Ngành xây dựng quý 2/2024: Sáng, tối đan xen
Ngành xây dựng quý 2/2024: Sáng, tối đan xen
Quý 2/2024, nhiều doanh nghiệp xây dựng đón nhận kết quả kinh doanh tăng bằng lần, trong khi một số khác tiếp tục chìm trong thua lỗ. Trong đó, lãi của một ông lớn xây dựng chiếm tới 30% tổng lợi nhuận toàn ngành.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng quý 2/2024 tốt hơn quý trước với hơn 26% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn; gần 43% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và gần 31% doanh nghiệp cho rằng khó khăn hơn.
Dự báo quý 3 so với quý 2, gần 29% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn; 43% giữ ổn định và 28% dự báo khó khăn hơn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, 2 yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng là giá nguyên vật liệu tăng cao và không có hợp đồng xây dựng mới.
Thống kê từ VietstockFinance, có 96 doanh nghiệp ngành xây dựng trên sàn chứng khoán (HOSE, HNX, UPCoM) đã công bố BCTC quý 2/2024 với tổng doanh thu đạt hơn 51 ngàn tỷ đồng, lãi ròng gần 2,237 tỷ đồng, lần lượt tăng 33% và 78% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngành này đã lấy lại được mốc lợi nhuận trên 2 ngàn tỷ đồng sau 2 năm. Cho thấy, ngành xây dựng tuy chưa bứt phá nhưng đã khởi sắc hơn rất nhiều. Biên lãi gộp của các doanh nghiệp mảng này dao động từ 9-17% suốt 10 quý vừa qua (từ quý 1/2022), quý 2/2024 ghi nhận 12%.
Nguồn: VietstockFinance
|
Doanh thu trên ngàn tỷ
Doanh thu hợp đồng xây dựng quý 4/2024 (từ 1/4-30/6) của ông lớn Coteccons (HOSE: CTD) tăng 83% so với cùng kỳ lên hơn 6,583 tỷ đồng. Đây là mảng đóng góp chính giúp doanh thu thuần CTD đạt hơn 6,595 tỷ đồng, tăng 82% và trở thành cái tên có doanh thu lớn nhất mảng xây dựng kỳ này. Lãi ròng gần 59 tỷ đồng, tăng 95%.
Cả năm tài chính 2024 (từ ngày 1/7/2023-30/6/2024), CTD mang về doanh thu thuần 21,045 tỷ đồng, tăng 31%; lãi ròng hơn 299 tỷ đồng, gấp 4.4 lần niên độ trước. So với kế hoạch cả năm, Coteccons đã vượt 3% chỉ tiêu doanh thu và 1% lãi sau thuế.
Còn Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HOSE: HBC) trong báo cáo tự lập cho biết doanh thu thuần quý 2 gần 2.2 ngàn tỷ đồng, giảm 6%. Tuy nhiên, do được hoàn nhập chi phí quản lý và dự phòng nợ phải thu khó đòi; cùng với đó Công ty đã thanh lý, nhượng bán tài sản cố định khiến lợi nhuận ròng tăng 25%, đạt hơn 682 tỷ đồng, cũng là doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất ngành xây dựng trong quý 2 và chiếm tới 30% tổng lợi nhuận toàn ngành.
Lũy kế 6 tháng đầu năm lãi ròng hơn 740 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 712 tỷ đồng. So với kế hoạch lãi sau thuế 434 tỷ đồng năm 2024, HBC không những hoàn thành mục tiêu sớm 6 tháng mà còn vượt gần 71% con số đề ra.
Ông lớn mảng xây dựng hạ tầng CIENCO4 mang về doanh thu thuần 1,027 tỷ đồng, tăng 65%, phần lớn nhờ doanh thu từ hợp đồng xây dựng gần 899 tỷ đồng (tăng 88%). Lãi ròng quý 2 hơn 60 tỷ đồng, tăng 87%, mức cao nhất kể từ khi giao dịch trên UPCoM năm 2018. Sau 6 tháng, C4G lãi hơn 102 tỷ đồng, tăng 39%. So với kế hoạch 2024 doanh thu 4,500 tỷ đồng và lãi sau thuế 250 tỷ đồng, C4G thực hiện được lần lượt 35% và 41%.
