Trái phiếu ngân hàng - Phát hành cũng lắm, mua lại cũng nhiều
Trái phiếu ngân hàng - Phát hành cũng lắm, mua lại cũng nhiều
Song song với việc phát hành mới lượng lớn trái phiếu từ đầu năm đến nay, các ngân hàng cũng tranh thủ mua lại trước hạn những trái phiếu có kỳ hạn còn lại ngắn. Đâu là yếu tố dẫn dắt xu hướng này của các nhà băng?
Phát hành trái phiếu mới tăng trưởng mạnh
Trong tháng 7 vừa qua, đã có 33 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ trị giá 31,387 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng trị giá 395 tỷ đồng, nâng số đợt phát hành lũy kế 7 tháng lên 175 đợt riêng lẻ với tổng giá trị 168,433 tỷ đồng và 12 đợt phát hành ra công chúng trị giá 14,586 tỷ đồng. Như vậy, tổng số TPDN đã phát hành qua 7 tháng là 183,019 tỷ đồng, gấp 2.3 lần so với cùng kỳ năm 2023, theo dữ liệu từ báo cáo của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA).
Trong đó, nhóm ngân hàng tiếp tục là chủ thể hàng đầu với lượng phát hành vượt trội so với các ngành khác, khi 67% tổng giá trị TPDN phát hành trong 7 tháng đầu năm nay là thuộc về các ngân hàng, tương đương gần 123,000 tỷ đồng. Con số này cách xa nhóm thứ 2 là bất động sản, khi lượng phát hành chỉ xấp xỉ gần 39,350 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 22%.
Nhìn lại cùng giai đoạn 7 tháng năm 2023, nhóm ngân hàng dù vẫn xếp đầu nhưng tỷ trọng khi đó chỉ chiếm hơn 36%, không cách quá xa so với nhóm bất động sản xếp ngay sau với tỷ trọng 33%. Điều này cho thấy, bất chấp kênh đầu tư TPDN vẫn gặp nhiều khó khăn, các ngân hàng vẫn khá thành công khi huy động vốn dài hạn qua kênh này. Thực tế, lượng phát hành 7 tháng đầu năm nay của nhóm ngân hàng cũng tăng rất mạnh khi gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Riêng trong tháng 7 vừa qua, một số ngân hàng đã phát hành thành công đáng kể như: MBBank 10,395 tỷ đồng; Vietinbank 4,950 tỷ đồng; SHB 3,000 tỷ; VIB 2,000 tỷ đồng; BIDV 1,755 tỷ đồng; OCB 1,500 tỷ đồng; ACB 1,400 tỷ đồng;… Lãi suất các ngân hàng phát hành phổ biến từ 5.5%/năm đến 6.5%/năm tùy kỳ hạn. Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi đã xác lập xu hướng đi lên trở lại kể từ tháng 4 đến nay, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái, chiến lược phát triển trái phiếu kỳ hạn dài ngay tại thời điểm mặt bằng lãi suất vẫn còn dễ chịu như hiện nay đang được ưu tiên.
Ngoài ra, trong bối cảnh nợ xấu vẫn đang tiếp tục gia tăng, ảnh hưởng lên các tỷ lệ an toàn, việc tăng cường bộ đệm nguồn vốn trung dài hạn ngay từ lúc này càng trở nên cấp thiết. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 đã tăng lên 4.56%, còn nếu tính luôn nợ bán VAMC và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu, tỷ lệ này lên đến 6.44%. Theo dự báo của giới phân tích, nợ xấu thời gian tới có thể tiếp tục đi lên khi các khoản nợ tái cơ cấu khi đến hạn nếu không được xử lý sẽ lại chuyển thành nợ xấu.
Trong khi đó, theo dữ liệu từ NHNN, tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của toàn hệ thống đến cuối tháng 6/2024 là 28.1%, trong khi ở nhóm NHTM Nhà nước nằm tại 23.58%, nhóm NHTM cổ phần lên đến 40.02%. Theo quy định hiện nay, tỷ lệ này của các nhà băng không được vượt quá 30%, do đó khả năng một số ngân hàng trong nhóm tư nhân đang để tỷ lệ vượt quy định và một trong những nguyên nhân chính là do nợ xấu tăng lên, vì nợ xấu mặc định được tính vào dư nợ trung dài hạn theo quy định hiện hành.
