Nhờ đâu khối ngoại giảm áp lực bán ròng trong tháng 8?
Nhờ đâu khối ngoại giảm áp lực bán ròng trong tháng 8?
Sau khi chạm đỉnh điểm bán ròng vào tháng 6/2024, khối ngoại giảm đáng kể lực bán ròng trong liên tiếp tháng 7 và tháng 8, phần nào tạo điều kiện cho sự trở lại của VN-Index.
Đà bán ròng tiếp tục hạ nhiệt
Giao dịch khối ngoại trong tháng 8 có sự phân hóa rõ rệt theo từng khung thời gian. Khởi đầu là loạt hành động không hề “dễ chịu”, tạo áp lực lên VN-Index và đã có lúc về dưới mốc 1,200 điểm.
Cụ thể, khối ngoại đã bán ròng đến 5 trên tổng số 6 phiên giao dịch đầu tiên của tháng, đỉnh điểm là phiên 07/08 có giá trị gần 1,400 tỷ đồng, với VHM bị “xả” mạnh nhất gần 720 tỷ đồng. Thời điểm đó, thông tin VHM dự chi gần 14 ngàn tỷ đồng để mua cổ phiếu quỹ vẫn không đủ hấp dẫn để giữ khối ngoại ở lại cổ phiếu này.
Nhưng kể từ đó, khối ngoại đảo chiều hành động khi liên tiếp mua ròng và dù có quay lại bán ròng vào cuối tháng nhưng mức độ cũng không quá mạnh. Điều này phần nào giảm bớt áp lực lên VN-Index và thực tế chỉ số đã tiến một mạch lên vùng 1,280 điểm.
Như vậy, sau khi chạm đỉnh điểm bán ròng vào tháng 6/2024, khối ngoại giảm đáng kể lực bán ròng trong liên tiếp tháng 7 và tháng 8, phần nào tạo điều kiện cho sự trở lại của VN-Index.
Tổng kết tháng 8, khối ngoại đã bán ròng hơn 4,455 tỷ đồng trên HOSE, nâng mức bán ròng lũy kế 8 tháng đầu năm 2024 lên hơn 65,795 tỷ đồng, nới rộng khoảng cách so với giá trị “khủng” hơn 56,208 tỷ đồng của năm 2021.
Trái với diễn biến hạ nhiệt trên HOSE, lực bán ròng lại tăng lên đáng kể trên HNX, giá trị hơn 228 tỷ đồng, gấp đôi tháng 7 và cũng đánh dấu tháng thứ hai liên tiếp bị bán ròng.
Tính chung hai sàn, khối ngoại bán ròng hơn 4,683 tỷ đồng trong tháng 8 và hơn 65,490 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2024.
Nhiều “ông lớn” bị bán ròng hàng ngàn tỷ, FPT xoay chuyển tình thế
Trở lại với HOSE, cổ phiếu của nhiều “ông lớn” trên sàn bị bán ròng mạnh mẽ, trong đó HPG bị bán ròng mạnh nhất gần 2,455 tỷ đồng, tiếp đến là VHM bị bán ròng hơn 2,179 tỷ đồng. Ngoài ra, có hai cổ phiếu khác bị bán ròng trên ngàn tỷ gồm VJC gần 1,426 tỷ đồng và TCB gần 1,058 tỷ đồng.
Chiều ngược lại, hai cổ phiếu được mua ròng trên ngàn tỷ gồm VNM gần 1,723 tỷ đồng và FPT hơn 1,315 tỷ đồng. Trong đó, FPT gây chú ý khi xoay chuyển hoàn toàn so với tình thế bị bán ròng mạnh nhất thị trường trong liên tiếp tháng 6 và tháng 7, giai đoạn làn sóng cổ phiếu công nghệ dần qua đi.
Trên HNX, PVI bị bán ròng gần 159 tỷ đồng, mạnh nhất sàn. Ngược lại, IDC dẫn đầu ở chiều mua ròng với giá trị gần 56 tỷ đồng, đây cũng là cổ phiếu thường xuyên góp mặt trong nhóm được mua ròng nhiều nhất hàng tháng.
Động thái nào cho tương lai?
Lực bán ròng của khối ngoại đã có dấu hiệu hạ nhiệt từ giai đoạn cuối tháng 7 và trở nên rõ ràng hơn trong nửa cuối tháng 8, cùng lúc với biến động giá USD trong nước đồng loạt lao dốc, trong bối cảnh sức mạnh đồng bạc xanh có dấu hiệu suy yếu trên thị trường quốc tế, khi triển vọng nới lỏng chính sách tiền tệ của Fed rõ ràng hơn.
