Nhân viên ngày càng nắm ít cổ phần tại MWG
Nhân viên ngày càng nắm ít cổ phần tại MWG
Thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) đã diễn ra trong những năm gần đây. Sự thoái lui của nhóm quản lý, nhân viên Công ty, cùng với cổ đông lớn, dẫn đến tình huống một lượng cổ phần đáng kể nay đã nằm trong tay những nhà đầu tư cá nhân trong nước.
Đầu tháng 9 này, Chủ tịch Công ty - ông Nguyễn Đức Tài - phát thông báo về ý định bán ra 1 triệu cp MWG. Trước đó 3 tháng, ông cũng vừa hoàn tất bán ra 2 triệu cp MWG.
Các giao dịch diễn ra giữa bối cảnh cổ phiếu MWG lầm lũi tăng trong năm nay, nhờ vào khả năng sinh lời cải thiện của Bách Hóa Xanh và sự phục hồi lợi nhuận của các chuỗi Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động. Tính đến 6/9, mức tăng cổ phiếu đã lên đến 59%, đưa tổng giá trị vốn hóa MWG tiệm cận ngưỡng 100 ngàn tỷ đồng.
Ngoài vị Chủ tịch, thêm 2 thành viên HĐQT Công ty là ông Robert Alan Willett và ông Đoàn Văn Hiểu Em cũng đã thực hiện các lệnh bán đáng chú ý. Theo thông tin từ báo cáo quản trị MWG, ông Willett đã bán 1.1 triệu cp vào đầu năm 2024, trong khi ông Hiểu Em giảm lượng sở hữu từ hơn 4 triệu cp xuống còn 2.8 triệu cp từ năm 2023 đến nay.
Dù lượng bán ra không lớn so với tổng số cổ phiếu lưu hành, các đợt giao dịch của lãnh đạo MWG vẫn thường thu hút sự chú ý của thị trường. Điều này có thể làm cổ đông bên ngoài cảm thấy quan ngại, bởi hoạt động mua bán cổ phiếu của người nội bộ thường được coi là dấu hiệu về mức độ tin tưởng vào triển vọng của doanh nghiệp.
Quan ngại càng trở nên rõ ràng khi nhìn vào một xu hướng đáng lưu ý khác: Tỷ lệ cổ phần nắm giữ bởi các quản lý và nhân viên MWG cũng giảm liên tục, từ mức 13.26% vào cuối năm 2018 xuống chỉ còn 5.27% vào cuối năm 2023.
Sự suy giảm đó phần nào là vì chính sách phát hành cổ phiếu ESOP của MWG đã không được triển khai trong 2 năm gần nhất, chủ yếu do tình hình kinh doanh khó khăn của hãng bán lẻ đa ngành này.
ESOP (Employee Stock Ownership Plan) là một kế hoạch của doanh nghiệp nhằm cung cấp cổ phiếu vào tay nhân viên, thường dưới hình thức là một phần của chế độ phúc lợi hoặc lương thưởng. Đây là cách các lãnh đạo MWG khuyến khích đội ngũ nhân sự tham gia vào sự thành công lâu dài và chia sẻ lợi ích khi Công ty phát triển.
Tại MWG, hoạt động phát hành ESOP được triển khai dựa trên đánh giá về hiệu quả lợi nhuận và thành tích cổ phiếu của doanh nghiệp hàng năm, được cổ đông thông qua tại các đại hội thường niên.
Năm 2022, chính sách ESOP không được thực hiện do MWG không đạt chỉ tiêu về tăng trưởng lợi nhuận sau thuế. Sang năm 2023, vì dự tính những khó khăn trong môi trường kinh doanh, HĐQT MWG đã quyết định không trình kế hoạch ESOP nhằm tránh gây áp lực thành tích đối với đội ngũ vận hành, theo một chia sẻ của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài trong kỳ đại hội thường niên năm đó.
Ngưng truyền thống
Kết quả kinh doanh suy giảm là lý do chính khiến MWG không phát hành ESOP cho 2 năm gần nhất - Năm 2023, lãnh đạo MWG không trình kế hoạch ESOP
- Năm 2022, MWG không đạt chỉ tiêu về lợi nhuận sau thuế để phát hành ESOP - Nguồn: Tài liệu, Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên MWG |
Rút lui
Nhà đầu tư lớn nước ngoài và nhân sự đều thoái lui Đvt: %
Nguồn: Báo cáo thường niên MWG
|
Sự suy giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhân viên diễn ra đồng thời với giai đoạn MWG tái cấu trúc hoạt động kinh doanh, bao gồm việc đóng cửa hàng trăm cửa hàng điện thoại, điện máy. Theo tìm hiểu của người viết, thu nhập của nhân sự tại các cửa hàng thuộc hệ thống Điện Máy Xanh, Thế Giới Di Động cũng giảm đáng kể.
Tính riêng năm 2023, thị trường chứng kiến lượng bán ròng lên tới 28.5 triệu cp từ quản lý và nhân viên MWG. Số lượng nhân sự tại doanh nghiệp giảm gần 8.6 ngàn người và MWG cũng phải chi tiền mua lại gần 1 triệu cp ESOP từ người lao động nghỉ việc.
Giảm sút
Trong vòng 2 năm, từ 2022-2023, số lượng nhân viên sở hữu cổ phần tại MWG đã giảm hơn 22% Đvt: Người
Nguồn: Báo cáo tài chính, báo cáo thường niên MWG
|
Trong năm 2023, cổ đông lớn tại MWG là nhóm quỹ ngoại thuộc Arisaig Partners cũng liên tục thoái vốn. Thị giá cổ phiếu sa sút đến mức thấp nhất năm vào đầu tháng 11. Báo cáo thường niên Công ty ghi nhận tỷ lệ sở hữu của tổng các nhà đầu tư lớn ngoại quốc (bao gồm 2 nhóm khác nhau là Arisaig và Dragon Capital) giảm từ mức 16.6% xuống chỉ còn 6.41%, tương ứng lượng bán ròng xấp xỉ 150 triệu cp.
Làn sóng bán ra của nhân viên và cổ đông lớn nước ngoài đã dẫn đến việc cổ phần MWG ngày càng rơi vào tay của nhóm nhà đầu tư nhỏ trong nước - vốn là những người có tần suất giao dịch cao hơn.
Khi lượng quản lý và nhân viên sở hữu cổ phiếu MWG giảm 750 người trong năm 2023 thì lượng nhà đầu tư nhỏ trong nước sở hữu MWG tăng đến 11,170 người. Đây là yếu tố lý giải cho mức thanh khoản gia tăng chóng mặt của MWG.
Tăng vọt
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nhỏ nội địa tăng vọt trong năm 2022-2023 Đvt: Người
MWG không công bố dữ liệu cụ thể về tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong nước (không phải cổ đông lớn) - Nguồn: Báo cáo thường niên MWG
|
Bùng nổ
Số lượng cổ phiếu giao dịch bình quân hàng ngày của MWG tăng phi mã trong 2 năm trở lại đây Đvt: Triệu cp
Dữ liệu tính đến hết ngày 06/09/2024 - Nguồn: VietstockFinance
|