Có rất ít thương hiệu Việt được thế giới biết đến
Có rất ít thương hiệu Việt được thế giới biết đến
Hiện Việt Nam có rất ít thương hiệu được thế giới biết đến, điều này đòi hỏi cần nỗ lực định vị thương hiệu hơn.
Sáng ngày 30-9, Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh phối hợp với các đối tác liên quan tổ chức hội thảo: "Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập toàn cầu".
Hội thảo: "Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập toàn cầu" |
Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tại Quyết định số 253 ngày 25-11-2003, nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.
Sau hơn 20 năm thực hiện Đề án, nhiều thương hiệu quốc gia Việt Nam đã khẳng định uy tín và vị thế ngày càng cao trên trường quốc tế, đồng thời thể hiện sự chủ động và tầm vóc Việt Nam trong hội nhập quốc tế.
Theo đánh giá của Tổ chức tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới - Brand Finance, thương hiệu quốc gia Việt Nam có tốc độ tăng trưởng 102% trong giai đoạn từ năm 2019 - 2023.
Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2023 đạt 498,13 tỉ USD tăng 15,6% so với năm 2022 và liên tục tăng trưởng 2 con số trong 5 năm qua, xếp thứ 33 trong top 121 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới được xếp hạng.
PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chia sẻ trong bối cảnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng gay gắt, biến động địa chính trị diễn ra mạnh mẽ đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải ngày càng lớn mạnh, chủ động ứng phó với các tình huống, trong đó có giải pháp xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh kết quả tích cực, so với quốc tế, Việt Nam có ít thương hiệu doanh nghiệp lớn. "VinFast, Viettel là một trong số ít các doanh nghiệp đang định vị thương hiệu trên thị trường thế giới, song so với thế giới Việt Nam vẫn có rất ít thương hiệu lớn mạnh" - PGS-TS Bùi Quang Tuấn đánh giá.
Một trong những hạn chế là nhận diện thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới còn khiêm tốn.
Ở thị trường trong nước, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho hay thương hiệu Việt Nam vẫn mạnh ở lĩnh vực ngân hàng, thực phẩm - đây vốn là những lĩnh vực truyền thống.
"Chúng ta phải biết rằng có thương hiệu sẽ chơi được với đối tác lớn, học hỏi vươn lên ở thị trường quốc tế" - ông Thành đánh giá.
Thùy Linh