Chuyên gia VPBankS: Fed hạ lãi suất giúp dòng vốn quay lại Việt Nam cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025
Chuyên gia VPBankS: Fed hạ lãi suất giúp dòng vốn quay lại Việt Nam cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025
Fed hạ lãi suất dẫn đến dòng tiền di chuyển từ những thị trường đã tăng trưởng nóng sang các thị trường có kỳ vọng tăng trưởng cao hơn như Đông Nam Á, từ đó tạo động lực cho dòng vốn quay lại Việt Nam trong tương lai gần, có thể là cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Đó là nhận định của chuyên gia Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS) - tại buổi livestream “Khớp lệnh 16/09: Chu kỳ mới?”.
Ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường VPBankS
|
Làn sóng cắt giảm lãi suất cho thấy nền kinh tế thế giới suy yếu
Theo ông Sơn đánh giá, làn sóng cắt giảm lãi suất gần đây cho thấy bức tranh kinh tế thế giới đang có rất nhiều vấn đề, trong đó yếu tố tăng trưởng đang là mối bận tâm lớn nhất của các NHTW và các quốc gia trong thời điểm này, chứ không còn là lạm phát. Bối cảnh kinh tế hiện tại tạo ra nhiều nỗi lo và khả năng xảy ra một cuộc suy thoái nếu các NHTW không cắt giảm lãi suất.
Lạm phát cũng đang giảm trên toàn cầu, thậm chí giảm rất nhanh, nhiều chuyên gia cho rằng nếu không hạ lãi suất hợp lý thì lạm phát còn thấp hơn kỳ vọng của các NHTW, vì lãi suất đang ở mức cao nhất trong vòng một thập kỷ và kể cả hạ lãi suất bây giờ thì 3 - 6 tháng sau mới phản ánh đủ vào nền kinh tế.
Nguồn: VTV Money
|
Thời gian qua, NHTW châu Âu (ECB), NHTW Anh (BoE), NHTW Canada (BoC) là những đại diện đã hạ lãi suất rất nhanh. Riêng ECB tuần trước (09 - 13/09/2024) đã hạ lần thứ hai liên tiếp, đặc biệt là giảm lãi suất huy động 25 điểm cơ bản trong khi hạ lãi suất tái cấp vốn đến 60 điểm cơ bản, cho thấy mối lo về tăng trưởng và sự rạn nứt của nền kinh tế.
Nguồn: VTV Money
|
Theo thống kê, số NHTW dự kiến hạ lãi suất lên đến 57% trên toàn cầu, còn số NHTW gần đây tăng lãi suất chỉ còn khoảng 42%. Xu hướng trong thời gian tới là phần lớn các NHTW sẽ hạ lãi suất. Nhìn dài hạn hơn, lãi suất đi xuống sẽ dễ thở hơn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp bất động sản.
Nguồn: VTV Money
|
Động lực cho dòng vốn quay lại Việt Nam trong tương lai gần
Theo ông Sơn, không phải lần nào Fed hạ lãi suất cũng tích cực với thị trường chứng khoán (TTCK), đã không ít lần xuất hiện các đợt suy thoái.
Thống kê từ năm 1974 đến nay, thông thường việc hạ lãi suất trong trung và dài hạn sẽ tác động tích cực đến cả nền kinh tế và TTCK, dù có suy thoái hay không suy thoái. Fed hạ lãi suất thì 6 tháng sau TTCK có mức tăng rất tốt, sau đó một năm sẽ diễn biến rất mạnh mẽ. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những nhịp sụt giảm ngắn hạn, thậm chí giảm rất sâu trong giai đoạn này.
Về xu hướng dòng vốn, sau khi Fed hạ lãi suất, dòng tiền thường di chuyển từ những thị trường đã tăng trưởng nóng sang các thị trường có kỳ vọng tăng trưởng cao hơn. Vừa qua, các thị trường Đông Nam Á, châu Á huy động vốn rất tốt, điển hình như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Indonesia và Ấn Độ. Ngược lại, hành động bán ròng mạnh lại diễn ra ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, tạo ra sự phân hóa giữa các nhóm chỉ số.
