Lợi ích 'kép' từ mô hình khu công nghiệp sinh thái
Dịch vụ
Lợi ích 'kép' từ mô hình khu công nghiệp sinh thái
Không chỉ tiết kiệm chi phí, giảm thiểu khí thải, khu công nghiệp sinh thái giúp cho các nhà đầu tư tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu…
Nhu cầu tự thân…
Được biết đến là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất nhựa công nghệ cao và thân thiện với môi trường hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á, năm 2018, Tập đoàn An Phát Holdings đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang mảng bất động sản công nghiệp. Hiện tại, Tập đoàn có 02 dự án đang được triển khai là Khu công nghiệp An Phát Complex và An Phát 1 (Hải Dương)
Ông Phạm Văn Tuấn, Phó Tổng giám đốc An Phát Holdings chia sẻ, ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án, Ban lãnh đạo công ty đã đề ra chiến lược phát triển rõ ràng, đó là đưa các khu công nghiệp trở thành khu công nghiệp kiểu mẫu và tiên phong ở Hải Dương áp dụng bộ tiêu chuẩn ESG (Môi trường– Xã hội– Quản trị doanh nghiệp) trong quản lý và phát triển KCN.
Khi đi vào khai thác thương mại, An Phát Complex và An Phát 1 khuyến khích các doanh nghiệp đối tác của mình đi theo lộ trình sản xuất xanh và bền vững. Đặc biệt, ưu tiên các khách hàng thuộc các ngành công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo, không gây ô nhiễm môi trường.
Quyết định đúng đắn này không chỉ đóng góp vào quá trình hiện thực hóa cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về "0" mà còn giúp các KCN của An Phát Holdings thu hút vốn đầu tư FDI "xanh" đang đổ mạnh về Việt Nam. Hiện 2 KCN của An Phát Holdings đã trở thành những "con át chủ bài" thu hút vốn đầu tư tại tỉnh Hải Dương, đồng thời trở thành hình mẫu về KCN có chất lượng cao về cơ sở hạ tầng, môi trường đầu tư và phát triển bền vững (PTBV), từ đó, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế -xã hội tại địa phương.
Chính thức chuyển đổi từ cuối năm 2019, KCN Nam Cầu Kiền hiện cũng đang phát triển theo hướng KCN sinh thái thông minh, thực hiện tốt các hoạt động kinh tế tuần hoàn.
KCN này đã có hơn 1 triệu cây xanh được trồng, chiếm đến 33% diện tích đất KCN. Hệ thống quan trắc nguồn thải tự động, liên tục, truyền dẫn thông tin về Sở TN&MT Hải Phòng 24/24 giờ tất cả các ngày trong tuần; 81.4 kWh điện được tạo ra từ dự án điện mặt trời áp mái và được sử dụng trong vận hành KCN. 25% lượng nước thải trong KCN sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả ra ngoài môi trường, tiết kiệm được 600 triệu đồng/năm chi phí mua nước sạch…
Không chỉ xây dựng KCN sinh thái "làm tổ" cho các nhà đầu tư, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, chủ đầu tư của KCN Nam Cầu Kiền cho biết, công ty đã phát triển và mở rộng các mối liên kết cộng sinh trong cộng đồng doanh nghiệp Nam Cầu Kiền. Hiện tại KCN đã hình thành 3 chuỗi cộng sinh công nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn (ngành luyện kim - cơ khí; nhựa và các sản phẩm từ nhựa; phụ trợ điện - điện tử), mang lại giá trị lớn cho doanh nghiệp. Từ năm 2021, đến nay, các doanh nghiệp trong KCN Nam Cầu Kiền đã đóng góp ngân sách cho thành phố trên 1,000 tỷ đồng/năm..,
Một đơn vị khác cũng kiên trì theo đuổi mô hình KCN sinh thái ngay từ đầu, đó là KCN DEEP C, đến nay KCN này đã khẳng định vị thế là một trong những KCN đi đầu trong việc PTBV tại Việt Nam. Không những thế, chủ đầu tư DEEP C còn khuyến khích khách hàng/nhà đầu tư thứ cấp áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sản xuất sạch.
Năm 2023, 15 khách hàng trong KCN DEEP C đã thực hiện các giải pháp trong Chương trình Hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) để sử dụng hiệu quả nguồn nước và tối ưu năng lượng. Những nỗ lực này đã tiết kiệm được khoảng 5.8 triệu kWh điện, 90 nghìn m³ nước và giảm 10,588 tấn CO2 tương đương.
