên, đến ngày 19/05/2023, mã này bị hủy niêm yết trên HNX và chuyển sang UPCoM từ 31/05/2023, vì âm vốn chủ sở hữu.
Là thương hiệu rượu vang lâu đời, Vang Thăng Long đang trải qua thời kỳ hoạt động khó khăn. Từ năm 2019 tới nay, ngoại trừ năm 2021 lãi mỏng, Doanh nghiệp đều thua lỗ. Năm 2023 là u ám nhất khi VTL đạt doanh thu hơn 12 tỷ đồng, chia gần 7 lần so với năm trước; lỗ ròng 9.4 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 36 tỷ đồng).
Tình hình kinh doanh của VTL từ năm 2019 tới nay | ||
Năm 2023, Doanh nghiệp cho biết sẽ mở rộng mạng lưới nhà phân phối, xây dựng lại cơ cấu giá bán hàng hóa cho các kênh trọng điểm, tập trung vào một số nhãn như Vang Thăng Long hay Vang Chile. Ngoài ra, sẽ thực hiện thay đổi bao bì, nhãn mác sản phẩm để đáp ứng thị hiếu, tăng bán hàng online, mạng xã hội… Tất cả để khắc phục tình trạng thua lỗ.
Bên cạnh đó, VTL còn một số dự án tồn đọng, như Dự án tòa nhà thương mại, dịch vụ và văn phòng tại 181 Lạc Long Quân, Hà Nội. Đây là dự án thực hiện theo phương án hợp tác đầu tư với CTCP Siêu thị VHSC, được ĐHĐCĐ 2016 thông qua.
Cập nhật về dự án, tại ĐHĐCĐ 2024, Chủ tọa đại hội là ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết dự án đã đi đến giai đoạn hoàn thiện, sẽ hoạt động trong năm 2024. Khi đi vào hoạt động, VTL dự kiến có doanh thu từ việc hợp tác này, sau đó sẽ căn cứ theo kết quả hoạt động kinh doanh thực tế mà có phương án phân phối lợi nhuận cho cổ đông.