Thu hồi nợ xấu qua thi hành án tín dụng: Việc khó cần chung tay

30/08/2024 15:05
30-08-2024 15:05:37+07:00

Thu hồi nợ xấu qua thi hành án tín dụng: Việc khó cần chung tay

Với số lượng lớn các vụ án tín dụng và giá trị tài sản phải xử lý, nếu không tạo hành lang pháp lý rành mạch và sự vào cuộc rốt ráo của các bên, thì việc thu hồi nợ xấu qua thi hành án dân sự sẽ gặp bế tắc trong dài hạn.

Thế khó của ngân hàng và cơ quan thi hành án

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên tổng dư nợ ở mức 4,56% tính tới cuối tháng 6-2024, theo số liệu của NHNN. Tính cả nợ tiềm ẩn có khả năng thành nợ xấu, nợ xấu bán cho VAMC thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 6,44%.

Để thu hồi nợ xấu, giải pháp được nhiều TCTD lựa chọn là đưa sự việc ra toà án dân sự, với tổng số phải thi hành là 46.562 việc tính từ đầu tháng 10-2023 tới cuối tháng 7-2024, tương ứng 193.858 tỉ đồng. Nhưng hiện mới thi hành xong 4.513 việc, tương ứng 24.211 tỉ đồng – đạt tỷ lệ 15,87% về việc và 18,78% về tiền.

Còn số liệu tổng hợp từ 15 ngân hàng thương mại của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho thấy, có 399 vụ việc thi hành án có khó khăn, vướng mắc, tập trung các địa bàn lớn như Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Hải Dương, do quy định pháp lý chưa hoàn thiện và sự va chạm về quyền, lợi ích giữa các bên.

Tỷ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng buộc các tổ chức tín dụng phải có giải pháp kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động cho vay để giảm bớt rủi ro. Ảnh: LÊ VŨ

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó tổng giám đốc TPBank cho biết, không ít tài sản bảo đảm (TSBĐ) là bất động sản phát sinh sai lệch về diện tích (tăng thêm) hoặc có tài sản gắn liền với đất của thửa liền kề, xây chồng lấn. Tới khi ngân hàng tiến hành kê biên và đưa ra pháp luật giải quyết, cơ quan kiểm sát cho rằng, ngân hàng xác định giá trị tài sản thế chấp không sát thực tế, đặc biệt tại thời điểm thẩm định và cho vay.

Thậm chí, tình huống còn khó giải quyết hơn với ngân hàng, nếu TSBĐ tại thời điểm khởi kiện chỉ là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, bởi tới thời điểm yêu cầu thi hành án, căn hộ chung cư đã được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở.

“Điều này khiến bên bảo đảm không ký hợp đồng thế chấp mới với ngân hàng theo thông tin TSBĐ ghi nhận trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất”, ông Quân nói.

Với các ngân hàng có định hướng bán lẻ như TPBank, khó khăn còn tới từ các tài sản như xe ô tô. Theo đó, việc ngân hàng chỉ giữ giấy tờ pháp lý, thay vì thu giữ tài sản thực tế, khiến khách hàng không tự nguyện bàn giao tài sản, không cung cấp thông tin liên quan, ẩn giấu tài sản tại nhiều nơi, hoặc bán cho bên thứ ba.

Điều này buộc cán bộ tín dụng ngân hàng phải đi khắp nơi để tìm khách hàng và tung tích xe. Tìm được xe, ngân hàng vẫn khó đề nghị kê biên tài sản do không xác minh được xe, theo ông Nguyễn Hồng Quân.

Thậm chí, việc thanh lý xe cũng gặp khó khăn do khách hàng e ngại thủ tục pháp lý phức tạp, tình trạng xe xuống cấp, không có các chính sách bảo hành hoặc bảo trì, phải thanh toán một lần… buộc ngân hàng phải giảm giá xuống rất thấp so với giá trị khoản vay.

Chẳng hạn, BIDV cũng rao bán 13 phương tiện vận tải, gồm 6 chiếc xe tải Hyundai, 1 chiếc xe tải Kia, 4 chiếc xe cứu thương Hyundai, 1 chiếc xe nâng hàng Komatsu và 1 chiếc Ford đời 2008, với tổng giá khởi điểm 1,05 tỉ đồng.

Từ góc độ cơ quan thi hành án, một nguyên cán bộ Cục thi hành án dân sự (THADS) Hà Nội cho biết, nhiều vụ việc đã có quyết định của toà án, nhưng không nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các cơ quan, ban, ngành liên quan hoặc của các cấp chính quyền địa phương, nên kéo dài hàng chục năm chưa giao được tài sản cho người mua trúng đấu giá như vụ ở huyện Đông Anh và Thạch Thất, Hà Nội.

Một số trường hợp người phải thi hành án, người có tài sản bị kê biên lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để gửi đơn thư tới nhiều cấp nhằm tạo sức ép, cản trở thi hành án, như vụ ở số 194 Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội cũng là yếu tố khiến thi hành án tín dụng chậm trễ, kéo dài.

Cần thêm cơ chế phối hợp

Xác định vướng mắc chính trong các vụ việc liên quan đến tín dụng nằm ở khâu xử lý TSBĐ, bà Tạ Thị Hồng Hoa, Phó vụ trưởng Vụ 11 (VKSND Tối cao) khuyến nghị, các tổ chức tín dụng (TCTD) trước hết cần cơ chế chặt chẽ hơn trong thẩm định, quản lý TSBĐ. Điều này giúp tránh rủi ro tài sản được đưa ra thế chấp không đảm bảo tính pháp lý như quyền sở hữu, đang được thế chấp tại ngân hàng khác hoặc thuộc sở hữu chung với người khác.

