Chuyển đổi công nghiệp - động lực mới phát triển bền vững tại TPHCM
Chuyển đổi công nghiệp - động lực mới phát triển bền vững tại TPHCM
Chuyển đổi công nghiệp là nhu cầu thiết yếu của TPHCM nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, tăng khả năng kết nối và nâng cao vị thế của TPHCM trên thị trường quốc tế.
Sáng ngày 12/09/2024, lãnh đạo TPHCM tổ chức họp báo Đối thoại hữu nghị TPHCM lần thứ 2/2024 và Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5 năm 2024 (HEF 2024).
Các lãnh đạo trao đổi tại buổi họp báo sáng ngày 12/09/2024.
|
Tại họp báo, ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TPHCM chia sẻ tầm quan trọng của việc chuyển đổi công nghiệp tại TPHCM.
Chuyển đổi công nghiệp (Industrial Transformation) là quá trình thay đổi có tính chất nền tảng các ngành công nghiệp, do ứng dụng tiến bộ công nghệ, thay đổi mô hình kinh doanh nhằm hướng tới phát triển bền vững, nâng cao khả năng cạnh tranh. Ở cấp độ thành phố, đó là sự chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp, theo hướng từ bỏ hoặc nâng cấp một số ngành truyền thống và/hoặc phát triển các ngành mới, có giá trị gia tăng cao và bền vững. Ở cấp độ doanh nghiệp, đó là quá trình đổi mới sáng tạo, ứng dụng các thành tựu của CMCN 4.0 nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và chủ động thích ứng với yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.
Quá trình chuyển đổi công nghiệp của Thành phố tập trung vào một số nội dung chính sau:
- Chuyển đổi kép: Là việc chuyển đổi song song, tích hợp hai xu hướng Chuyển đổi xanh và Chuyển đổi số để khai thác lợi ích của việc cộng sinh. Chuyển đổi kép đã được nhiều quốc gia tập trung thực hiện và trở thành xu hướng tất yếu của tương lai.
- Chuyển đổi sang công nghiệp công nghệ cao và/hoặc ứng dụng công nghệ cao để nâng cấp chuỗi giá trị: (1) Thành phố định hướng phát triển công nghiệp theo hướng công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tự động hóa sản xuất, sử dụng ít lao động, nhà máy thông minh, sản xuất sản phẩm thông minh; (2) Đối với các ngành truyền thống như thực phẩm chế biến, dệt may, và cao su nhựa, Thành phố hướng đến nâng cấp chuỗi giá trị thông qua việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, tập trung sản xuất chế biến các sản phẩm tinh, chế biến sâu, có giá trị gia tăng lớn; (3) Ngoài ra, Thành phố còn định hướng tiếp tục phát triển mạnh các ngành dịch vụ hỗ trợ công nghiệp.
Sự cần thiết của chuyển đổi công nghiệp đối với TPHCM
TPHCM là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của cả nước; kết nối và ảnh hưởng sâu rộng đến vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long. TPHCM có vị trí chiến lược; nằm trong vùng động lực phía Nam gồm tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu; đồng thời nằm trong hành lang kinh tế Mộc Bài - TP.HCM - Vũng Tàu với chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TPHCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. So với cả nước, TPHCM có diện tích chỉ bằng 0.63%, chiếm 9.4% dân số nhưng đóng góp 15.9% GDP, 26.4% tổng thu ngân sách, 39.9% khách du lịch quốc tế, 18.6% số trường đại học đặt tại đây với 31.5% số sinh viên đại học.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, vị thế và vai trò trung tâm của TPHCM so với cả nước chưa tương xứng và có xu hướng giảm sút: Tỷ trọng kinh tế Thành phố so với cả nước giảm; số lượng doanh nghiệp đông (gần 300,000) nhưng chưa mạnh (97% nhỏ và vừa, sức cạnh tranh còn yếu); tỷ trọng xuất khẩu giảm nhanh, chỉ còn 12% cả nước (năm 2023); tỷ trọng đóng góp của ngành công nghiệp trong nền kinh tế giảm dần (năm 2022 chỉ còn chiếm 19% GRDP, so với trung bình cả nước là 32%). Đáng lo ngại hơn, trong những năm qua, kinh tế Thành phố phát triển cơ bản theo chiều rộng, nên động lực tăng trưởng cạn dần. Hạ tầng công nghiệp hạn chế và không đáp ứng phát triển theo chiều rộng; diện tích đất KCN trên địa bàn TP.HCM đạt 5,921ha, chỉ chiếm 2.81% so cả nước, với giá đất ngày càng đắt đỏ. Do đó, TP.HCM cần tái cơ cấu nền kinh tế hay chuyển đổi công nghiệp với nội hàm chuyển đổi kép và nâng cấp chuỗi giá trị, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, từ đó tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.