Tín hiệu dòng vốn tại khu vực Đông Nam Á sẽ tạo động lực cho dòng vốn quay lại Việt Nam trong tương lai gần, có thể là cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025. Việt Nam cũng có nhiều câu chuyện để hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài, như việc nâng hạng hay nền kinh tế tăng trưởng cao hướng đến xuất khẩu, đa phương hóa, đa dạng hóa.
So sánh giữa các chỉ số tại thị trường Đông Nam Á và mới nổi (Emerging Market) nói chung, đối với các kỳ hạ lãi suất thường có diễn biến tương đối yếu, vì trong ít nhất ba kỳ gần đây thì lần nào cũng có suy thoái, nhưng khi Fed hạ lãi suất đến một mức đủ thấp thì các thị trường đều tăng rất tốt.
Do đó, ông Sơn nhận định rằng, dòng vốn sẽ chuyển dịch đến các thị trường Đông Nam Á, mới nổi nhưng không phải bây giờ, mà sẽ trong 1 - 2 năm tới, khi mặt bằng lãi suất về mức đủ hấp dẫn.
Nguồn: VTV Money
|
Nguồn: VTV Money
|
Một yếu tố nữa là về các dòng vốn liên quan đến TTCK Mỹ vẫn đang chảy vào thị trường tiền tệ rất mạnh, vì trong thời gian lãi suất rất cao, tài sản các quỹ thị trường tiền tệ đã lên mức kỷ lục (trên 6,000 tỷ USD) và còn có thể tiếp tục tăng. Lãi suất dự kiến có thể hạ trong thời gian tới nhưng vẫn rất cao, nên các quỹ tiền tệ vẫn huy động được tiền. Quỹ tiền tệ vốn có ba yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư, gồm thu nhập ổn định và rủi ro thấp; thanh khoản cao; lợi nhuận cao hơn lãi suất ngân hàng.
Ông Sơn cho biết, sau một giai đoạn hạ lãi suất đến mức nhất định, dòng tiền ở các quỹ tiền tệ này mới rút ra và quay lại thị trường, dự kiến tác động tích cực đến TTCK tăng trong trung và dài hạn.
Đặc biệt hơn, sau đợt Fed hạ lãi suất sắp tới là đến giai đoạn bầu cử tại Mỹ, thống kê gần đây thì thị trường rất yếu trước khi diễn ra bầu cử khoảng 1 - 2 tháng, các chỉ số tạo đáy đúng thời điểm diễn ra bầu cử và tăng trở lại khi bầu cử xong.
Hạ lãi suất tác động tích cực đến xu hướng của TTCK
Lãi suất giảm sẽ tạo động lực tích cực với nền kinh tế Việt Nam, đầu tiên là áp lực tỷ giá hạ nhiệt nhanh và không còn là mối lo của không chỉ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu mà với cả Chính phủ.
Thứ hai, chính sách tiền tệ của Việt Nam có nhiều dư địa hơn để nới lỏng, kết hợp với khó khăn vừa đối mặt do bão Yagi gây ra sẽ tạo thêm dư địa để hạ lãi suất, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp gặp khó khăn thông qua các gói vay nhằm tái thiết sau thiên tai. Đây cũng là môi tường rất tốt để có thêm các gói tín dụng giá rẻ, chương trình hỗ trợ về tài khóa như đầu tư công.
Ông Sơn dự báo rằng, nền kinh tế có những điều kiện dễ dàng hơn để phục hồi, chắc chắn sẽ tác động tích cực đến xu hướng của TTCK.
Lãi suất giảm sẽ tác động đến những doanh nghiệp đang vay nợ nhiều, tạo ra dư địa rất lớn và động lực để phục hồi. Các nhóm ngành được hưởng lợi điển hình như bất động sản, sản xuất và xuất khẩu.
Với nhóm ngân hàng, khi lãi suất giảm thì các ngân hàng cũng sẽ hạ lãi suất theo. Nhìn sâu hơn thì cấu trúc các ngân hàng ngày càng nghiêng về dịch vụ, trong khi thu nhập lãi thuần giảm dần. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phục hồi sẽ giúp ngân hàng giảm nợ xấu, giảm chi phí trích lập dự phòng, giúp sức khỏe ngân hàng thậm chí còn tốt hơn.