“Quá trình thẩm định, ngân hàng đã không thẩm định kỹ, dẫn đến khi thi hành án mới phát sinh tranh chấp, có thể xảy ra trường hợp tài sản thế chấp bị Toà án tuyên thuộc về người khác, hợp đồng thế chấp vô hiệu. Do đó, ngân hàng mất quyền xử lý với tài sản và khoản nợ buộc phải xếp vào loại chưa có điều kiện”, bà Hoa giải thích.

Về phía ngân hàng, ông Nguyễn Hồng Quân mong muốn có cơ chế phối hợp tích cực hơn giữa cơ quan thi hành án dân sự (THADS), ngân hàng và các bên quyền lợi có liên quan.

Chẳng hạn, với bất động sản đang bị đề nghị kê biên, Tổng cục Thi hành án Dân sự cần có ý kiến với cơ quan quản lý đất đai và các ban, ngành liên quan để thống nhất cách xử lý các bất động sản có sai lệch (tăng thêm) về diện tích theo hướng vẫn được kê biên và phát mãi TSBĐ, rồi dùng số tiền thu được – sau khi trừ giá trị bất động sản nằm ngoài diện tích – chuyển cho TCTD thu hồi nợ.

Với tài sản thế chấp là quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, vị này cũng đề nghị các cơ quan quản lý cho phép cơ quan thi hành án được tiến hành kê biên TSBĐ theo thông tin ghi nhận trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Số tiền thu được từ phát mãi TSBĐ sẽ ưu tiên chuyển về cho TCTD đang yêu cầu thi hành để thu hồi nợ.

Với riêng tài sản thế chấp là động sản, đại diện TPBank cũng mong muốn cơ quan quản lý tạo cơ chế liên thông về thông tin điện tử giữa Cơ quan THADS với Cục Cảnh sát giao thông, Cơ quan đăng kiểm, công ty sở hữu các trạm BOT để cung cấp thông tin kịp thời về thực trạng TSBĐ cho các Chi cục Thi hành án xác minh, kê biên.

Bổ sung, bà Tạ Thị Hồng Hoa cho biết quy định về việc phối hợp trong thi hành án đã có trong Luật THADS và đây là trách nhiệm phải thực hiện. Do đó, các cơ quan có liên quan phải cung cấp đầy đủ thông tin chính xác cho cơ quan THADS.

“Ở góc độ kiểm sát, chúng tôi cũng sẽ đánh giá, xem xét từng trường hợp, để đề xuất xử lý trách nhiệm theo đúng tính chất, mức độ nếu các cơ quan liên quan có vi phạm”, bà Hoa cho biết.

Vân Phong

TBKTSG





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Giải pháp phòng tránh giao dịch đáng ngờ tại ngân hàng

Tội phạm công nghệ tấn công tài khoản ngân hàng đang gia tăng với các phương thức ngày càng tinh vi, đặc biệt trong bối cảnh số hóa ngành ngân hàng phát triển mạnh.

Khởi tố đối tượng tội lừa đảo 40 tỷ với chiêu đáo hạn ngân hàng

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 4/2023 đến tháng 09/2024, bà Bùi Thị Nhan dùng thủ đoạn đưa thông tin huy động vốn vay tiền để đáo hạn ngân hàng, rồi lừa đảo...

Sacombank tung gói vay 15,000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất chỉ từ 4.5% 

Sacombank tiếp tục triển khai gói tín dụng ngắn hạn với quy mô 15,000 tỷ đồng dành cho khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh hoạt động sản...

Giá USD ngân hàng tăng nhanh, lên sát 25.000 đồng/USD

Giá USD ngân hàng và trên thị trường tự do hôm nay cùng tăng nhanh. Giá USD tự do tăng 160 đồng còn giá USD tại nhiều ngân hàng tăng gần 100 đồng, kéo giá bán lên...

Một số vấn đề cần lưu ý trong mức tăng trưởng tín dụng hiện tại

Trong 9 tháng đầu năm 2024, thị trường tín dụng Việt Nam tiếp tục chứng kiến nhiều thay đổi. Tăng trưởng tín dụng tuy được duy trì, nhưng chủ yếu tập trung vào các...

HDBank sát cánh cùng khách hàng vượt qua cơn bão Yagi

HDBank vừa đồng loạt triển khai những hoạt động ý nghĩa, sát cánh cùng khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi và hoàn lưu bão.

Tiền gửi cư dân vào ngân hàng lập kỷ lục

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tính đến cuối tháng 7/2024, tổng tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng đạt 6.83 triệu tỷ đồng, tăng 4.68% so với cuối năm 2023...

Giải ngân gói tín dụng kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại TPHCM đạt 83.4%

Đến cuối tháng 8/2024, tổng số tiền giải ngân gói tín dụng ưu đãi thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đạt 425,659 tỷ đồng.

Cơ hội thực tập và làm việc tại Sacombank dành cho sinh viên năm cuối

Sacombank chính thức khởi động chương trình Thực tập viên tiềm năng 2025 với chủ đề “Hành trình 3 tháng – Tỏa sáng tương lai” dành cho sinh viên năm cuối thuộc các...

Kiểm soát chặt mua bán USD tự do trái phép

Các ngân hàng cần kiểm soát, tránh việc lợi dụng hoạt động thu đổi ngoại tệ để giao dịch, mua bán ngoại tệ tự do, vi phạm pháp luật.

Cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu bảo hiểm


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98