Lầm to khi nghĩ thị trường cổ phiếu đang biến động hơn bao giờ hết
Lầm to khi nghĩ thị trường cổ phiếu đang biến động hơn bao giờ hết
Những phiên trồi sụt hàng chục điểm của VN-Index có lẽ khiến người tham gia thị trường nghĩ chứng khoán đang quá biến động. Nhưng, sự thực là thị trường chỉ biến động… như nó vẫn luôn vậy.
Người tham gia thị trường đã chứng kiến không ít phiên dao động mạnh trong 2 tháng qua. Điển hình, VN-Index rớt 48.5 điểm trong phiên 5/8. Trước đó, chỉ số này rớt 24.6 điểm trong phiên 1/8, đánh mất 22.8 điểm ở phiên 23/7 hay trước nữa từng giảm 28.2 điểm trong phiên 24/6.
Tần suất của những trồi sụt gần đây dễ khiến người ta nhầm lẫn khi đánh giá mức biến động thực sự của cổ phiếu. Sự tham gia ngày càng đông đảo của nhà đầu tư cá nhân, cùng sự thoái lui của khối ngoại, cũng góp phần tạo cảm giác rằng thị trường đang ngày càng thất thường.
Tuy nhiên, số liệu từ VietstockFinance cho thấy bộ mặt khác hẳn: Trong giai đoạn 3 năm gần nhất - dù thị trường biến động lớn khi giảm đến 33% trong năm 2022, rồi sau đó tăng 27% kể từ đầu năm 2023 cho đến tháng 8/2024 - thì mức độ biến động của cổ phiếu vẫn thấp hơn những giai đoạn khác trong quá khứ.
Biến động bình thường
2020-2024 là giai đoạn có tần suất xuất hiện nhiều hơn các phiên biến động mạnh so với những ngày yên ả thuở 2016-2019, nhưng vẫn chưa phải là giai đoạn biến động nhất Dữ liệu tính đến kết phiên 23/8/2024 - Nguồn: VietstockFinance
|
Quan sát tần suất xảy ra các phiên biến động mạnh trong 20 năm qua, những năm 2006-2009 mới là "kỷ nguyên co giật” của Ngài Thị Trường (Mr. Market). Số lần xuất hiện các phiên biến động cực mạnh - VN-Index tăng hoặc giảm hơn 3%/phiên - trong giai đoạn này rất dày đặc.
2006-2009 là giai đoạn thị trường trải qua bong bóng cổ phiếu, đỉnh cao vào đầu năm 2007, sau đó vỡ tung khi nền kinh tế đối mặt những vấn đề nội tại nan giải như tăng trưởng tín dụng không kiểm soát và lạm phát phi mã; trong khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Thị trường yên ả hơn kể từ năm 2010 (xét theo số liệu thống kê tần suất xuất hiện các phiên giao dịch biến động) và mãi cho đến giai đoạn 2020-2022, khi chứng khoán xoay vần cùng những rủi ro bất ngờ khởi phát do đại dịch COVID-19, làn sóng nhà đầu tư cá nhân đổ vào thị trường và cuộc khủng hoảng trái phiếu - địa ốc xảy ra cách đây 2 năm thì tần suất biến động mới gia tăng trở lại.
Bong bóng
Tính riêng 3 năm từ 2006-2008, VN-Index tăng gần 300% rồi rớt mạnh về vạch xuất phát Nguồn: VietstockFinance
|
Nếu xét ở khung thời gian dài hơn so với từng phiên, mức độ biến động hiện nay của cổ phiếu cũng khó so sánh với thị trường trồi sụt (Choppy Market) của giai đoạn 2014-2015. Trong chỉ hai năm này, VN-Index đã trải qua 5 con sóng ấn tượng, trước khi bước vào thị trường giá lên kéo dài kể từ năm 2016.
Thiên đường lướt sóng
Choppy Market giai đoạn 2014-2015 của VN-Index, trong biên độ 510-640 điểm Nguồn: VietstockFinance
|
Vậy, tại sao chúng ta lại cảm thấy thị trường của năm 2024 đang rất biến động, thậm chí biến động và bất định nhất từ trước tới nay, trong khi thực tế không phải vậy? Thủ phạm có thể là những bẫy tâm lý mà hầu hết mọi người đều mắc phải.
Dù biến động vẫn luôn là đặc tính của thị trường, con người thường quá coi trọng các sự kiện gần đây mà lơ là chú ý những gì đã xảy ra trong quá khứ hoặc có thể xảy ra trong tương lai. Xu hướng tâm lý này - được biết như là hiệu ứng thiên vị thời gian gần đây (Recency Effect) - có thể dẫn đến việc nhà đầu tư bị ảnh hưởng quá mức bởi các sự kiện mới, từ đó đánh giá không chính xác về tầm quan trọng của chúng so với các sự kiện tương tự trong lịch sử.
Tuy vậy, thực tế là những thị trường cổ phiếu cận biên như Việt Nam cũng có xu hướng biến động mạnh hơn so với các thị trường ở mức độ phát triển cao hơn, một phần do tâm lý thiếu ổn định của người tham gia.
Ví dụ điển hình là phiên thứ Hai, ngày 5/8, khi chứng khoán toàn cầu chao đảo vì rủi ro liên quan carry-trade thì thị trường Việt Nam cũng rớt giá mạnh. Mặc dù mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả không hề rõ ràng, nhưng thực tế là nhà đầu tư cá nhân - vốn chiếm ưu thế áp đảo trong hoạt động giao dịch hàng ngày - có khả năng kiểm soát tâm lý khá kém.
* Carry trade Yên Nhật: Từ "cỗ máy in tiền" thành nỗi ám ảnh của thị trường toàn cầu
* Carry trade là gì mà khiến giới đầu tư toàn cầu lo ngại?
Một vấn đề nữa là niềm tin vào thị trường cổ phiếu như một cơ hội đầu tư dài hạn cũng không phổ biến trong giới đầu tư cá nhân Việt Nam. Thay vì xem cổ phiếu là một khoản tích lũy tài sản lâu dài như bất động sản hay vàng, số đông nhà đầu tư cá nhân thường tập trung vào cơ hội lướt sóng và tính thanh khoản cao của cổ phiếu.
Sự ưu tiên cho giao dịch ngắn hạn làm tăng tính biến động của thị trường, bởi người nắm giữ sẽ dễ dàng bán ra cổ phiếu khi xuất hiện sự kiện tiêu cực bất ngờ, dù cho sự kiện đó liên quan thế nào đến giá trị thực của tài sản chăng nữa.