HNG: Hành trình từ vốn hóa tỷ USD đến hủy niêm yết
HNG: Hành trình từ vốn hóa tỷ USD đến hủy niêm yết
Người sáng lập, cựu Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức từng ví von HAGL Agrico (HOSE: HNG) “chỉ còn xương”, “làm gì còn ruột để rút”. Tỷ phú Trần Bá Dương đã làm gì với “cục xương” này sau khi thâu tóm về trong suốt 6 năm qua?
Cổ đông không cần phải lo?
Ngày 26/7/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) thông báo: cổ phiếu HNG của CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) bị hủy niêm yết bắt buộc, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ các năm 2021, 2022 và 2023 lần lượt âm 1.1 ngàn tỷ đồng, âm 3.5 ngàn tỷ đồng và âm 1 ngàn tỷ đồng.
Kết cục này đã được lãnh đạo HNG nhắc tới trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, thậm chí lường trước từ lâu và đến bây giờ đã thành sự thật.
Trên cương vị Chủ tịch HĐQT HNG, ông Trần Bá Dương khi đó thẳng thắn thừa nhận: “Không còn cách nào khác là phải lỗ. Những cái gì trước đây trong sổ sách để chỗ này, đưa chỗ kia để tránh lỗ thì cho lỗ hết, cho sạch, để sau đó làm cho căn cơ, chấp nhận hủy niêm yết để sau này trở lại mạnh mẽ hơn”.
Còn tại đại hội năm nay, vị tỷ phú đô la lên tiếng trấn an cổ đông rằng, nếu cổ phiếu HNG bị hủy niêm yết và xuống UPCoM thì việc công bố thông tin, công khai minh bạch vẫn không thay đổi; đồng thời cho rằng, điều quan trọng là giá trị thực, có tiềm năng thì dù ở UPCoM giá vẫn sẽ tăng.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT HNG
|
* Chủ tịch HNG Trần Bá Dương: Cho lỗ hết, cho sạch để sau đó làm cho căn cơ
HNG và CTCP Tập đoàn Trường Hải (Thaco) chính thức “nên duyên” cách đây 6 năm, sau khi ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư chiến lược vào năm 2018. Đây cũng là thời điểm người của công ty ông Trần Bá Dương tham gia vào Ban lãnh đạo HNG.
Khi đó, Thaco cam kết hỗ trợ tái cơ cấu các khoản nợ vay và huy động vốn đầu tư chăm sóc diện tích trồng cây ăn trái đã có, phát triển mở rộng diện tích cây ăn trái dự kiến trong năm 2019 và 2020.
Đến năm 2019, Thaco công khai trở thành cổ đông lớn của HNG và nắm 26.29% vốn, sau khi mua gần 70 triệu cp, đồng thời nhận về gần 222 triệu cp từ chuyển đổi trái phiếu. Cùng năm, phần vốn của Hoàng Anh Gia Lai (HOSE: HAG) tại HNG cũng giảm từ 57.81% xuống còn 40.83%.
Năm 2021, HAGL tiếp tục giảm sở hữu còn 16.07% HNG; ông Trần Bá Dương chính thức ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT HNG. Hiện ông Dương nắm 4.58%; các bên liên quan là Thaco và Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Trần Oanh lần lượt sở hữu 27.63% và 4.96%, còn HAGL chỉ sở hữu 8.24%.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường đầu năm 2021, ông Trần Bá Dương nói về việc làm Chủ tịch HNG là bất đắc dĩ, và chỉ mong muốn giúp Công ty thoát hiểm và đất nước có một công ty nông nghiệp quy mô lớn theo mô hình sản xuất công nghiệp.
Công ty Trần Oanh thành lập từ năm 2008, do bà Viên Diệu Hoa, vợ ông Dương, làm Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Doanh nghiệp hiện có vốn điều lệ 6,860 tỷ đồng, trong đó ông Dương nắm 76.13% và bà Hoa nắm 23.87% vốn. |
“Cục xương” khó nuốt?
