Mike Lynch: Hành trình từ 'Bill Gates nước Anh' đến bi kịch trên biển
Mike Lynch: Hành trình từ 'Bill Gates nước Anh' đến bi kịch trên biển
Mike Lynch, người từng được mệnh danh là "Bill Gates của nước Anh", đã qua đời ở tuổi 59 trong vụ chìm du thuyền ngoài khơi bờ biển Italy. Sự ra đi của ông đánh dấu một chương kết bi thảm cho câu chuyện về một trong những bộ óc sáng giá nhất ngành công nghệ.
Mike Lynch
|
Chuyến đi chơi du thuyền sang trọng này là một buổi lễ kỷ niệm về việc Lynch gần đây được tuyên trắng án trong các cáo buộc gian lận.
Bi kịch xảy ra khi chiếc du thuyền Bayesian, được đặt theo tên một nhà toán học người Anh, bị lật úp trong thời tiết khắc nghiệt vào ngày 19/08. Khi đó, có 22 người trên tàu. Một trong hai con gái của ông, Hannah, vẫn nằm trong số những người mất tích. Vợ ông, Angela Bacares, may mắn thoát nạn.
Trong số các nạn nhân đã được xác nhận còn có Jonathan Bloomer, Chủ tịch của Morgan Stanley International, người từng phục vụ trong ủy ban kiểm toán của công ty ông Lynch; vợ của Bloomer, Judy; Chris Morvillo, một luật sư bào chữa Mỹ đại diện cho Lynch trong phiên tòa hình sự; và vợ của Morvillo, Neda.
Lynch được Luminance Technologies Ltd., một công ty phần mềm trí tuệ nhân tạo mà ông đã giúp khởi động với tư cách là nhà đầu tư sáng lập, mô tả là "một trong những bộ óc sáng giá nhất mà ngành công nghệ từng chứng kiến".
Lynch và gia đình sinh sống tại một trang trại ở vùng quê gần Woodbridge, Suffolk, cách London khoảng 140 km về phía đông bắc.
Ông Mike Lynch
|
Xây dựng lại danh tiếng
Được mệnh danh là "Bill Gates nước Anh", Lynch đang tìm cách phục hồi vị thế của mình như một trong những doanh nhân thành công nhất châu Âu.
Chỉ hai tháng trước, ông đã được tự do rời tòa án khi bồi thẩm đoàn ở San Francisco tuyên bố ông vô tội trong các cáo buộc lừa HP trả giá quá cao cho công ty phần mềm của ông, Autonomy Corp.
Trong nhiều năm, Lynch cho rằng ông đã bị đổ tội oan trong vụ mua lại công ty của ông bởi HP vào năm 2011. HP đã trả 11 tỷ USD cho Autonomy, công ty phần mềm lớn thứ hai của Anh, nhưng 1 năm sau đó phải ghi giảm 8.8 tỷ USD giá trị từ thương vụ này.
Ngay cả sau khi được tuyên trắng án trong vụ kiện hình sự, Lynch vẫn đang phải đối mặt với một khoản bồi thường lớn từ HP trong một vụ kiện dân sự ở London. Trong vụ kiện này, một thẩm phán Anh tuyên bố ông phải chịu trách nhiệm về việc tạo ra ảo tưởng về một công ty lớn hơn và thành công hơn nhiều so với thực tế.
Thành công của Autonomy - phần mềm của họ có thể trích xuất thông tin hữu ích từ các nguồn phi cấu trúc bao gồm cuộc gọi điện thoại, email và video - đã khiến Lynch trở thành một trong những ông trùm công nghệ nổi tiếng nhất của Anh. Ông được Liên đoàn Công nghiệp Anh bình chọn là Doanh nhân của năm 1999. Năm 2000, tạp chí Time vinh danh ông là một trong 25 nhà lãnh đạo công nghệ có ảnh hưởng nhất ở châu Âu.
"Mike là một tài năng công nghệ độc đáo của Anh", Richard Holway, nhà phân tích công nghệ nổi tiếng của Anh và đã quen biết Lynch từ những năm 1990, viết trên LinkedIn. "Chỉ có trời mới biết ông ấy có thể đạt được những gì tiếp theo".
Cố vấn cho các Thủ tướng
Ông được trao Huân chương Đế chế Anh vì những đóng góp cho doanh nghiệp vào năm 2006. Cùng năm đó, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc không điều hành trong HĐQT British Broadcasting, đài phát thanh công cộng lớn nhất thế giới. Ông đã cố vấn cho hai Thủ tướng Anh, David Cameron và Theresa May.
Bản thân ông Lynch kiếm được ít nhất 500 triệu USD từ thương vụ với HP. Sau đó, ông thành lập công ty đầu tư mạo hiểm Invoke Capital, sáng lập một loạt công ty công nghệ do các cựu nhân viên điều hành. Thành công nhất là Darktrace Plc, một doanh nghiệp an ninh mạng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện hoạt động đáng ngờ trong mạng CNTT của một công ty. Tạp chí Forbes ước tính tài sản ròng của ông là 1 tỷ USD vào năm 2015, năm duy nhất ông được đưa vào danh sách tỷ phú toàn cầu của tạp chí này.
HP, cùng với các công tố viên Mỹ, cáo buộc Lynch và cựu giám đốc tài chính của Autonomy đã sử dụng các thủ thuật kế toán để thổi phồng doanh thu của công ty trước vụ bán năm 2011.
