Cổ phiếu ngành bảo hiểm sau bão Yagi
Cổ phiếu ngành bảo hiểm sau bão Yagi
Tổng mức bồi thường tổn thất do bão số 3 (Yagi) được ước tính đã lên đến hơn 7,000 tỷ đồng tính đến ngày 12/9 và có lẽ sẽ chưa thể dừng lại ở con số này.
Con số bồi thường khủng
Bão số 3 (Yagi) có tốc độ tăng cấp nhanh nhất lịch sử các cơn bão hoạt động trong Biển Đông, với sức tàn phá vô cùng khó lường, diễn biến phức tạp, hiếm gặp, tàn phá các tỉnh miền núi phía Bắc, gây ra hậu quả nặng nề. Những con số mất mát, thiệt hại về con người, tài sản vẫn tiếp tục tăng lên từng giờ.
Cục Quản lý giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, tính đến 17h00 ngày 12/9, qua số liệu báo cáo từ doanh nghiệp bảo hiểm, các doanh nghiệp đã tiếp nhận thông tin khoảng hơn 9,000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới; ghi nhận 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về con người và tài sản ước tính khoảng 7,000 tỷ đồng. Đây mới chỉ là những số liệu sơ bộ do những tổn thất và giá trị chi trả bồi thường bảo hiểm vẫn chưa thống kê được toàn diện, đầy đủ.
Các công ty bảo hiểm cập nhật ước tính bồi thường tổn thất do bão Yagi
Nguồn: Người viết tổng hợp
|
Trong số các đơn vị bảo hiểm cập nhật về tình hình giải quyết bồi thường cho khách hàng bị thiệt hại, Bảo hiểm PVI hiện là doanh nghiệp ước tính số tiền bồi thường cao nhất. Tính đến chiều 11/9, PVI ghi nhận hơn 500 vụ tổn thất về tài sản, ước tổng mức khiếu nại tổn thất hơn 2,000 tỷ đồng (không bao gồm tổn thất về bảo hiểm xe cơ giới và con người).
Doanh nghiệp đánh giá, đây có thể tổn thất lịch sử không mong muốn của ngành bảo hiểm Việt Nam và Bảo hiểm PVI nói riêng. Tuy nhiên, Bảo hiểm PVI khẳng định, vẫn sẽ đảm bảo quyền lợi tối đa cho khách hàng với thời gian nhanh nhất.
Áp lực bồi thường gây ra nhiều hệ lụy
Thiên tai không chỉ gây tổn thất về con người và tài sản mà còn tạo áp lực rất lớn đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trong việc chi trả bồi thường cho khách hàng. Tỷ lệ bồi thường cao luôn là nỗi lo của các doanh nghiệp bảo hiểm cũng như cơ quan quản lý, bởi điều này có thể khiến doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán, dẫn đến nhiều hệ lụy tiêu cực cho doanh nghiệp, khách hàng và cả ngành bảo hiểm.
Sau một thảm họa thiên nhiên, số lượng yêu cầu bồi thường sẽ tăng đột biến. Tỷ lệ bồi thường tăng làm giảm lợi nhuận trong ngắn hạn và đặc biệt có thể ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp bảo hiểm, nếu không có đủ dự phòng tài chính.
Không chỉ có doanh nghiệp bảo hiểm gốc chịu áp lực bồi thường, các công ty tái bảo hiểm cũng chịu ảnh hưởng khi phải trả tiền cho các hợp đồng tái bảo hiểm với công ty bảo hiểm chính, tạo áp lực dây chuyền cho cả ngành bảo hiểm.
Mặt khác, nhà bảo hiểm gốc thường mua tái bảo hiểm để giảm rủi ro khi xảy ra các sự kiện lớn. Qua đó, phí tái bảo hiểm cũng sẽ có xu hướng tăng, làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm chính.
Không những thế, việc phải chi trả một lượng lớn tiền bồi thường có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp bảo hiểm trong dài hạn, tạo ra thách thức để duy trì niềm tin khách hàng.
Để quản trị rủi ro, sau các sự kiện thiên tai lớn, các nhà bảo hiểm thường xem xét lại mô hình định giá rủi ro của mình, đặc biệt đối với các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Từ đó có thể dẫn đến thay đổi chính sách, tăng phí bảo hiểm hoặc giảm phạm vi bảo hiểm.
Tâm lý tiêu cực bao trùm
Đối mặt với áp lực bồi thường lớn, giá cổ phiếu của các công ty bảo hiểm thường giảm ngay lập tức do lo ngại về khả năng chi trả và tổn thất tài chính khiến nhà đầu tư có xu hướng bán tháo cổ phiếu khi có tin tức về các sự kiện thảm họa. Tuy nhiên xu hướng biến động giá cổ phiếu của các công ty này còn phục thuộc vào nhiều yếu tố khác như mức độ thiệt hại, khả năng tài chính và chiến lược của từng doanh nghiệp.
