Vì sao Fed khó cắt giảm lãi suất khẩn cấp?
Vì sao Fed khó cắt giảm lãi suất khẩn cấp?
Thị trường chứng khoán Mỹ vừa trải qua hai ngày lao dốc liên tiếp. Nguyên nhân chính đến từ báo cáo việc làm tháng 7 gây thất vọng, làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế tiềm tàng. Trong bối cảnh đó, nhiều nhà đầu tư đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ đưa ra một đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp. Tuy nhiên, tờ CNN cho rằng khả năng này gần như không thể xảy ra.
"Không có gì trong nhiệm vụ của Fed liên quan đến việc đảm bảo thị trường chứng khoán thoải mái”, Chủ tịch Fed Chicago Austan Goolsbee nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với New York Times. Tuyên bố này phần nào cho thấy Fed sẽ không dễ dàng "nhượng bộ" trước áp lực từ thị trường.
Chủ tịch Fed Jerome Powell
|
Nhìn lại, nhiều chuyên gia cho rằng Fed đã bỏ lỡ cơ hội cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tuần trước. Theo CNN, nếu các quan chức biết trước tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng từ 4.1% trong tháng 6 lên 4.3% trong tháng 7, có lẽ họ đã có quyết định khác. Tuy nhiên, việc triệu tập một cuộc họp đột xuất ngay lúc này để hạ lãi suất có thể gây phản tác dụng, làm gia tăng hoảng loạn trên thị trường.
Lịch sử cho thấy, các đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp của Fed rất hiếm khi xảy ra. Lần gần đây nhất là vào đầu đại dịch COVID-19, khi Fed hạ lãi suất 2 lần liên tiếp trong tháng 3/2020. Trước đó, chúng ta phải nhắc đến thời kỳ Đại suy thoái 2008, khi Lehman Brothers sụp đổ.
Tại cuộc họp khẩn cấp của Fed diễn ra vào ngày 07/10/2008, Charles Plosser, cựu Chủ tịch Fed Philadelphia, từng chia sẻ: "Nhìn chung, tôi không thích các đợt cắt giảm khẩn cấp. Tôi nghĩ chúng báo hiệu sự hoảng loạn hơn là ổn định”. Tại thời điểm đó, ông cũng cảm thấy thoải mái “một cách miễn cưỡng” với việc giảm lãi suất khẩn cấp vì các ngân hàng trung ương khác cũng làm điều đó.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện tại lại rất khác.
Một yếu tố quan trọng khác cần cân nhắc là cách nhìn nhận của công chúng. Nếu Fed đột ngột cắt giảm lãi suất, người dân có thể đặt câu hỏi: Liệu ngân hàng trung ương đại diện cho nền kinh tế lớn nhất thế giới biết điều gì mà mọi người không biết? Điều này có thể dẫn đến tâm lý hoảng loạn không đáng có.
Janet Yellen, hiện là Bộ trưởng Tài chính Mỹ, từng bày tỏ lo ngại tương tự trong một cuộc họp năm 2008: "Tôi lo ngại rằng nó có thể bị coi là dấu hiệu hoảng loạn của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang Mỹ (FOMC) và bằng cách nào đó chỉ ra sai lầm rằng chúng ta có thông tin nội bộ cho thấy mọi thứ thậm chí còn tồi tệ hơn thị trường đã nghĩ”.
Bà lo ngại việc thực hiện giảm lãi suất khẩn cấp có thể được xem là “một phản ứng thái quá với báo cáo việc làm” (ý nói đến báo cáo việc làm tháng 12/2007 được công bố 5 ngày trước cuộc họp Fed). Trong báo cáo này, tỷ lệ thất nghiệp tăng 0.3% lên 5%.
Hơn nữa, theo chia sẻ trong năm 2008 của ông Plosser, cựu Chủ tịch Fed Philadelphia, việc cắt giảm lãi suất ngay lập tức có thể không mang lại hiệu quả tức thì như mong đợi. Thông thường, phải mất khoảng một năm để các động thái về lãi suất được cảm nhận trong toàn bộ nền kinh tế.
Điều đáng chú ý là lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã và đang giảm mạnh do kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong tương lai. Điều này có thể giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho người đi vay, mà không cần đến một động thái đột ngột từ Fed.
Tóm lại, dù áp lực từ thị trường là rất lớn, nhưng khả năng Fed đưa ra một đợt cắt giảm lãi suất khẩn cấp là rất thấp. Thay vào đó, họ có thể sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các chỉ số kinh tế và đưa ra quyết định phù hợp tại cuộc họp chính thức tiếp theo.