Phiên tòa ở San Francisco đã đặt áp lực rất lớn lên ông trùm công nghệ này. Lynch bị buộc phải đeo vòng theo dõi mắt cá chân và bị giám sát 24/24 bởi các nhân viên an ninh tư nhân và ông phải trả tiền cho những người này. Tại tòa, Lynch tuyên bố không biết gì về một số hành vi sai trái bị quy cho ông, nói rằng ông đã ủy quyền các quyết định quan trọng cho cấp dưới.
Autonomy "không hoàn hảo," Lynch đã khai tại phiên tòa. "Thực tế cuộc sống là nó có nhiều sắc thái và lộn xộn và đôi khi bạn phải cố gắng hết sức để vượt qua nó. Và các công ty cũng giống như vậy". Khi phán quyết được đưa ra, sau hai ngày cân nhắc, Lynch đã ôm luật sư của mình và lau nước mắt.
Cha mẹ người Ireland
Michael Richard Lynch sinh ngày 16/06/1965 và lớn lên ở Ilford, thuộc Đông London, và Chelmsford. Cả cha và mẹ ông đều là người Ireland - mẹ ông là y tá và cha là lính cứu hỏa, theo Guardian.
Ở tuổi 11, ông đã giành được học bổng để học tại trường tư thục Bancroft's School. Ông học khoa học tự nhiên tại Christ's College ở Cambridge và lấy bằng tiến sĩ về xử lý tín hiệu và nghiên cứu truyền thông tại Đại học Cambridge.
Ông tập trung nghiên cứu ban đầu vào các lý thuyết toán học của nhà thần học và toán học thế kỷ 18 Thomas Bayes, ông chính là người tạo ra Định lý Bayes trong xác suất thống kê. Bayes sẽ vẫn là một ảnh hưởng độc đáo trong suốt cuộc đời ông, và Lynch được biết đến với việc dành thời gian giải thích cho các nhà báo về cách logic Bayesian có thể được sử dụng để tìm kiếm các mẫu.
Công ty đầu tiên của Lynch, được thành lập vào những năm 1980, sản xuất các sản phẩm âm thanh cho ngành công nghiệp ghi âm. Năm 1991, ông đồng sáng lập Cambridge Neurodynamics, chuyên về nhận dạng vân tay bằng máy tính.
Lynch đồng sáng lập Autonomy vào năm 1996. Việc HP mua lại công ty ban đầu được coi là sự xác nhận cho công nghệ của Anh và cụm công nghệ "Silicon Fen" ở Cambridge, nơi Autonomy đặt trụ sở.
Cáo buộc kế toán
Năm 2012, HP công khai cáo buộc Autonomy và các giám đốc điều hành của công ty về các sai phạm kế toán. Vụ kiện tiếp theo - với HP cáo buộc Lynch bị ám ảnh với việc thổi phồng kết quả tài chính của công ty. Lynch chọn chiến đấu trong phiên tòa dân sự với HP ở London trước khi đối mặt với bồi thẩm đoàn Mỹ với hy vọng rằng một phán quyết trên đất nước mình sẽ giúp ích cho vụ kiện của ông.
Trong 20 ngày làm chứng trong vụ kiện dân sự ở Anh, ông đã đưa ra một loạt giai thoại nhằm minh họa rằng HP bị rối loạn và xung đột nội bộ giữa các giám đốc điều hành khi công ty thay thế giám đốc điều hành trưởng và chuyển hướng chiến lược ngay sau thương vụ Autonomy thảm họa.
Ông phần lớn đã thành công. Tài liệu cho thấy các giám đốc điều hành HP quay lưng lại với nhau - với CEO HP Meg Whitman, ứng cử viên một thời cho vị trí Thống đốc California và hiện là Đại sứ Mỹ tại Kenya, nói rằng bà sẵn sàng "ném" người tiền nhiệm Leo Apotheker "xuống gầm xe trong một cuộc trao đổi". Tiếp quản ngay khi HP hoàn tất thương vụ Autonomy, Whitman đã tìm cách tập trung công ty trở lại vào mảng PC cốt lõi để quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh đa dạng.
Nhưng sau một trong những phiên tòa dài nhất và tốn kém nhất trong lịch sử Anh, Thẩm phán Robert Hildyard đã phán quyết vào năm 2022 rằng Lynch đã gian lận thổi phồng giá trị của công ty. "Một trong những bi kịch của vụ án này là rõ ràng: Dù tạo ra một sản phẩm đổi mới và đột phá, kiến trúc sư và công ty tạo ra nó có lẽ sẽ luôn bị gắn liền với gian lận", thẩm phán nói trong phán quyết.
Thẩm phán vẫn chưa quyết định số tiền bồi thường mà Lynch sẽ phải trả. HP đang yêu cầu 4 tỷ USD từ ông và giám đốc tài chính của ông, nhưng thẩm phán đã cảnh báo rằng có khả năng sẽ nhận được ít hơn đáng kể so với con số đó.
Những khoản tiền phạt sắp tới từ vụ kiện dân sự đó đã không làm giảm tham vọng của Lynch một khi ông được thả khỏi quản thúc tại gia ở Mỹ.
"Tôi mong muốn được trở về Anh và quay lại với những gì tôi yêu thích nhất: Gia đình và sáng tạo trong lĩnh vực của mình”, Lynch nói trong một tuyên bố sau khi bồi thẩm đoàn California tuyên bố ông vô tội trong vụ án hình sự.