Từ thần đồng toán học đến tỷ phú giàu nhất Trung Quốc: Hành trình của Colin Huang và đế chế Pinduoduo
Từ thần đồng toán học đến tỷ phú giàu nhất Trung Quốc: Hành trình của Colin Huang và đế chế Pinduoduo
Sau một vài dự án khá thành công trong lĩnh vực game và thương mại điện tử, Colin Huang đã bị ốm và nghỉ hưu. Có lúc, vị doanh nhân trẻ này ở nhà cả năm để suy nghĩ về bước đi tiếp theo của mình.
Cựu kỹ sư Google cuối cùng đã thành lập Pinduoduo (PDD), một nền tảng thương mại điện tử nổi tiếng với việc bán sản phẩm giá rẻ kèm theo các chương trình khuyến mãi lớn, vào năm 2015. Ông nhanh chóng leo lên hàng ngũ những người giàu nhất thế giới, với giá trị tài sản ròng đạt đỉnh 71.5 tỷ USD vào đầu năm 2021.
Colin Huang
|
Giống như nhiều "tỷ phú thời COVID" khác, tài sản của ông sụp đổ nhanh chóng như cách nó được tạo ra, giảm 87% trong vòng một năm. Sự suy giảm của Huang đặc biệt rõ rệt khi đại dịch toàn cầu chậm lại trùng với thời điểm Trung Quốc đột ngột siết chặt kiểm soát khu vực tư nhân.
Sau đó, một điều bất ngờ đã xảy ra: PDD Holdings của Huang đã dàn dựng một màn trở lại. Công ty mở rộng ra ngoài Trung Quốc dưới thương hiệu Temu khi nền kinh tế nội địa vẫn còn yếu.
Kết quả là, Huang, hiện 44 tuổi, đã trở thành người giàu nhất Trung Quốc, theo Bloomberg Billionaires Index. Với tài sản 48.6 tỷ USD, ông đã vượt qua Zhong Shanshan, "vua nước đóng chai" của đất nước, người đã giữ vị trí người giàu nhất Trung Quốc kể từ tháng 4/2021.
Sự thăng tiến đáng chú ý của Huang được thúc đẩy bởi thói quen mua sắm thay đổi của Trung Quốc sau khi cuộc khủng hoảng bất động sản đã tạo ra một nền kinh tế trì trệ.
Ông cũng là tỷ phú công nghệ đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng người giàu trong hơn ba năm, sau khi Chính phủ ghìm cương các doanh nghiệp tư nhân. Trên con đường đó, Huang cũng đã gặp phải những phản đối từ các nhà cung cấp vì đã hạ giá và đặt ra lịch làm việc khắc nghiệt cho chính nhân viên của mình.
"Jack Ma và Jeff Bezos đã từng là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp trong thế hệ của họ, nhưng thời thế đã thay đổi và Huang đang gặt hái thành công lớn với một cách tiếp cận khác, kín tiếng hơn", Brock Silvers, Giám đốc điều hành tại công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital, nhận xét.
Đại diện của PDD không phản hồi các yêu cầu bình luận của Bloomberg.
Thần đồng toán học
Không giống như Jack Ma, giáo viên tiếng Anh trở thành người sáng lập Alibaba, ông Huang đại diện cho một thế hệ doanh nhân công nghệ Trung Quốc mới, những người bắt đầu sự nghiệp của mình với những cơ hội toàn cầu.
Ở tuổi 12, việc sở hữu tài năng toán học xuất chúng đã giúp ông có một vị trí tại Trường Ngoại ngữ Hàng Châu danh tiếng. Tại đây, ông là bạn học với những người con của giới tinh hoa chính trị và xã hội Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Zhejiang, ông rời Trung Quốc vào năm 2002 để theo đuổi bằng thạc sĩ tại Đại học Wisconsin.
Hai năm sau khi tốt nghiệp, ông chuyển về nước để góp phần tạo dựng nên Google Trung Quốc. Sau đó, ông thành lập công ty đầu tiên của mình vào năm 2007, rồi bán nó vào năm 2010 để bắt đầu một công ty mới giúp các doanh nghiệp quảng cáo trên các trang web như Taobao của Alibaba hoặc JD.com. Vào năm 2013, ông bị nhiễm trùng tai và buộc phải nghỉ hưu. Trong khoảng thời gian này, ông đã nảy ra ý tưởng về Pinduoduo (PDD).
PDD "không phải là về việc để người dân Thượng Hải cảm thấy như họ đang sống một cuộc sống như ở Paris, mà là đảm bảo rằng người dân ở An Huy có giấy bếp và trái cây tươi", ông Huang nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 với tạp chí Caijing. "Mục tiêu không phải là rẻ, mà là khiến người dùng cảm thấy như họ mua được với mức giá hời”.
