Muốn thí điểm nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận QSDĐ, dự án đất vàng Diamond Square có gì đáng chú ý?
Muốn thí điểm nhà ở thương mại qua thỏa thuận nhận QSDĐ, dự án đất vàng Diamond Square có gì đáng chú ý?
Trong chuyến khảo sát thực địa của Đoàn giám sát của Quốc hội tại một số dự án bất động sản lớn đang gặp vướng mắc pháp lý trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án Diamond Square kiến nghị muốn thí điểm dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).
Trong ngày 17/07, Đoàn giám sát của Quốc hội đã khảo sát thực địa tại dự án trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Diamond Square tại số 84 Hùng Vương (quận Hải Châu) do Công ty TNHH MTV Đầu tư Kinh Bắc - Đà Nẵng làm chủ đầu tư và dự án khu đô thị Phong Nam - Hòa Châu (xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) do CTCP Đầu tư Đà Nẵng - Miền Trung (DMT) làm chủ đầu tư. Đây là hai dự án bất động sản có quy mô lớn tại Đà Nẵng đang gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý và bị “treo” suốt nhiều năm qua .
Tại dự án Diamond Square, chủ đầu tư kiến nghị UBND thành phố đưa các khó khăn, vướng mắc của quy định pháp luật hiện hành đối với quá trình xây nhà ở thương mại vào "Báo cáo chung về thực trạng, đề xuất hướng giải quyết vướng mắc của các dự án trên địa bàn TP. Đà Nẵng" theo yêu cầu của Chính phủ.
Cụ thể, chủ đầu tư đề nghị UBND thành phố đề xuất Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội cho phép đưa dự án Diamond Square vào danh sách các dự án đề xuất thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác.
Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội vào tháng 6, điều kiện để thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất như sau:
Dự án phù hợp với quy hoạch sử dụng đất cấp huyện hoặc quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị.
Dự án phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương đã được quyết định, phê duyệt.
Dự án được UBND cấp tỉnh có văn bản chấp thuận về việc thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.
Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản được cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về kinh doanh bất động sản, pháp luật về đầu tư và pháp luật khác có liên quan.
* Điều kiện thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất
Lai lịch dự án đất vàng Diamond Square
Diamond Square là dự án nằm trên khu đất vàng ngay góc đường Nguyễn Chí Thanh – Hùng Vương, quận Hải Châu, nhưng đã hơn 10 năm “đắp chiếu”. Khu đất này từng được dự định triển khai trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Viễn Đông Meridian do CTCP Địa ốc Viễn Đông Việt Nam làm chủ đầu tư. Theo giấy chứng nhận đầu tư, dự án này có tổng vốn đầu tư 2,880 tỷ đồng; khởi công vào tháng 5/2008, hoàn thành đi vào hoạt động từ quý 2/2011. Tuy nhiên hơn 10 năm qua, dự án này đã không triển khai xây dựng mà bỏ hoang cho cỏ dại mọc.
Khu đất thực hiện dự án Diamond Square tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Hùng Vương, TP Đà Nẵng. Ảnh: Google Maps
|
Năm 2019, dự án đã được chuyển nhượng và đổi tên thành Trung tâm thương mại, văn phòng, khách sạn, căn hộ cao cấp Diamond Square với quy mô 31 tầng do Công ty Kinh Bắc - Đà Nẵng làm chủ đầu tư.
Chủ mới này thành lập vào ngày 4/12/2018, trụ sở chính tại quận Liên Chiểu. Hoạt động kinh doanh chính kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng cho thuê. Tại thời điểm thành lập, Công ty Kinh Bắc - Đà Nẵng có vốn điều lệ 600 tỷ đồng do Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) nắm 100% vốn.
Đến ngày 19/8/2020, vốn điều lệ tăng lên 720 tỷ đồng, và lên 1,091 tỷ đồng vào cuối quý 1/2023. Tuy nhiên, sau khi nâng vốn, KBC đã chuyển toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Kinh Bắc - Đà Nẵng vào ngày 29/3/2023. Báo cáo của KBC cho biết Công ty đã lãi gần 109 tỷ đồng từ thương vụ này. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của KBC ở dự án Diamond Square ghi nhận tại ngày 1/1/2023 là hơn 744 tỷ đồng.
Chân dung chủ mới của Diamond Square
KBC chưa từng công bố về bên nhận chuyển nhượng Công ty Kinh Bắc – Đà Nẵng. Theo tìm hiểu của người viết, ngày 4/4/2023, chủ doanh nghiệp đã được đổi từ KBC thành CTCP Dịch vụ Kinh Bắc. Tuy nhiên, người được ủy quyền đại diện phần vốn 1,091 tỷ đồng vẫn là ông Vũ Ngọc Ánh – Phó Tổng Giám đốc CTCP Công nghệ Viễn Thông Sài Gòn (HOSE: SGT), công ty liên kết của KBC và có cùng Chủ tịch HĐQT Đặng Thành Tâm.
Dịch vụ Kinh Bắc thành lập vào tháng 6/2004, trụ sở trong KCN Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Hoạt động kinh doanh chính là kinh doanh bất động sản. Trước khi là chủ mới của Công ty Kinh Bắc – Đà Nẵng, vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm đại diện pháp luật của Dịch vụ Kinh Bắc ngày 24/3/2023 thay đổi từ ông Nguyễn Sơn thành ông Nguyễn Tuấn Long.
Được biết, ông Sơn là anh trai của bà Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ ông Đặng Thành Tâm.
Đáng chú ý, sau khi nhận chuyển nhượng Công ty Kinh Bắc – Đà Nẵng, kết quả kinh doanh của Dịch vụ Kinh Bắc cải thiện đáng kể khi lãi trước thuế 405 tỷ đồng chỉ trong 4 tháng đầu năm 2023, trong khi cả năm 2022 lỗ gần 47 tỷ đồng.
Bên cạnh quan hệ là đối tác chuyển nhượng, KBC còn cho Dịch vụ Kinh Bắc vay tiền, tổng dư nợ tại ngày 31/3/2024 hơn 475 tỷ đồng, gồm vay ngắn hạn hơn 119 tỷ đồng, vay dài hạn hơn 356 tỷ đồng. Ngược lại, Dịch vụ Kinh Bắc đã đặt cọc 238 tỷ đồng cho KBC để nhận chuyển nhượng tài sản gắn liền với đất thuê và quyền thuê lại đất tại nhà xưởng, nhà văn phòng tại KCN Quế Võ và Tràng Duệ.
Bên cạnh Diamond Square, khu đô thị Phong Nam - Hòa Châu của DMT vướng mắc thủ tục pháp lý khiến dự án chậm tiến độ nhiều năm. DMT cho biết đã nhiều lần kiến nghị với UBND thành phố và bộ, ngành, Chính phủ, nhưng vẫn chưa giải quyết xong. Do đó, chủ đầu tư kiến nghị Đoàn giám sát xem xét và có hướng dẫn, chỉ đạo UBND thành phố và các sở, ngành sớm thực hiện thủ tục giao đất cho doanh nghiệp làm dự án. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết tại thời điểm năm 2012, thủ tục để ban hành quyết định giao đất của dự án đã không được thực hiện là một sai sót xuất phát từ phía thành phố. Do đó, hướng tháo gỡ cho dự án này là cần có một đánh giá độc lập để có thể cho phép doanh nghiệp cũng như cơ quan nhà nước thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ khi thực hiện dự án này trên tinh thần là không để thất thoát ngân sách Nhà nước. |