Có vẻ bài toán HNG không dễ giải đối với Thaco khi doanh thu liên tục đi lùi trong 6 năm qua. Năm 2019 đạt 1.8 ngàn tỷ đồng, giảm một nửa so với năm 2018; chỉ tăng lên 2.3 ngàn tỷ đồng trong năm 2020 trước khi hụt dần. Đến năm 2023 chỉ còn 605 tỷ đồng, thấp nhất kể từ năm 2012.
HNG đã liên tục thay đổi mục tiêu kinh doanh từ lúc ra đời năm 2010 cho đến khi gặp Thaco. Doanh nghiệp từng sống nhờ bán sản phẩm đường giai đoạn 2013-2014. Sang đến năm 2015 và 2016, chăn nuôi bò đưa doanh thu lên đỉnh, hơn 4.7 ngàn tỷ đồng mỗi năm, nhưng con số này đến nay chưa bao giờ quay trở lại.
Từ năm 2017 trở đi, trái cây đóng vai trò chủ đạo, theo sau là mủ cao su; các loại hình khác bị loại bỏ hầu hết. Năm 2018, thu từ cây ăn trái đạt đỉnh hơn 2.3 ngàn tỷ đồng, nhưng không thể duy trì và nhanh chóng suy giảm; đến năm 2023 chỉ còn 383 tỷ đồng.
Trong khi đó, doanh thu bán mủ cao su tương đối ổn định, kéo dài hơn 10 năm nay, nhưng dần không còn nhiều như trước. HNG từng ghi nhận mức cao nhất 454 tỷ đồng ở năm 2017; số này hơn gấp đôi năm ngoái.
Diễn biến hoạt động kinh doanh của HNG từ năm 2013 (Đvt: tỷ đồng)
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Trước khi Thaco tham gia, biên lãi gộp của HNG vẫn ở mức rất cao, từ 37-41% trong năm 2017-2018, nhưng sau đó giảm còn 12% và 6% trong năm 2019 và 2020. 3 năm nay, Công ty kinh doanh dưới giá vốn.
Chẳng hạn, năm 2022 và 2023, doanh thu bán trái cây lần lượt là 493 tỷ đồng và 840 tỷ đồng, trong khi giá vốn lên đến 1.4 ngàn tỷ đồng và 1.3 ngàn tỷ đồng.
Trong thập niên qua, HNG được 5 kỳ có lãi, bao gồm giai đoạn 2013-2015 và năm 2017. Còn từ khi có sự góp mặt của công ty ông Trần Bá Dương, 2020 là năm lãi duy nhất, cũng chỉ 21 tỷ đồng. Đậm nhất là khoản lỗ ròng kỷ lục 3.5 ngàn tỷ đồng ở năm 2022.
Thật ra, lợi nhuận trong năm 2017 và 2020 chủ yếu nhờ thanh lý khoản đầu tư chứ không phải hoạt động kinh doanh. Như năm 2017, HNG thu 716 tỷ đồng lãi sau khi bán nhóm công ty mía đường và CTCP Cao su Ban Mê. Tương tự, số tiền này của năm 2020 là 931 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ bất thường 2021, lãnh đạo HNG thừa nhận việc xử lý để nhận chuyển nhượng 1 công ty con của HNG cuối năm 2020 cũng chỉ để có lãi, đảm bảo cổ phiếu không bị hủy niêm yết.
Diễn biến doanh thu hoạt động tài chính của HNG từ giai đoạn 2012 - 2023 | ||
Thaco thay đổi HNG như thế nào?
Tổng tài sản của HNG đến cuối quý 1/2024 khoảng 14.2 ngàn tỷ đồng - giảm hơn một nửa so với con số 30.5 ngàn tỷ đồng vào năm 2018, khi Thaco bắt đầu lộ diện. Lỗ liên tiếp nhiều năm khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đang âm hơn 8 ngàn tỷ đồng; tương đương vốn chủ sở hữu còn 2.5 ngàn tỷ đồng, mất 8 ngàn tỷ đồng trong vòng 6 năm.