Thời đại Temu
Huang không xuất hiện nhiều kể sau khi ông từ chức giám đốc điều hành của PDD vào năm 2020 và cũng rời ghế Chủ tịch HĐQT vào năm 2021, khi Bắc Kinh bắt đầu kiểm soát các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc. (Tại thời điểm đó, ông nói rằng ông đang theo đuổi sở thích cá nhân nghiên cứu về thực phẩm và khoa học đời sống, theo một lá thư gửi cổ đông).
Chính vào thời điểm đó, cổ phiếu PDD - và giá trị tài sản ròng của anh - bắt đầu lao dốc.
Nhưng Temu, sản phẩm của PDD bên ngoài Trung Quốc, đã củng cố doanh thu hàng đầu của công ty và là nền tảng cho sự phục hồi của tập đoàn. Ứng dụng này đã vươn lên dẫn đầu các cửa hàng ứng dụng ở Mỹ khi ra mắt vào tháng 9/2022, nhắm đến những người Mỹ lo lắng về lạm phát bằng cách cung cấp các sản phẩm không thương hiệu giá rẻ được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc. PDD ghi nhận doanh thu khoảng 248 tỷ Nhân dân tệ (35 tỷ USD) trong năm ngoái, tăng 90% so với năm 2022.
"Trong môi trường kinh tế này, rõ ràng người tiêu dùng đang săn lùng những món hời, họ khao khát những giá trị vượt trội cho từng đồng bạc bỏ ra”, Neil Saunders, Chuyên viên phân tích bán lẻ tại GlobalData Retail, chia sẻ. "Vì vậy, đây là thời điểm để tỏa sáng đối với các nhà bán lẻ như Temu”.
Tất cả điều đó, cùng với việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách Zero-Covid vào tháng 12/2022, đã thúc đẩy sự tăng vọt của cổ phiếu PDD. Vào tháng 11/2023, công ty đã vượt qua Alibaba lần đầu tiên để trở thành công ty Internet lớn thứ hai của Trung Quốc.
Giờ làm việc khắc nghiệt
Tuy nhiên, sự tăng trưởng nhanh chóng đã thu hút sự chú ý ở trong nước và nước ngoài. Ngay cả sau cuộc điều tra về điều kiện làm việc sau cái chết của một nhân viên vào năm 2021, PDD vẫn tiếp tục yêu cầu nhân viên làm việc từ 11 giờ sáng đến 11 giờ tối, sáu ngày một tuần, cộng thêm làm ngoài giờ (OT). Đây là một biến thể của văn hóa "996" trong ngành mà các công ty như ByteDance Ltd. và Alibaba đã tránh xa sau khi Bắc Kinh ra tay giám sát chặt chẽ các công ty công nghệ.
Các sản phẩm siêu rẻ của Temu cũng tạo ra sự thất vọng ngày càng tăng trong số một số thương nhân và người bán hàng thứ ba, những người cảm thấy gã khổng lồ thương mại điện tử này “vắt kiệt” họ để thu doanh thu. Mọi thứ đã đến đỉnh điểm trong một loạt các cuộc biểu tình công khai vào mùa hè này, khi hàng trăm nhà cung cấp nhỏ hô vang khẩu hiệu bên ngoài một văn phòng đại diện của Temu ở Quảng Châu để phản đối điều mà họ gọi là các hình phạt không công bằng mà công ty đang áp đặt.
Ở nơi khác, các doanh nghiệp nhỏ của Mỹ cũng đã ghi nhận sự tăng trưởng nhanh chóng của Temu. Công ty hiện đang tận dụng một lỗ hổng thương mại cho phép vận chuyển miễn thuế lên đến 800 USD vào Mỹ, bằng cách gửi các gói hàng nhỏ từ kho của mình ở Trung Quốc đến từng người Mỹ. Các nhóm vận động hành lang đang thúc đẩy hạ ngưỡng này xuống 10 USD.
Tuy nhiên, PDD đã tham gia vào các chiến dịch quảng cáo tích cực, bao gồm chi hàng triệu đô la cho một quảng cáo Super Bowl 30 giây cho Temu. Họ cũng có những biểu ngữ bắt mắt trên trang web Temu của mình, bao gồm: "Mua sắm như một tỷ phú”.
"Ở Temu hiện tại, tất cả đều làvề sự tăng trưởng”, Saunders nói. "Thu hút mọi người đến trang web, khiến họ mua sắm. Sau đó, nếu họ trở nên nghiện hơn, có lẽ khi đó họ sẽ dễ dàng chấp nhận hơn nếu chúng tôi đẩy giá lên một chút”.