Để ngành vi mạch bán dẫn cất cánh
Để ngành vi mạch bán dẫn cất cánh
Cuối tháng 2-2024, Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) đã ký kết hợp tác với công ty Siemens EDA (thuộc Tập đoàn Siemens, Đức), trở thành là đối tác thứ 3 của SHTP - cùng với Synopsys và Cadence (Mỹ) - trong việc cung cấp các công cụ thiết kế chip tiên tiến nhất, tham gia hỗ trợ đào tạo giúp nâng cao năng lực nhân lực lĩnh vực vi mạch cho TPHCM.
Hiện ba doanh nghiệp này chiếm hơn 80% thị phần toàn cầu trong cung cấp các công cụ, phần mềm tự động hóa thiết kế vi mạch.
Chưa kể, nhà máy đóng gói chip do công ty Besi (Hà Lan) đầu tư cũng chọn SHTP là đối tác tiếp theo. Nhà máy của Besi được đầu tư các thiết bị đóng gói vi mạch hàng đầu của thế giới phục vụ cho nhu cầu trong nước và một số quốc gia Đông Nam Á.
Như vậy, cùng 4 đối tác lớn nêu trên, SHTP đã và đang từng bước hoàn thiện quy trình từ đào tạo nguồn nhân lực, công cụ, phần mềm thiết kế vi mạch bán dẫn và đóng gói chip, là cơ sở để kinh tế thành phố tạo lợi thế cạnh tranh, tiếp tục thu hút đầu tư trong giai đoạn mới.
Và đó là nền tảng vững chắc để ngày 6-9 vừa qua, UBND TPHCM đã ký ban hành Chiến lược phát triển vi mạch, trong đó SHTP được định hướng đến năm 2030 trở thành một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của quốc gia, có hệ sinh thái vi mạch bán dẫn mạnh.
Trên cơ sở của Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch giai đoạn 2013 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do UBND TPHCM xây dựng từ năm 2012; đến năm 2017, Chương trình có điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp thực tiễn. Mới nhất, trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã xác định “Đầu tư dự án trong lĩnh vực công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip… có quy mô vốn đầu tư từ 30,000 tỷ đồng trở lên.”
Để cụ thể hóa các mục tiêu của Chiến lược phát triển vi mạch bán dẫn, TPHCM sẽ xây dựng Trung tâm vi mạch bán dẫn, cảm biến MEMS (vi cơ điện tử) và Viện Công nghệ tiên tiến và Đổi mới sáng tạo TPHCM để tạo nền tảng chung nhằm khai thác và triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc hình thành nên các sản phẩm thương mại có hàm lượng khoa học cao, góp phần phát huy thế mạnh của mối quan hệ “cộng sinh” nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp trong sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn.
Hiện Trung tâm điện tử vi mạch bán dẫn thuộc SHTP đã đi vào hoạt động tròn 1 năm, đơn vị này hợp tác với doanh nghiệp để chuẩn bị cho việc đào tạo nhân lực. ESC đã tổ chức nhiều khóa đào tạo kỹ năng thiết kế vi mạch cho các sinh viên, giảng viên các trường đại học tại TPHCM và một số tỉnh như Đồng Nai, Bình Dương... Cùng với đó, SHTP sẽ mở rộng quy mô, chất lượng chương trình đào tạo lao động kỹ thuật cao lĩnh vực vi điện tử.
Cũng là đơn vị trực thuộc SHTP, Vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao được nâng cấp thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo nhằm thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp cho các doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế lõi vi mạch mềm và phát triển vi mạch Việt Nam. Vườn ươm dự kiến thu hút 60 dự án ươm tạo, tốt nghiệp cho 5 doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp điện tử - vi mạch trong nước. Trong quá trình ươm tạo dự án, thành phố đặt mục tiêu phát triển ít nhất 60 sở hữu trí tuệ/lõi IP, định hướng xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của Việt Nam ra thế giới. Có ít nhất hai doanh nghiệp lĩnh vực thiết kế vi mạch và phát triển sản phẩm trên các vi mạch Việt có khả năng cạnh tranh với các công ty thiết kế nước ngoài.
Chiến lược cũng đặt ra mục tiêu thu hút đầu tư và hợp tác quốc tế, trong đó Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) đặt tại Khu công nghệ cao TPHCM dự kiến hoạt động vào tháng 9 có vai trò là nền tảng kết nối các chuyên gia, tổ chức quốc tế và các tập đoàn kinh tế lớn triển khai các hoạt động thử nghiệm chính sách, thử nghiệm công nghệ trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. C4IR cũng có vai trò hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại TPHCM tiếp cận, hấp thu hiệu quả công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn của thế giới.
Rõ ràng, khi định hướng chiến lược đã được xác lập và “phân vai”, các cơ sở như kiểu mô hình SHTP đã và đang hoạt động, phát huy hiệu quả nhiều năm qua ở 3 trung tâm lớn là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng góp phần tạo nên một hệ sinh thái cho lĩnh vực công nghệ vi mạch phát triển căn cơ; giờ cộng thêm các chuẩn bị bài bản cho đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật thì biến tiềm năng thành nội lực quốc gia - thành phố trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn là điều trong tầm tay.
Tất nhiên, cùng với đó là các cơ chế, chính sách để khơi thông sức sáng tạo, đổi mới, phát triển cho lĩnh vực này cần được đồng bộ, nhất quán, tương ứng. Trong đó cần đến các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và thu hút lực lượng chuyên gia, nhà khoa học người Việt Nam ở nước ngoài về trong nước.