Hãy bớt… đẹp đi, được không?
Hãy bớt… đẹp đi, được không?
Tối 23/08, đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Hòa bình 2024 diễn ra tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, người đẹp Hoắc Thị Huyền đến từ Bắc Giang đã đoạt ngôi vị cao nhất. Vậy là qua 1 đêm, Việt Nam lại có thêm 1 hoa hậu và 6 á hậu!
Và chỉ trong vòng 1 tháng qua, có đến 4 cuộc thi hoa hậu, trong đó chỉ riêng đêm 03/08 đã diễn ra cùng lúc 2 cuộc thi là Hoa hậu Du lịch Việt Nam 2024 và Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2024 để cho ra lò 2 hoa hậu, 6 á hậu.
Một ngày trước đó lại là cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân hoàn vũ Việt Nam 2024 ở tỉnh Bình Thuận với kết quả 1 hoa hậu và 3 á hậu.
Một sự lạm phát thi hoa hậu có thật. Người xem không kịp nhớ từng cuộc thi, không điểm mặt nổi mỗi hoa hậu, á hậu đăng quang từ cuộc nào. Nhìn qua danh sách các cuộc thi cũng đủ… chóng mặt: Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Đại dương Việt Nam, Hoa hậu Môi trường Việt Nam, Hoa hậu biển, đảo Việt Nam, Hoa hậu Đất mẹ Việt Nam, Hoa hậu Gia đình Việt Nam, Hoa hậu Kinh đô Việt Nam, Hoa hậu Sắc đẹp Việt Nam, Hoa hậu Trái tim Việt Nam, Hoa hậu Tự tin Việt Nam, Hoa hậu Truyền thống Việt Nam, Hoa hậu Ẩm thực Việt Nam, Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam quý phái… Chưa kể, cạnh hoa hậu còn có “duyên dáng” như cuộc thi Duyên dáng sinh viên Việt Nam hay “chuyên biệt” tới mức lại có cả Hoa hậu Thiện nguyện Việt Nam!
Trong khi, nếu nhìn vào từng tên gọi thì bản thân một cuộc thi hoa hậu đã bao hàm yếu tố “sắc đẹp”, “tự tin”, “truyền thống”… Nhưng rõ ràng, người ta vẫn nghĩ cách để tách ra cho từng cuộc thi và cứ thế, tuyên xưng vô tội vạ, tràn lan…
Ngoại trừ một vài cuộc thi có chất lượng và uy tín từ nhiều năm qua, còn lại đa phần chỉ rộ lên đêm diễn ra, nếu có thì những scandal “vô tình” bùng phát trước, trong và sau khi diễn ra khiến người xem chú ý. Mục tiêu, thông điệp thật sự của những cuộc thi sắc đẹp ấy không rõ, thậm chí không có. Qua 1 đêm, sau đăng quang, các ngôi vị cũng biến mất trong trí nhớ, thỉnh thoảng thấy gắn danh hiệu này ở cuộc xuất hiện kia, rồi thôi. Còn những lời phát biểu hoa mỹ, những hoạt động cộng đồng mà một tân hoa hậu cam kết đồng hành, thực hiện hầu như lặng mất tăm.
Thực chất, nó không khác gì một cỗ máy kiếm tiền và các đơn vị tổ chức thi nhau dựng nên những cuộc thi, sàn đấu mang danh sắc đẹp chỉ để kêu gọi quảng cáo, tài trợ.
Nó không sai nếu mục tiêu, cách thức tổ chức chuyên nghiệp, bài bản đi cùng với kết quả tìm ra được những người đẹp xứng đáng, có tính thuyết phục cao. Đặt trong cơ chế khá thông thoáng cho các cuộc thi về nhan sắc với Nghị định 144 của Chính phủ ra đời năm 2020 thì càng mở, độ sàng lọc càng phải cao để tăng chất lượng cuộc thi. Đằng này, nhà nhà tổ chức thi hoa hậu, người người dự thi hoa hậu khiến nạn lạm phát thi thố nhan sắc, dẫn tới việc gây nghi ngờ, thiếu thiện cảm của dư luận xã hội dành cho các cuộc thi sắc đẹp.
Quả thực, với việc không quy định thí sinh dự thi người đẹp phải là nữ và có vẻ đẹp tự nhiên; không giới hạn cuộc thi hoa hậu, hoa khôi, người mẫu trong một năm; cũng như cho phép công dân Việt Nam dự thi nhan sắc quốc tế mà không cần Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép là những điều kiện hết sức thuận lợi cho các nhà tổ chức, cá nhân tham gia. Hơn nữa, việc tổ chức các cuộc thi sắc đẹp do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố chấp thuận mà không cần phải xin cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn. Từ đó, dễ thấy là mảnh đất màu mỡ cho nấm sau mưa hoa hậu, hoa khôi, duyên dáng…
Nếu giữ gìn hình ảnh đẹp thông qua các hoạt động cộng đồng, những phát ngôn, câu chuyện truyền cảm hứng rất ý nghĩa như hoa hậu H’ Hen Niê thì điều đó thật đáng quý. Hay cách xuất hiện, tham gia các sự kiện của các người đẹp như hoa hậu Thùy Tiên, Ngọc Châu, Khánh Vân… ít nhiều cho thấy họ ý thức với vị thế, vai trò của người có sức ảnh hưởng. Trong khi, cũng là hoa hậu, Phương Lê lại có những phiên livestream phản cảm, thiếu kiểm soát về lời ăn tiếng nói, thậm chí đùa giỡn, đổi lời bài Quốc ca. Hay trước đó là người đẹp Nam Em, cũng đã bị cơ quan quản lý xử phạt vì phát ngôn thiếu cẩn trọng.
Cho nên, khi luật định thông thoáng không có nghĩa là mạnh ai nấy cấp, địa phương nào cũng tổ chức và Cục Nghệ thuật biểu diễn gần như… vô can. Trong quy định có yêu cầu các Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch phải thông báo công khai, đăng thông tin trên trang thông tin của Sở; bên cạnh ngày 25 hằng tháng gửi báo cáo về Cục để Cục nắm tình hình và xử lý các vấn đề phát sinh về các hoạt động nghệ thuật biểu diễn được chấp thuận tổ chức tại địa phương mình, trong đó có các cuộc thi người đẹp. Thông tin này cũng được đăng công khai lên trang web của Cục để người dân, doanh nghiệp tiện theo dõi, giám sát.
Vậy, từ góc độ giám sát, quản lý chung, Cục nên trao đổi với các địa phương để có sự điều chỉnh về phân bổ số lượng, tránh lạm phát các cuộc thi sắc đẹp như hiện nay. Về chất lượng, các địa phương phải tự đảm bảo nhưng, là cơ quan chuyên môn, Cục cũng cần có sự giám sát, nhất là những dấu hiệu dễ nhận thấy từ việc trùng tiêu chí, không rõ mục đích hay những tai tiếng đã từng xảy ra xung quanh một số đơn vị, nhãn hàng, thí sinh để kịp xử lý chứ không để sự đã rồi thì Cục hay địa phương mới vỡ lẽ.