Trên thị trường liên ngân hàng, ngày 19/08 ghi nhận tỷ giá giảm về dưới 25,000 VND/USD lần đầu tiên kể từ tháng 4/2024. Tỷ giá trung tâm ngày 31/08 được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh còn 24,224 VND/USD, tương ứng giảm 21 đồng so với đầu tháng và giảm 51 đồng so với mức đỉnh của 8 tháng đầu năm.
Có thể thấy, áp lực tỷ giá đã giảm sau khi trải qua 6 tháng đầu năm 2024 đầy căng thẳng. Nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh mẽ và Fed chậm hạ lãi suất đã hỗ trợ sức mạnh của DXY, chênh lệch lãi suất dương giữa USD và nhiều đồng tiền trên thế giới đã thu hút dòng tiền từ các thị trường mới nổi và cận biên (bao gồm Việt Nam) quay lại Mỹ. Với Việt Nam, áp lực tỷ giá còn gay gắt vào cuối quý 1 và đầu quý 2 khi nhu cầu mua USD của các doanh nghiệp FDI tăng lên.
Để ổn định tỷ giá, NHNN đã áp dụng các biện pháp điều phối thanh khoản VND trên thị trường liên ngân hàng như phát hành tín phiếu, cung tiền qua OMO, tăng lãi suất tín phiếu và OMO, thậm chí bán ngoại tệ để giảm bớt căng thẳng cung cầu.
Trao đổi với chúng tôi về chủ đề này, ông Võ Kim Phụng - Trưởng Phòng phân tích CTCP Chứng khoán BETA, việc rủi ro tỷ giá giảm dần khi Fed phát tín hiệu hạ lãi suất kỳ vọng sẽ giúp giảm áp lực tỷ giá. Bên cạnh đó, việc tỷ giá hạ nhiệt nhanh chóng trong thời gian vừa qua cũng tạo nhiều dư địa hơn cho NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng, hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp. Đây là hai trong số nhiều yếu tố đã giúp VN-Index có những phiên hồi phục ấn tượng và lấy lại điểm số trước đó.
Ngoài ra, thị trường đang kỳ vọng hướng đi chính sách sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh cho mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế, từ đó giúp Việt Nam duy trì được đà tăng trưởng tốt trong những năm tới.
Ông Phụng cho rằng, những yếu tố kể trên cùng với nhiều điểm sáng khác như tăng trưởng tín dụng khởi sắc, dữ liệu vĩ mô khả quan, các doanh nghiệp tiếp tục được kỳ vọng hồi phục lợi nhuận theo quý giúp định giá thị trường hấp dẫn hơn... đã giúp khối ngoại có sự tự tin trở lại với thị trường Việt Nam và từ đó giúp thu hẹp đà bán ròng trong tháng 8/2024. Việc này cũng góp phần giải tỏa áp lực tâm lý đối với nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong nước khi khối ngoại đã bán ròng liên tục trong 8 tháng đầu năm 2024.
Ông Đào Hồng Dương – Giám đốc Phân tích Ngành và Cổ phiếu – CTCK VPBank (VPBankS) cũng có cùng quan điểm. Lượng giao dịch ròng của nhà đầu tư nước ngoài có dấu hiệu tương quan thuận với biến động tỷ giá. Hiện nay tỷ giá đã hạ nhiệt và xu hướng tích cực với kỳ vọng Fed bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 9, có thể là một trong những nhân tố tác động giảm lượng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài.
Đối với TTCK Việt Nam, chính sách nới lỏng của Fed có thể sẽ có tác động tích cực kéo dài. Việc Fed nới lỏng sẽ tác động tới xu hướng chính sách tiền tệ của ECB, đồng thời hạn chế bớt sức mạnh của đồng USD và giảm áp lực lên tỷ giá tại Việt Nam. Khi áp lực tỷ giá trong tầm kiểm soát, Việt Nam sẽ có thêm dư địa chính sách tiền tệ để tiếp tục thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế trong quý 4/2024. Dễ thấy là cuối tháng 8, khi tỷ giá hạ nhiệt nhẹ thì lãi suất OMO và lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn ngắn cũng đã bắt đầu giảm.
Ông Dương cũng cho rằng, các thông tin xoay quanh khả năng nâng hạng thị trường cũng có thể tác động tích cực về mặt tâm lý đầu tư đối với cả nhà đầu tư trong nước và nước ngoài.