Tổng Giám đốc Phạm Như Ánh: MB sẵn sàng với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20-25%
Tổng Giám đốc Phạm Như Ánh: MB sẵn sàng với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 20-25%
Tổng Giám đốc Phạm Như Ánh cho biết, theo văn bản điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của NHNN, MB dự kiến sẽ được tăng trưởng thêm gần 14,000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng được NHNN giao hiện tại sẽ là 18.16%. Hiện tại, MB đã sẵn sàng với kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức 20-25%.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản gửi các tổ chức tín dụng thông báo điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm theo nguyên tắc cụ thể, bảo đảm công khai, minh bạch và căn cứ năng lực hoạt động của từng TCTD (theo điểm xếp hạng của NHNN với từng TCTD). Cụ thể những ngân hàng thương mại có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% chỉ tiêu đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng tín dụng năm 2022.
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HOSE: MBB) về tình hình tín dụng trong những tháng đầu năm.
Ông Phạm Như Ánh - Tổng Giám đốc MB.
|
Xin ông cho biết, tăng trưởng tín dụng của MB trong 8 tháng đầu năm 2024 ra sao?
Ông Phạm Như Ánh: Trong 7 tháng đầu năm 2024, với định hướng kinh doanh được xác định rõ ràng (ngành, lĩnh vực ưu tiên; chương trình/sản phẩm/chính sách cạnh tranh…), MB đã có kết quả tăng trưởng tín dụng khả quan, bám sát mức mục tiêu được NHNN giao từ đầu năm.
Tính đến ngày 28/08/2024, tăng trưởng tín dụng của MB đạt 10.44% (tương đương 679,593 tỷ đồng), đạt 65.7% chỉ tiêu tăng trưởng được NHNN giao đầu năm. Theo văn bản điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng của NHNN nêu trên, MB dự kiến sẽ được tăng trưởng thêm gần 14,000 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng được NHNN giao hiện tại sẽ là 18.16%. Hiện tại, MB đã sẵn sàng với kế hoạch tăng trưởng tín dụng ở mức 20-25% trên cơ sở tăng trưởng tín dụng đi kèm với kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, đảm bảo mục tiêu an toàn, tuân thủ đầy đủ các giới hạn quy định của NHNN và đạt được các mục tiêu kinh doanh theo kế hoạch đã đặt ra.
Quan điểm của MB như thế nào về ý kiến nên bỏ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng?
MB quan điểm việc điều hành tăng trưởng tín dụng của NHNN là cần thiết.
Việc điều hành chỉ tiêu tăng trưởng là công cụ vĩ mô có hiệu quả để Chính phủ/ NHNN theo dõi sát diễn biến, tình hình hấp thụ vốn thực tế của nền kinh tế để từ đó có các điều hành linh hoạt, kịp thời, khoa học, bám sát tình hình để qua đó hỗ trợ tối ưu cho nền kinh tế. Đồng thời cũng hỗ trợ hệ thống các tổ chức tín dụng điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp, cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.
Việc được NHNN giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là động lực để các TCTD tổ chức công tác quản lý/giám sát, kiểm soát tăng trưởng tín dụng một cách chủ động để điều hành kinh doanh đảm bảo an toàn, hiệu quả; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
MB có những giải pháp nào nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng từ nay tới cuối năm, thưa ông?
MB đã sẵn sàng các giải pháp và đang trên đà thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhanh chóng giai đoạn cuối năm 2024. Chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực về hệ thống, con người, sản phẩm cạnh tranh để thúc đẩy nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế.
Chúng tôi đang thúc đẩy một số giải pháp cụ thể để tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn cuối năm như:
Đầu tiên, MB thực hiện phân nhóm các ngành nghề trong hoạt động tín dụng (ưu tiên/hạn chế/duy trì) để phân bổ room tăng trưởng, điều hành hoạt động kinh doanh. Trong năm 2024, MB chú trọng tăng trưởng ở phân khúc bán lẻ, triển khai các giải pháp để thúc đẩy tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên, các ngành có hiệu quả cao và là động lực thúc đẩy nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay (xuất khẩu, y tế giáo dục, điện năng lượng tái tạo, sản xuất chế biến...).
Thứ hai, tăng cường hợp tác với các Tập đoàn lớn để triển khai chương trình tín dụng theo chuỗi giá trị, các mô hình liên kết này dự kiến mang lại nhiều tác động tích cực, là sản phẩm hữu ích hỗ trợ về nguồn vốn dòng tiền kịp thời cho doanh nghiệp và người dân (mục tiêu triển khai với đa dạng nhóm ngành nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, xây lắp, thương mai dịch vụ...).
Thứ ba, xây dựng các chính sách tín dụng riêng/ thiết kế các điều kiện ưu đãi cho từng địa bàn trọng điểm theo định hướng kinh doanh của MB để thúc đẩy khả năng tiếp cận và hấp thụ tín dụng.
Thứ tư, tăng cường ứng dụng công nghệ để đơn giản hóa thủ tục vay vốn, rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ (đặc biệt với các ngành nghề, đối tượng ưu tiên theo chính sách của NHNN và định hướng kinh doanh của MB). Đẩy mạnh việc cung ứng dịch vụ tín dụng thông qua các phương tiện điện tử trên nền tảng App/Biz, tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận vốn, đặc biệt các khách hàng vùng nông nghiệp nông thôn.
Cuối cùng, việc tăng trưởng tín dụng trong các tháng cuối năm còn lại và 2025 gắn chặt phát triển tín dụng với chất lượng tín dụng, kiểm soát chất lượng tín dụng tốt hơn mức bình quân thị trường, tiếp tục định hướng vào danh mục bán lẻ, cho vay sản xuất kinh doanh, công nghiệp chế biến, chế tạo... trên cơ sở ứng dụng công nghệ tăng cường trải nghiệm, khai thác tối ưu khách hàng.
Xin cảm ơn ông.