Tình hình tài chính của HNG giai đoạn 2012 - 2023 | ||
Thực tế cũng cho thấy, tổng diện tích vườn cây cao su và cây ăn trái của HNG không ngừng thu hẹp, từ đỉnh 64 ngàn ha năm 2018 xuống còn gần 20 ngàn ha năm 2023, vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu là do Doanh nghiệp chuyển nhượng các công ty con để giảm bớt gánh nặng nợ vay.
Năm 2019, HNG chuyển nhượng một số công ty con, gồm: Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Cao su Đông Dương, Công ty TNHH Đông Pênh, Công ty TNHH MTV Cao su Trung Nguyên cho thành viên của Thaco là CTCP Sản xuất Chế biến và Phân phối Nông nghiệp Thadi, làm giảm doanh thu bán cây ăn trái.
2 năm tiếp theo, diện tích thu hoạch cao su và cây ăn trái của HNG giảm, do Công ty bán toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH MTV An Đông Mia, Công ty TNHH Cao su Hoàng Anh Quang Minh, Công ty TNHH MTV Bò sữa Tây Nguyên và CTCP Hoàng Anh Đắk Lắk cho CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Thaco Agri).
Diễn biến diện tích trồng trọt của HNG từ năm 2015 đến nay (Đvt: ha)
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Theo thống kê từ VietstockFinance, giai đoạn 2016-2023, Công ty hạch toán ít nhất 5.6 ngàn tỷ đồng, bao gồm các khoản chi phí như: xóa sổ tài sản không hiệu quả, xóa sổ vườn cây; chi phí phát triển vườn cây; chi phí thay đổi mục đích sử dụng tài sản; lỗ từ đánh giá lại các tài sản không hiệu quả. Số tiền chiếm khoảng 50% vốn điều lệ hiện tại.
Đặc biệt, khoản lỗ lớn năm 2022 do đưa một phần diện tích vườn cây tại các công ty con có trụ sở tại Lào và Campuchia giá trị hơn 2.1 ngàn tỷ đồng ra khỏi sổ sách và xóa sổ 159 tỷ đồng tài sản không hiệu quả.
Năm 2019 cũng là con số đáng kể với hơn 1.3 ngàn tỷ đồng chi phí phát triển vườn cây, bao gồm đánh giá tài sản không hiệu quả và chuyển đổi mục đích sang trồng cây ăn trái. Số này năm 2018 là 542 tỷ đồng.
Cật lực rót tiền cho HNG vay
Bên cạnh đó, hệ sinh thái Thaco cũng tốn kém không ít khi thực hiện “cải tổ” HNG, bắt đầu từ năm 2018. Đầu tiên là bằng lô trái phiếu chuyển đổi có thời hạn 1 năm, giá trị hơn 2.1 ngàn tỷ đồng trên cơ sở tín chấp nhưng không lấy lãi, để đầu tư trồng mới cây ăn trái cũng như tái cơ cấu tài chính.
Các công ty của ông Trần Bá Dương liên tục cho HNG vay ngắn hạn và dài hạn; năm 2018, cho vay 746 tỷ đồng tài trợ vốn lưu động. Số này năm 2019 là gần 2.6 ngàn tỷ đồng và vay dài hạn 805 tỷ đồng.
Năm 2020, đến lượt Thaco Agri cho HNG vay tín chấp ngắn hạn 5.1 ngàn tỷ đồng, lãi suất 7-10.5%/năm, để bổ sung vốn lưu động. Năm 2022, Thaco Agri cho vay dài hạn 2.8 ngàn tỷ đồng, lãi suất 7.5-14%/năm.
Đầu năm ngoái, Thaco Agri cam kết bao tiêu nông sản cho HNG và tiếp tục tài trợ bằng khoản vay dài hạn hơn 5.1 ngàn tỷ đồng, lãi suất từ 9-14.5%/năm. Thời hạn thanh toán từ tháng 5/2024 cho đến cuối năm 2025.