Nguồn: VietstockFinance
|
Doanh nghiệp lãi tăng bằng lần
Trong số 96 doanh nghiệp đã BCTC quý 2/2024, có 39 doanh nghiệp tăng lãi (chiếm 41%), 21 giảm lãi, 14 tiếp tục lỗ, 15 lỗ chuyển lãi và 7 lãi chuyển lỗ. Đáng chú ý, 18 doanh nghiệp lãi ròng tăng bằng lần.
Đứng đầu danh sách là CTCP Xây dựng và Thiết kế Số 1 (UPCoM: DCF) với lãi ròng hơn 23 tỷ đồng, gấp 21 lần cùng kỳ, mức cao nhất của doanh nghiệp kể từ khi giao dịch trên sàn UPCoM năm 2017. DCF cho biết do giai đoạn năm 2023 và đầu 2024, Công ty đã ký kết, triển khai thi công nhiều dự án lớn, đồng thời đẩy mạnh gia tăng sản lượng rút ngắn thời gian thi công khiến doanh thu và lợi nhuận tăng.
Lũy kế 6 tháng, lãi ròng DCF hơn 26 tỷ đồng, gấp 28 lần cùng kỳ. So với kế hoạch 46 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2024, doanh nghiệp đã đi được 70%.
Nhờ quý 2 lãi ròng gần 240 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ, lãi 6 tháng của CTCP Đầu tư Cầu đường CII (HOSE: LGC) đạt 365 tỷ đồng, gấp 4.4 lần. Qua đó, LGC thực hiện được 50% chỉ tiêu lãi sau thuế sau nửa đầu năm.
CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận trở thành công ty con của LGC từ quý 4/2023 (sở hữu 89%), do đó lợi nhuận gộp tăng chủ yếu từ doanh thu thu phí dự án Trung Lương - Mỹ Thuận. Bên cạnh đó, doanh thu tài chính tăng do ghi nhận bổ sung phần lợi ích tài chính lũy kế đến thời điểm báo cáo cho dự án Trạm thu phí Cà Ná - Km 1584+100, quốc lộ 1 - Ninh Thuận thuộc Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận (LGC sở hữu 100%).
CTCP Sông Đà 11 (HNX: SJE) cũng có lãi ròng quý 2 hơn 69 tỷ đồng, cao nhất sau hơn 2 thập kỷ (từ năm 2006) và gấp 6.6 lần cùng kỳ. 6 tháng, lãi ròng SJE hơn 100 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ. So với kế hoạch năm 65 tỷ đồng lãi trước thuế, SJE thực hiện được 67%.
Nguồn: VietstockFinance
|
Tiếp tục khó khăn
Bên cạnh những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh ấn tượng, đan xen vào đó những cái tên kém may mắn. Đội sổ doanh nghiệp lỗ nặng nhất quý 2 ngành xây dựng là Tổng CTCP Xây dựng Công nghiệp Việt Nam (UPCoM: VVN) khi lỗ gần 138 tỷ đồng, đây cũng là quý thứ 7 liên tiếp doanh nghiệp này không có được lợi nhuận. Sau 6 tháng, Công ty lỗ hơn 248 tỷ đồng.
Xếp ngay sau là Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (HOSE: VNE) với khoản lỗ gần 68 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 3 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, VNE lỗ ròng hơn 65 tỷ đồng, cùng kỳ lãi hơn 3 tỷ đồng. Theo VNE, một số công trình tiếp tục vướng thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng thi công, tiền thanh toán từ các chủ đầu tư về chậm, khiến việc giải ngân thanh toán vốn cho nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, thiết bị,… chậm. Qua đó, VNE không thể đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình để nghiệm thu kịp thời với các chủ đầu tư, nên tổng doanh thu giảm mạnh.
Nguồn: VietstockFinance
|
Ngoài ra, một số doanh nghiệp đánh rơi lợi nhuận như CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng - Hội An (HNX: DIH) giảm gần như 100%, chỉ còn lãi hơn 50 triệu đồng, cùng kỳ gần 15 tỷ đồng.
Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HOSE: DLG) chỉ lãi ròng gần 2 tỷ đồng trong quý 2 vừa qua, giảm 92%. Tuy nhiên, lãi 6 tháng DLG gần 30 tỷ đồng, tăng 7%.
Nguồn: VietstockFinance
|