Biến động giá cổ phiếu bảo hiểm phiên 17/09 so với phiên 06/09/2024
Nguồn: VietstockFinance
|
Tính đến phiên 17/9, giá cổ phiếu doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đều sụt giảm so với phiên 6/9, giảm từ 1-9%.
Diễn biến giá cổ phiếu bảo hiểm tính đến phiên 17/09/2024
Nguồn: VietstockFinance
|
Về thiệt hại tài chính ngắn hạn, các sự kiện bồi thường lớn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của công ty trong các quý tiếp theo, làm giảm kỳ vọng về khả năng sinh lời ngắn hạn.
Thông thường, trước những sự kiện bồi thường lớn, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chuyển từ các khoản đầu tư rủi ro cao (như cổ phiếu) sang các tài sản an toàn hơn như trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu có lợi suất cố định, hay gửi tiết kiệm ngân hàng, nhằm giảm thiểu rủi ro đầu tư và bảo toàn vốn, giúp ổn định dòng tiền, đảm bảo thanh khoản để tránh những biến động không lường trước.
Diễn biến VN-Index tính đến phiên 17/09/2024
Nguồn: VietstockFinance
|
Do đó, không chỉ nhóm cổ phiếu bảo hiểm bị ảnh hưởng, việc giảm nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp bảo hiểm là một phần nguyên nhân khiến thị trường cổ phiếu biến động sau sự kiện lớn, trước tâm lý bi quan của nhà đầu tư.
Tiềm năng tăng trưởng sau giai đoạn điều chỉnh
Chung quy lại, giá cổ phiếu của các công ty bảo hiểm thường giảm ngay sau sự kiện bồi thường lớn do thiệt hại tài chính và tâm lý tiêu cực. Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, nhiều công ty bảo hiểm sẽ có xu hướng hồi phục và thậm chí tăng trưởng nếu họ có chiến lược quản lý rủi ro tốt và tận dụng được cơ hội tăng trưởng từ việc tăng nhu cầu bảo hiểm.
Sự kiện lớn trong quá khứ có thể tạo ra nhu cầu bảo hiểm cao hơn trong dài hạn. Người dân và doanh nghiệp sau khi trải qua thảm họa thường có xu hướng tìm mua thêm các sản phẩm bảo hiểm để bảo vệ tài sản và giảm thiểu rủi ro. Điều này mở ra cơ hội tăng trưởng cho các công ty bảo hiểm.
Ngoài ra, các sự kiện thảm họa lớn đôi khi khiến một số công ty bảo hiểm nhỏ hoặc yếu kém gặp khó khăn hoặc phải rút lui khỏi thị trường. Những công ty bảo hiểm lớn hơn, có khả năng tài chính mạnh, có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng thị phần, dẫn đến giá cổ phiếu tăng trong tương lai.
Diễn biến giá cổ phiếu Munich Re đến phiên 17/09/2024
Nguồn: tradingview
|
Thảm họa động đất sóng thần Tohoku xảy ra vào ngày 11/3/2011 khiến hơn 15,893 người thiệt mạng, 6,152 người bị thương và 2,572 người mất tích tại 18 tỉnh của Nhật Bản và hơn 125,000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Ngay sau sự kiện, giá cổ phiếu của các công ty tái bảo hiểm lớn nhất thế giới trên thị trường châu Âu đồng loạt giảm. Trong đó, cổ phiếu của Munich Re - hãng tái bảo hiểm lớn nhất thế giới ghi nhận mức giảm 5.4% trong ngày 14/3 do khoản bồi thường bảo hiểm khổng lồ. Sau các sự kiện thảm họa lớn, giá cổ phiếu Munich Re đã hồi phục nhờ có các biện pháp quản lý rủi ro và tăng cường vốn dự phòng.
Diễn biến giá cổ phiếu Allianz đến phiên 17/09/2024
Nguồn: tradingview
|
Một trường hợp khác là giá cổ phiếu Allianz - tập đoàn bảo hiểm và tái bảo hiểm lớn thế giới đã “rơi tự do” trước áp lực bồi thường khổng lồ cho các tài sản đầu tư của khách hàng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Sau khi rơi về đáy, giá cổ phiếu đã tăng trưởng đáng kể trong những năm sau đó nhờ chính sách quản lý rủi ro và phát triển các dòng sản phẩm bảo hiểm mới (bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm tài chính).