Nâng hạng thị trường chứng khoán – góp phần cho Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường
Nâng hạng thị trường chứng khoán – góp phần cho Việt Nam được công nhận là nền kinh tế thị trường
Nhất quán trong các chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh IPO các doanh nghiệp Nhà nước, nâng hạng thị trường chứng khoán, tham gia sâu rộng các hiệp định tư do thương mại thế hệ mới. Những việc này sẽ tạo chuyển biến tích cực cho việc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
* Mỹ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường
Ngày 02/08/2024 vừa qua, Bộ Công Thương Việt Nam thông báo, Bộ Thương mại Mỹ vừa đưa ra quyết định chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, dù Việt Nam đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực.
Theo Bộ Công Thương, hơn 20 năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã trải qua những thay đổi và phát triển vượt bậc. Việt Nam đã ký kết và đưa vào thực thi thành công 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao với Liên minh châu Âu, các nước CPTPP, Liên Hiệp Vương quốc Anh với nhiều cam kết sâu rộng, toàn diện từ cắt giảm thuế tới nâng cao tiêu chuẩn lao động, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, mua sắm chính phủ, minh bạch hoá…
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Mỹ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận để gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Mỹ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam nhằm cụ thể hóa mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ, qua đó thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư song phương, mang lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và nhân dân hai nước.
Ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng Trường Đại học Nguyễn Trãi đã có những chia sẻ về vấn đề này.
Ông Nguyễn Quang Huy
|
Theo ông, Việt Nam không được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường sẽ gặp bất lợi như thế nào?
Việc này sẽ ảnh hưởng bất lợi lớn tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ.
Đầu tiên, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa vào Mỹ sẽ bị phân biệt đối xử trong các vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp: Bị lấy giá của nước thứ 3 so sánh khi tính giá, rủi ro cao khi bị kết luận bán phá giá rồi bị áp thuế nhập khẩu cao nhằm hạn chế bán hàng tại Mỹ. Điều này khiến biên độ phá giá bị đẩy lên rất cao và không phản ánh đúng thực trạng sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam.
Rủi ro có thể phát sinh trường hợp các nhà sản xuất ở nước thay thế lại chính là đối thủ cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Việt Nam, họ có thể đưa ra các số liệu gây bất lợi trong quá trình điều tra khiến các doanh nghiệp nước ta chịu tổn thất lớn khi phải thi hành những phán quyết bất lợi từ những thông tin bất cân xứng.
Thứ hai, chi phí phát sinh cả về thời gian lẫn tiền bạc khi phải phục vụ các cuộc điều tra, cung cấp thông tin, giải trình làm chậm lại lưu thông hành hóa, tăng chi phí lưu kho, tăng rủi ro về tỷ giá, gặp rủi ro lớn biến động giá đầu vào, chậm mất thời gian giao hàng và đánh mất cơ hội kinh doanh.
Cuối cùng, Việt Nam có thể bị Mỹ áp dụng thuế suất toàn quốc - là mức thuế dành cho các doanh nghiệp không hợp tác hoặc không chứng minh được họ không chịu sự kiểm soát của Chính phủ.
Như vậy, cần cải thiện yếu tố nào để được công nhận là nền kinh tế thị trường?
Việt Nam cần bám sát 6 tiêu chí được sử dụng để xác định xem một quốc gia có phải là nền kinh tế thị trường hay không gồm:
(i) Mức độ chuyển đổi của đồng tiền
(ii) Vấn đề đàm phán tiền lương, tiền công giữa người lao động và người sử dụng lao động;
(iii) Mức độ đầu tư nước ngoài vào các hoạt động kinh tế;
(iv) Vấn đề sở hữu Nhà nước, sở hữu tư nhân;
(v) Mức độ kiểm soát của Chính phủ với một số nguồn lực và giá cả
(vi) Các yếu tố khác.
Song song đó, Việt Nam cần tiếp tục chuyển đổi, hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác thông tin, phối hợp giải trình để Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường.
Nghiên cứu, phân tích các lập luận trong Báo cáo đánh giá nền kinh tế Việt Nam của Bộ Thương mại Hoa Kỳ, để bổ sung, hoàn thiện lập luận và gửi hồ sơ yêu cầu Bộ Thương mại Hoa Kỳ xem xét lại quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam. Đặc biệt, là tiếp tục tăng cường các thông tin, phối hợp giải trình, giải thích, cũng như vận động cộng đồng thế giới, các doanh nghiệp, hiệp hội, các cá nhân và tổ chức có tầm ảnh hưởng ở Mỹ để họ góp phần vào quá trình cung cấp thông tin, góc nhìn khách quan, tích cực và có tính xây dựng trong quá trình xem xét, đánh giá, chấp thuận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Đồng thời, tiếp tục cải cách hành chính, thể chế, tinh gọn bộ máy quản lý, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài về pháp lý, ổn định vĩ mô, nhất quán trong các chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh IPO các doanh nghiệp Nhà nước, nâng hạng thị trường chứng khoán, tham gia sâu rộng các hiệp định tư do thương mại thế hệ mới. Những việc này sẽ tạo chuyển biến tích cực cho việc công nhận Việt Nam là nền kinh tê thị trường.
Theo ông, khi được công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ được hưởng những lợi gì?
Lợi ích đầu tiên khi được công nhận là nền kinh tế thị trường là giúp Việt Nam có lợi thế trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, trợ cấp.
Thêm nữa, giảm thiểu tiêu tốn nguồn lực trong các cuộc phục vụ điều tra chống bán phá giá, trợ cấp, giảm thuế xuất nhập khẩu cho các mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ
Và giảm thiểu rủi ro bị điều tra chống bán phá giá, trợ cấp giúp đẩy nhanh tốc độ lưu thông, thâm nhập của hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Mỹ, giúp chúng ta tranh thủ được cơ hội của thị trường.
Ngày 06/08/2024, Costa Rica vừa trở thành nước thứ 73 công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, ông đánh giá khác biệt như thế nào khi được Mỹ công nhận?
Costa Rica là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và là thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD – tổ chức gồm 38 quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển nhất thế giới). Costa Rica công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường trong các vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp.
Trong khi đó, về phía quy định của Hoa Kỳ phức tạp và phải kết hợp đáp ứng đầy đủ đồng thời 6 tiêu chí khi xem xét một quốc gia có nền kinh tế thị trường.
Trong thời gian này chúng ta vừa tiếp tục kiên trì cung cấp thông tin, tài liệu bổ sung cho Mỹ, vừa tranh thủ tiếp tục nâng số lượng các quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường để tạo nên sự đồng thuận, ủng hộ quốc tế bao trùm trên thế giới giúp phía Mỹ và một số quốc gia còn lại công nhận Việt Nam là nên kinh tế thị trường.
Xin cảm ơn ông.