Đồng thời tích cực mua lại trước hạn
Cũng theo báo cáo của VBMA, các doanh nghiệp đã mua lại 32,094 tỷ đồng trái phiếu trước hạn trong tháng 7, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2023. Trong phần còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 121,854 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, phần lớn là trái phiếu bất động sản với 51,603 tỷ đồng, tương đương tỷ trọng 42%. Ngoài ra cũng có 4 mã trái phiếu công bố chậm trả gốc, lãi mới trong tháng với tổng giá trị 3,392 tỷ đồng và 41 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc.
Trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tiền gửi đã xác lập xu hướng đi lên trở lại kể từ tháng 4 đến nay, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm ngoái, chiến lược phát triển trái phiếu kỳ hạn dài ngay tại thời điểm mặt bằng lãi suất vẫn còn dễ chịu như hiện nay đang được ưu tiên. |
Còn theo số liệu của Bộ Tài chính, sau 7 tháng năm nay, khối lượng TPDN đã được mua lại trước hạn là 88,800 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo báo cáo của công ty xếp hạng tín nhiệm đầu tư Vis Ratings ước tính trong tháng 7 có khoảng 60% trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn có nguy cơ không trả được nợ gốc đúng hạn, giá trị khoảng 5,400 tỷ đồng. Trong đó, 5,200 tỷ đồng trái phiếu rủi ro do các công ty thuộc nhóm ngành xây dựng và bất động sản dân cư phát hành như Novaland, Nam Land, Big Gain, Đại Thịnh Phát và Kita Invest.
Có thể thấy, trong khi lượng sắp sửa đáo hạn của nhóm bất động sản còn lại khá lớn, thời gian qua cũng cho thấy các doanh nghiệp bất động sản đã chủ động thỏa thuận với các trái chủ để tái cấu trúc lại kỳ hạn của các trái phiếu sắp đến hạn, cũng như xin gia hạn thanh toán. Trước tình hình thị trường bất động sản vẫn khá trầm lắng, các dự án bị đình trệ do vướng pháp lý hoặc nếu đã hoàn tất bán ra cũng không dễ, dòng tiền tắc nghẽn nên đã ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ đúng hạn của các doanh nghiệp bất động sản.
Ở chiều ngược lại, thị trường lại chứng kiến nhóm ngân hàng tích cực mua lại trước hạn các trái phiếu, nhằm tái cấu trúc kỳ hạn cho nguồn vốn huy động dài hạn này. Theo đó, những trái phiếu được nhóm ngân hàng mua lại trước hạn phần lớn là những trái phiếu có thời gian đáo hạn còn lại dưới 1 năm. Các tổ chức phát hành đã mua lại nhiều nhất trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trước hạn trong quý 2 vừa qua có thể kể đến như: Techcombank mua lại hơn 10,900 tỷ đồng, MB mua lại hơn 9,600 tỷ đồng, OCB mua lại 4,900 tỷ đồng.
Và mới đây nhất, ngày 29/7/2024, Ngân hàng Techcombank mua lại toàn bộ 4,000 tỷ đồng trái phiếu mã TCBL2326004. Đến ngày 31/7/2024, ngân hàng này tiếp tục tất toán trước hạn 2,000 tỷ đồng lô trái phiếu TCBL2326005. Được biết, cả 2 lô trái phiếu nói trên đều được phát hành vào tháng 7/2023, kỳ hạn 36 tháng. Hay như MSB ngày 31/7 vừa qua đã mua lại 1,000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm phát hành vào ngày 31/7/2023.
Còn VPBank cũng đã mua lại 3,000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn từ ngày 26/7 đến 29/7. Được biết, cả 3 lô trái phiếu nói trên đều được phát hành vào tháng 7/2024, kỳ hạn 4 năm; lãi suất phát hành là 4%/năm. ABBank dự kiến mua lại 2,000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2 năm đã được phát hành vào ngày 25/8/2023. Thời gian tới, các ngân hàng như Vietinbank hay BIDV cũng có kế hoạch mua lại trước hạn lượng lớn trái phiếu đã phát hành.
Như vậy, có thể thấy việc các ngân hàng tích cực phát hành trái phiếu mới từ đầu năm đến nay nhằm thay thế cho các trái phiếu cũ đã đến hạn thanh toán, cũng như để mua lại trước hạn các trái phiếu có kỳ hạn còn lại ngắn, nhằm nhằm cơ cấu lại nguồn vốn đầu vào và cải thiện các tỷ lệ an toàn, đáp ứng quy định và phục vụ cho các chiến lược phát triển kinh doanh trong giai đoạn kế tiếp.