Về bối cảnh quốc tế, xu hướng phát triển bền vững đang trở nên phổ biến, với trọng tâm là giảm phát thải để ứng phó biến đổi khí hậu. Các thị trường xuất khẩu ngày càng đưa ra yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe về môi trường đối với sản phẩm hàng hóa. Các FTA thế hệ mới gắn thương mại với phát triển bền vững và trách nhiệm của doanh nghiệp. Các chuẩn mực chung về phát triển bền vững như ESG, IFRS; GRI, CSR… dần phổ biến và chuyển từ tự nguyện sang bắt buộc. Nếu không chuyển đổi và tuân thủ, các doanh nghiệp (kể cả xuất khẩu hay không xuất khẩu) đều có nguy cơ mất thị trường.
Chủ trương của Đảng về CNH-HĐH theo Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 17/11/2022 về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nói rõ yêu cầu chuyển đổi ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao; từ thâm dụng tài nguyên, năng lượng sang các ngành công nghiệp xanh, phát thải carbon thấp, đồng thời thúc đẩy dịch vụ hoá các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; tiếp tục cơ cấu lại các ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số, phát triển các loại dịch vụ mới của nền kinh tế số. Các chủ trương và chính sách về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và các ứng dụng CMCN 4.0 đang từng bước hoàn thiện và triển khai trên thực tế.
Chuyển đổi công nghiệp là nhu cầu cấp thiết của TPHCM nhằm:
Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, ngành và doanh nghiệp: Lựa chọn các ngành sản phẩm ưu tiên phát triển, các ngành tiềm năng và nâng cấp chuỗi giá trị một số ngành truyền thống; phát triển các ngành, sản phẩm mới thông qua đổi mới sáng tạo và ứng dụng CMCN 4.0.
Phát triển bền vững với trọng tâm giảm phát thải và thân thiện môi trường (tăng trưởng xanh), với mục tiêu đạt Net Zero sớm cho TPHCM. Thành phố dự kiến tập trung 4 trụ cột: (i) Đầu tư phi carbon; (ii) mua bán tín chỉ carbon và dịch vụ liên quan; (iii) tăng khả năng chống chịu và thích ứng với biến đổi khí hậu; (iv) xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn.
Tăng khả năng kết nối: Đáp ứng các yêu cầu mới về hội nhập, các tiêu chuẩn mới của thị trường quốc tế cả sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, từ đó tích hợp sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Nâng cao vị thế của TPHCM: Chuyển dịch công nghiệp tức phân công lại sản xuất kinh doanh với các lợi thế riêng có còn nhằm đáp ứng nhu cầu nâng cấp, định vị lại vai trò của Thành phố trong mối quan hệ kinh tế với vùng Đông Nam Bộ và cả nước.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM chia sẻ, là địa phương có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước và tập trung các hoạt động kinh tế trọng điểm, TPHCM thấu hiểu khó khăn của các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi và mong muốn hỗ trợ các giải pháp kịp thời. Vì vậy, HEF 2024 hy vọng đem đến các bài học kinh nghiệm đa dạng từ các chuyên gia có thâm niên trong lĩnh vực này, nhằm tạo điều kiện phát triển và hỗ trợ các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi. Qua thời gian chuẩn bị và kết nối, HEF 2024 sẽ chính thức chào đón sự tham dự của hơn 40 địa phương, Bộ ngành quốc tế tại các nước bao gồm Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Ý, Úc, Ấn Độ…; trong đó có 16 cấp Thống đốc, Tỉnh trưởng, Phó Tỉnh trưởng, Thứ trưởng; đồng thời hoan nghênh sự có mặt của hơn 27 chuyên gia trong nước và quốc tế đã thành công trong lĩnh vực chuyển đổi công nghiệp, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững, cùng các tổ chức quốc tế như Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), World Bank, FAO, UNDP, UNIDO, IFC, C4IR tại Malaysia xác nhận tham dự. Đối thoại Hữu nghị TPHCM (Ho Chi Minh City Friendship Dialogue - FD) lần thứ 2 năm 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp: Kinh nghiệm và các ưu tiên trong hợp tác phát triển” diễn ra từ ngày 23-24/09/2024. HEF 2024 với chủ đề “Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững Thành phố Hồ Chí Minh”, diễn ra từ ngày 24-27/09/2024. |