Công ty TNHH Tesa Site Hải Phòng (nhà đầu tư thứ cấp trong KCN DEEP C) là đơn vị đầu tiên trong KCN xây dựng thành công thiết kế Wadi (đầm trữ nước nhỏ giúp hạn chế ngập lụt trong những ngày thời tiết xấu) trong khu hạ tầng. DEEP C đang khuyến khích các khách hàng khác trong KCN, đặc biệt là các khách hàng mới, áp dụng thiết kế này trong quá trình xây dựng hạ tầng.
Lợi thế cạnh tranh
Theo TS. Ngô Công Thành, Phó Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư quốc tế (ISC), kiêm Phó Chủ tịch Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam (VIPFA), hiện còn 1/3 KCN đã được phê duyệt vẫn đang trong quá trình xây dựng, trong khi tỷ lệ lấp đầy của các KCN đang hoạt động mới đạt trên 74%. Tuy nhiên, ở các KCN sinh thái, tỷ lệ lấp đầy gần như thuyệt đối, mặc dù giá thuê không hề rẻ.
Chia sẻ bí quyết thu hút các NĐT, ông Bruno Jaspaert, Tổng giám đốc KCN DEEP C thừa nhận giá thuê ở DEEP C gần như cao nhất.
"Các nguyên tắc phát triển hiện nay của chúng tôi đều theo hướng đảm bảo rằng các nhà đầu tư muốn đến đầu tư vì chúng tôi cung cấp cho họ khả năng tiếp cận các dịch vụ liên quan đến ESG, đến chứng chỉ carbon, các sáng kiến để các nhà đầu tư có thể báo cáo với cấp quản lý rằng hoạt động đầu tư của họ có hiệu quả, không chỉ hiệu quả về mặt lợi nhuận mà cả việc thực hiện trách nhiệm xã hội…", ông Bruno Jaspaert chia sẻ.
Cùng theo đại diện KCN DEEP C, các doanh nghiệp ở Mỹ và Châu Âu năm nay đều phải theo một chuẩn báo cáo ESG mới, họ không có sự lựa chọn mà buộc phải thực hiện theo, ngay cả việc họ mua các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam thì cũng phải chứng minh được rằng trong quá trình sản xuất ra sản phẩm đơn vị sản xuất có quan tâm đến con người, có nội địa hóa nguyên liệu đầu vào …
"Hiện Việt Nam chưa sẵn sàng để đáp ứng các tiêu chuẩn này. Nhưng khi các nhà đầu tư đến với DEEP C, có rất nhiều phần công việc chúng tôi đã chuẩn bị sẵn cho họ rồi nên họ hoàn toàn có thể đưa các nội dung đó vào báo cáo. Chúng tôi đã triển khai các sáng kiến PTBV, và nhà đầu tư chỉ việc tập trung vào công việc sản xuất, họ có thể xem xét tham gia vào các sáng kiến của chúng tôi như đăng ký tham gia chương trình DEEP C Care, hoặc tham gia một phần vào dự án DEEP C Farm, hoặc tham gia vào chuỗi hoạt động tái chế, tái xử lý chất thải của DEEP C. Họ chỉ cần như vậy là đủ để đưa vào báo cáo ESG của mình…", ông Bruno Jaspaert chia sẻ.
Theo bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ KH&ĐT, KCN sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu PTBV, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.
"Nhiều địa phương và nhà đầu tư hạ tầng KCN xác định việc phát triển KCN theo mô hình KCN sinh thái là nhu cầu tất yếu, cấp bách để kiến tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. KCN sinh thái sẽ đóng góp đáng kể vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu, huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ trong việc thực hiện các cam kết PTBV…", Bà Hiếu nhấn mạnh.
Theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ KH&ĐT, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất được thành lập, trong đó có 301 KCN đã đi vào hoạt động, Trong số đó có khoảng 10 KCN đã chuyển đổi/phát triển theo mô hình KCN sinh thái. Bộ KH&ĐT nhận định, việc triển khai mạnh mẽ KCN sinh thái trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế thời gian qua có ý nghĩa lan tỏa, nâng cao nhận thức về PTBV cho nhiều địa phương, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN tại Việt Nam…