Ngân hàng thương mại khó giảm lãi suất cho vay?
Ngân hàng thương mại khó giảm lãi suất cho vay?
Nhu cầu tín dụng từ doanh nghiệp và người tiêu dùng đang tăng lên, nhất là gần về cuối năm, dẫn đến nhu cầu huy động vốn của ngân hàng cũng tăng theo. Để đáp ứng nhu cầu này, từ tháng 4, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động, nhằm thu hút thêm vốn từ dân cư và doanh nghiệp.
Áp lực chi phí vốn
Các ngân hàng cũng tăng cường cạnh tranh nhau thông qua việc thay đổi lãi suất huy động, nhằm thu hút khách hàng. Cạnh tranh thị phần tạo ra làn sóng tăng lãi suất trong hệ thống ngân hàng, gây áp lực lên chi phí vốn - bài toán luôn hiện hữu và làm đau đầu ban điều hành ngân hàng.
Trong bối cảnh này, chủ trương tiếp tục giảm lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể không dễ dàng thực hiện một cách đồng loạt, khi các ngân hàng thương mại vẫn đang phải đối mặt với bài toán thanh khoản và áp lực huy động vốn.
Khi lãi suất huy động tăng, nhưng ngân hàng buộc phải giảm lãi suất cho vay thì biên lợi nhuận chắc chắn bị thu hẹp; đặc biệt đối với các ngân hàng có cơ cấu vốn mỏng hoặc phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn ngắn hạn.
Trước khi quyết định giảm lãi suất cho vay, các ngân hàng thường sẽ tính toán kỹ lưỡng, vì việc này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi nhuận, trong khi chi phí huy động vốn lại không giảm. Thay vì giảm lãi suất cho vay trên tất cả nhóm khách hàng, các ngân hàng có thể lựa chọn giảm lãi suất chỉ trên một số nhóm ưu tiên hoặc các gói vay đặc biệt, trong khi vẫn duy trì mức lãi suất cho vay cao với các đối tượng khác để bảo vệ lợi nhuận.
Chiến lược của từng ngân hàng
Mỗi ngân hàng thương mại có những chiến lược riêng trong việc quản lý chi phí vốn và lãi suất. Những ngân hàng có quy mô tài chính tốt hơn hoặc có cơ cấu vốn linh hoạt (như nhóm quốc doanh) có thể ngay lập tức giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN.
Tuy nhiên, các ngân hàng có cơ cấu tài chính yếu hơn hoặc phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn huy động từ tiền gửi không thể giảm lãi suất cho vay ngay lập tức. Họ có thể chọn cách chậm điều chỉnh hay chỉ giảm lãi suất cho vay đối với một số ít phân khúc có chọn lọc. Điều này phản ánh tính linh hoạt trong cách thức điều hành của từng ngân hàng, cũng như khả năng quản lý chi phí vốn trong điều kiện thị trường không đồng nhất.
Mặc dù NHNN có thể đưa ra chỉ đạo giảm lãi suất, nhưng việc thực thi trên thực tế phụ thuộc vào mức độ giám sát và chủ động thực hiện của từng ngân hàng thương mại. Một số ngân hàng có thể tăng cường các gói vay ưu đãi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoặc khách hàng cá nhân, nhưng việc giảm lãi suất trên toàn bộ danh mục cho vay có thể không diễn ra đồng loạt.
Việc giảm lãi suất còn phụ thuộc vào sự giám sát và chính sách quản lý của NHNN trong việc kiểm soát thị trường tín dụng và thanh khoản. Nếu NHNN siết chặt hơn các quy định và có biện pháp giám sát chặt chẽ, khả năng giảm lãi suất cho vay sẽ cao hơn. Tuy nhiên, nếu môi trường giám sát linh hoạt hơn, các ngân hàng có thể chọn cách giảm lãi suất không đồng đều.
Rủi ro nợ xấu
Một yếu tố quan trọng khiến nhiều ngân hàng thương mại không thể giảm ngay lãi suất cho vay là rủi ro nợ xấu. Sau giai đoạn kinh tế khó khăn do đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp và cá nhân vẫn đang gặp khó khăn trong việc phục hồi sản xuất. Việc này khiến các ngân hàng phải thận trọng hơn trong việc mở rộng tín dụng hoặc giảm lãi suất cho vay quá nhanh, nhằm tránh tình trạng nợ xấu gia tăng.
Các ngân hàng có thể tiếp tục ưu tiên những khách hàng có hồ sơ tín dụng tốt, trong khi giữ nguyên mức lãi suất cao đối với những khách hàng có độ rủi ro cao hơn. Qua đó, giúp ngân hàng cân đối lợi ích từ quản trị tối ưu danh mục tín dụng.
Để hỗ trợ doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại sẽ căn cứ vào năng lực và định hướng hoạt động kinh doanh của mình để có quyết định phù hợp. Việc này sẽ căn cứ vào chi phí vốn, rủi ro nợ xấu để làm cơ sở trong việc điều chỉnh lãi suất.
Sự linh hoạt trong chiến lược quản lý của từng ngân hàng thương mại cũng sẽ quyết định tỷ lệ và tốc độ giảm lãi suất cho vay. Các ngân hàng có thể chọn giảm lãi suất cho một số phân khúc khách hàng hoặc sản phẩm vay ưu đãi, trong khi vẫn duy trì mức lãi suất hợp lý với các nhóm khách hàng rủi ro hơn để bảo vệ biên lợi nhuận.