Theo như lời chia sẻ của ông Dương tại ĐHĐCĐ bất thường HNG năm 2021, số vốn mà Thaco đầu tư vào HNG đã đạt 40,000 tỷ đồng.
Diễn biến dòng tiền vay và trả của HNG giai đoạn 2012 - 2023 | ||
Doanh thu năm 2028 sẽ gấp 20 lần hiện tại?
HNG dự kiến vẫn lỗ trước thuế 120 tỷ đồng năm nay, nhưng đặt mục tiêu doanh thu tăng gần 15%, lên 694 tỷ đồng. Dù vậy, Chủ tịch Trần Bá Dương đánh giá HNG đã ra được mô hình mới và lạc quan năm 2025 sẽ có lãi.
Trong giai đoạn kế tiếp, HNG quay trở lại mảng chăn nuôi bò khi có ý định đầu tư 7 trại bò sinh sản, 1 cụm xưởng sản xuất đệm chuồng và phân hữu cơ; 1 cụm tổng kho nguyên liệu thức ăn và vật tư chăn nuôi; nhập khẩu 5,800 con bò cái để tổ chức chăn nuôi; trồng mới 468ha cỏ bán chăn thả và 127ha cỏ tập trung.
Ngoài ra, dự án sản xuất trồng trọt cây ăn trái kết hợp chăn nuôi bò quy mô lớn của Công ty tại tỉnh Attapeu và tỉnh Sekong đã được Chính phủ Lào chấp thuận chủ trương đầu tư.
Dự án có quy mô diện tích đất hơn 27 ngàn ha, dự kiến đầu tư số tiền 18 ngàn tỷ đồng, kéo dài từ năm 2024-2028. Lãnh đạo HNG ước tính, doanh thu từ năm 2028 khoảng 13.5 ngàn tỷ đồng, tức gấp 20 lần hiện tại; sau khi trừ chi phí, sẽ mang về 2.4 ngàn tỷ đồng lợi nhuận.
HNG liệu có thành công khi quay trở lại với mảng chăn nuôi bò?
|
Liệu có một “Thủy sản Hùng Vương” thứ 2?
Giá cổ phiếu HNG vốn dĩ đã thấp vẫn giảm kịch sàn 6.87% ngay trong phiên 29/07 sau tin hủy niêm yết, còn quanh 4,340 đồng/cp (tương đương định giá 4.8 ngàn tỷ đồng).
Lên HOSE từ năm 2015, mỗi cổ phiếu HNG từng có giá gần 35,000 đồng thời điểm chào sàn (tương đương định giá khoảng 24 ngàn tỷ đồng) và đó cũng là mức cao nhất mà một cổ đông lâu năm của HNG từng tận hưởng. Bởi chưa đầy 1 năm sau, giá nhanh chóng lao dốc xuống dưới mệnh giá.
Sự tham gia của ông Trần Bá Dương chỉ “nhóm” lên tia hy vọng và đưa giá trở lại cao nhất đâu đó 20,000 đồng/cp giai đoạn 2019-2020. Từ lúc này, giá không những không tăng mà còn liên tục giảm, giờ chỉ ngang một ly trà đá.
“Kinh doanh bết bát, cổ phiếu lao dốc xuống dưới mệnh giá, Thaco tham gia và đưa người vào điều hành, giá cổ phiếu hồi phục nhưng rồi bị hủy niêm yết, vẫn kinh doanh kém, Thaco thoái vốn, giá cổ phiếu tiếp tục ngụp lặn ngang ly trà đá” là chuỗi kịch bản đã từng xảy ra với “vua cá tra” Hùng Vương (UPCoM: HVG). Liệu có xảy ra lần nữa với HNG?
Diễn biến giá cổ phiếu HNG từ năm 2018 đến nay | ||