Đòn bẩy
Đòn bẩy
Thị trường chứng khoán vừa kỷ niệm 24 năm sàn giao dịch chứng khoán “khớp lệnh”. VN-Index đã tăng từ 100 điểm lên 1,246 điểm trong 24 năm qua, tương ứng với mức tăng 11.1%/năm, một mức sinh lời tương đối hấp dẫn trong một khoảng thời gian đủ dài. Nhưng thực tế, có bao nhiêu nhà đầu tư hưởng được quả ngọt này từ thị trường? Người viết mới tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán được 11 năm nhưng cũng đã chứng kiến nhiều trường hợp phải rời bỏ thị trường, theo một cách khốc liệt; bán nhà cửa để thanh toán các khoản nợ. Một nguyên nhân duy nhất: Đòn Bẩy.
Tính bền vững đáng ngạc nhiên của các doanh nghiệp Nhật Bản
Một nghiên cứu với khoảng 4,000 doanh nghiệp có tuổi đời trên 100 năm thì có khoảng 56% là ở Nhật Bản. Có nhiều nguyên nhân tới từ triết lý kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, sự gắn kết của các bộ nhân viên và những trợ giúp của chính phủ.
Tuy nhiên, đánh giá trên góc độ tài chính, sự trường tồn của các doanh nghiệp Nhật Bản, vượt qua tất cả những thăng trầm của kinh tế thế giới, chiến tranh, dịch bệnh,… được dựa trên một nguyên tắc quản lý tài chính khá bảo thủ, giữ lại lợi nhuận để tăng cường vốn tự có và duy trì khả năng thanh khoản cao. Điều này giúp họ đối phó với các biến động kinh tế và giảm rủi ro tài chính. Việc duy trì một lượng lớn tiền mặt và tài sản có thanh khoản cao cũng giúp các doanh nghiệp này có thể đầu tư vào cơ hội mới mà không cần phụ thuộc vào nguồn vốn bên ngoài. Theo thống kê, tỷ lệ nợ trung bình của các doanh nghiệp này luôn nằm dưới mức 50%.
Chu kỳ của chủ nghĩa tư bản theo giải thích của Ray Dalio
Theo Dalio, chủ nghĩa tư bản và nền kinh tế hoạt động theo các chu kỳ dài hạn và ngắn hạn, thường được dẫn dắt bởi các yếu tố như nợ, lãi suất và tăng trưởng kinh tế. Chu kỳ ngắn hạn, thường kéo dài khoảng 5- 8 năm. Chu kỳ ngắn hạn thường bắt đầu với sự gia tăng của tín dụng và nợ, khi lãi suất thấp khuyến khích việc vay mượn. Điều này dẫn đến sự tăng trưởng kinh tế và lạm phát. Khi lạm phát tăng cao, các ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, dẫn đến chi phí vay mượn cao hơn, giảm tiêu dùng và đầu tư. Cuối cùng, nền kinh tế suy giảm và có thể dẫn đến suy thoái. Sau đó, các ngân hàng trung ương lại hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng, bắt đầu một chu kỳ mới.
Theo góc nhìn của Ray Dalio, sẽ khó có việc chứng khoán nói riêng và nền kinh tế nói chung duy trì mở rộng vô hạn, tới một lúc nào đó, thị trường sau khi tăng mạnh sẽ bước vào chu kỳ giảm giá và ngược lại. Điều quan trọng là, rất khó để dự báo được khi nào chu kỳ giảm giá này sẽ diễn ra hay khi nào nó sẽ kết thúc.
Dự báo rủi ro của các mô hình kinh tế thông thường và theo “ thiên nga đen”
Khái niệm "Thiên Nga Đen" được Nassim Nicholas Taleb phát triển để mô tả các sự kiện cực kỳ hiếm gặp, có tác động lớn và khó dự đoán. Taleb cho rằng các mô hình kinh tế thông thường không đủ để dự đoán và đánh giá rủi ro của những sự kiện này.
Các đặc điểm của Thiên Nga Đen:
- Bất ngờ: Các sự kiện thiên nga đen thường xuất hiện bất ngờ, không được dự đoán trước đó.
- Tác động lớn: Khi xảy ra, các sự kiện này có thể gây ra tác động lớn đến hệ thống kinh tế và tài chính.
- Hiệu ứng hậu nghiệm: Sau khi xảy ra, mọi người thường giải thích các sự kiện này một cách hợp lý, mặc dù chúng rất khó dự đoán.
Rủi ro không đối xứng (Asymmetrical Risk): Các sự kiện thiên nga đen không tuân theo phân phối chuẩn. Chúng có thể gây ra tổn thất lớn hơn nhiều so với dự đoán dựa trên mô hình thông thường.
Thiếu dự đoán chính xác: Taleb cho rằng, do tính không thể đoán trước của thiên nga đen, việc cố gắng dự đoán chính xác là vô ích. Thay vào đó, nên tập trung vào việc xây dựng các hệ thống linh hoạt và khả năng chịu đựng để đối phó với các sự kiện bất ngờ.
Vì vậy, để tồn tại đủ lâu trên thị trường, sử dụng đòn bẩy để “optimization” chứ không nên “maximation”
Tối đa hóa (maximization): Tập trung vào việc đạt được lợi nhuận cao nhất có thể, thường thông qua việc sử dụng mức đòn bẩy cao. Cách tiếp cận này có thể dẫn đến lợi nhuận cao, nhưng cũng đi kèm với mức độ rủi ro lớn, có thể gây ra tổn thất nghiêm trọng nếu thị trường không diễn ra theo kỳ vọng.
Tối ưu hóa (pptimization): Tập trung vào việc đạt được lợi nhuận tối ưu với mức rủi ro chấp nhận được. Cách tiếp cận này không nhằm mục đích đạt được lợi nhuận cao nhất, mà thay vào đó tìm cách cân bằng giữa lợi nhuận và rủi ro. Tối ưu hóa đòn bẩy liên quan đến việc xác định mức độ vay hợp lý, đảm bảo rằng lợi nhuận bổ sung từ việc sử dụng đòn bẩy không vượt quá mức rủi ro chấp nhận được.
Người viết đưa ra những khuyến nghị cho nhà đầu tư như sau:
- Hãy nghĩ tới sự tồn tại lâu dài trên thị trường trước khi nghĩ tới lợi nhuận. Giống như các doanh nghiệp có tuổi đời hàng ngàn năm của Nhật Bản, hãy áp dụng một chiến lược đầu tư bảo thủ.
- Thị trường hay nền kinh tế sẽ có lên và xuống. Chu kỳ ngắn theo Ray Dalio có thể kéo dài khoảng 5 tới 8 năm, nhưng chúng ta không biết chắc khi nào 1 chu kỳ sẽ kết thúc.
- Rủi ro “Thiên Nga Đen” là những rủi ro không thể lường trước và có tác động tiêu cực rất lớn. Vì thế, mọi kế hoạch đầu tư luôn cần đề phòng trước những điều này xảy ra và có cách ứng xử
- Sử dụng đòn bẩy không xấu, nhưng thay vì dùng đòn bẩy với tâm lý tối đa hóa lợi nhuận, hãy dùng nó với tư duy “tối ưu hóa lợi nhuận”. Chúng ta có thể “giàu” chậm hơn, nhưng sẽ giúp đứng vững hơn trong mọi điều kiện thị trường.