VinaCapital muốn làm dự án sản xuất than sinh học và phát triển rừng bền vững ở Quảng Trị
VinaCapital muốn làm dự án sản xuất than sinh học và phát triển rừng bền vững ở Quảng Trị
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị mới đây có văn bản gửi UBND tỉnh về đề xuất nghiên cứu, hợp tác đánh giá tính khả thi của dự án sản xuất than sinh học từ phụ phẩm rừng và dự án phát triển rừng bền vững trên địa bàn tỉnh của Tập đoàn VinaCapital.
Theo Sở NN&PTNT cho biết ngày 15/07/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 2316/SNN-KHTC về việc chuẩn bị nội dung làm việc với Tập đoàn VinaCapital về dự án sản xuất than sinh học từ phụ phẩm rừng và dự án phát triển rừng bền vững.
Đối với dự án sản xuất than sinh học từ phụ phẩm rừng, theo Sở NN&PTNT, dự án sẽ sử dụng nguyên liệu từ phụ phẩm rừng sản xuất như cành nhỏ, lá, rễ cây,... bị bỏ lại mặt đất sau mỗi đợt thu hoạch để sản xuất than sinh học. Qua theo dõi, nhận thấy thực trạng khai thác rừng trồng sản xuất trên địa bàn tỉnh, quá trình khai thác các phụ phẩm (cành nhỏ, lá, rễ cây,…) bị bỏ lại chiếm tỷ lệ khoảng 15% trong tổng trữ lượng rừng, không tạo ra nguồn thu cho chủ rừng.
Nếu dự án được triển khai sẽ tiêu thụ phần phụ phẩm này, tạo thêm nguồn thu cho chủ rừng, góp phần thêm vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhu cầu tăng cao về thu mua nguyên liệu này sẽ thúc đẩy quá trình mở rộng diện tích rừng trồng sản xuất trên đất lâm nghiệp chưa có rừng, phát triển sản xuất lâm nghiệp (từ các khâu cây giống, trồng, chăm sóc, đến khai thác rừng,...) từ đó sẽ góp phần làm tăng tỷ lệ che phủ rừng, tạo ra nhiều việc làm trực tiếp và gián tiếp cho lao động địa phương, góp phần nâng cao giá trị gia tăng rừng trồng sản xuất, đưa lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, cũng như tăng thêm nguồn thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Đối với dự án phát triển rừng bền vững: Việc triển khai khai các hoạt động kéo dài chu kỳ khai thác gỗ rừng trồng sẽ tăng khả năng cung cấp gỗ lớn có giá trị cao từ rừng trồng, phù hợp với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế từ rừng.
Đánh giá sự phù hợp của các dự án đối với quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, Sở NN&PTNT cho hai dự án trên phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển lâm nghiệp tỉnh giai đoạn 2019-2025, định hướng đến 2030.
Theo Sở NN&PTNN, tỉnh Quảng Trị có tổng diện tích rừng và đất quy hoạch phát triển rừng là 277,899ha; trong đó: diện tích rừng 248,190ha (rừng tự nhiên 126,694ha, rừng trồng 121,495ha), đất quy hoạch phát triển rừng 29,710ha. Tỷ lệ che phủ rừng toàn tỉnh duy trì ổn định, đạt 49.4% năm 2023. Cây rừng với chức năng hấp thụ và lưu giữ carbon, qua đó tỉnh Quảng Trị với diện tích rừng lớn là một địa phương có tiềm năng trong lĩnh vực cung cấp tín chỉ carbon từ rừng. Các khu rừng tự nhiên với chất lượng rừng tốt sẽ có khả năng hấp thụ CO2 cao hơn các loại rừng trồng, cây nông nghiệp. Bằng cách đầu tư vào công tác phát triển rừng, bảo môi trường giúp giảm hoặc ngăn chặn phát thải khí nhà kính chúng ta sẽ trực tiếp góp phần bảo vệ môi trường và tạo ra sự thay đổi tích cực cho tương lai.
Với diện tích rừng lớn, khả năng hấp thụ CO2 cao, tỉnh Quảng Trị có tiềm năng trong việc bán tín chỉ carbon trong thời gian tới, Sở NN&PTNT đánh giá.
Các cánh rừng nằm ven hồ thủy điện Quảng Trị. Ảnh: Thanhnien
|
Ngày 26/07/2024, Cục Lâm nghiệp có văn bản số 1108/LN-KH&HTQT về việc thông tin về tình hình triển khai dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng, theo đó Cục lâm nghiệp khuyến nghị các các địa phương một số nội dung sau: (1) Dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon rừng là vấn đề mới, hiện mới được thí điểm tại 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể để triển khai, đang tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện;
(2) Việc thương mại, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon rừng với các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế phải tuân thủ quy định pháp luật và chỉ được thực hiện đối với lượng giảm phảt thải dôi dư sau khi đã hoàn thành trách nhiệm đóng góp NDC theo hạn ngạch được phân bổ;
(3) Các địa phương chủ động huy động và lồng ghép các nguồn lực hợp pháp để triển khai các biện pháp giảm phát thải/tăng hấp thụ trên diện tích rừng quản lý để triển khai Kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực lâm nghiệp tại Quyết định số 1693/KH-BNN-KHCN ngày 28/04/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm cơ sở đề xuất, triển khai các dự án chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng.