Thương vụ thâu tóm 14 tỷ USD của Nippon Steel có nguy cơ đổ bể
Thương vụ thâu tóm 14 tỷ USD của Nippon Steel có nguy cơ đổ bể
Trong một diễn biến đầy kịch tính, Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị can thiệp vào một trong những thương vụ sáp nhập gây tranh cãi nhất năm 2024.
Theo các nguồn tin thân cận, ông Biden chuẩn bị chặn đứng nỗ lực thâu tóm US Steel trị giá 14.1 tỷ USD của tập đoàn Nhật Bản Nippon Steel.
Thương vụ này đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh luận sôi nổi tại Pennsylvania, một tiểu bang chiến địa quan trọng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới. Tại đây, cả US Steel và công đoàn United Steelworkers - vốn phản đối thương vụ - đều đặt trụ sở chính.
"Chúng tôi vẫn giữ vững quan điểm rằng không có vấn đề an ninh quốc gia nào liên quan đến thương vụ này", US Steel khẳng định trong một tuyên bố vào tối ngày 04/09. Họ cam kết sẽ "theo đuổi mọi phương án có thể theo luật pháp" để đảm bảo thương vụ được hoàn tất.
Thỏa thuận đề xuất đã phải trải qua quá trình xem xét của Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), một tổ chức hoạt động kín đáo. Các nguồn tin thân cận cho biết Biden dự định sẽ phủ quyết thương vụ ngay khi CFIUS chuyển đề xuất lên bàn làm việc của ông. Quyết định có thể được đưa ra ngay trong tuần này.
CFIUS là một hội đồng các quan chức chính phủ xem xét các đề xuất của các tổ chức nước ngoài muốn mua lại các công ty hoặc tài sản tại Mỹ. Hội đồng này do Bộ Tài chính chủ trì, nhưng cũng bao gồm các thành viên từ các Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Tư pháp, Thương mại, Năng lượng và An ninh Nội địa. Vì hội đồng không bao giờ bình luận về các cuộc xem xét cá nhân và thường dựa vào thông tin mật để quyết định phản đối hay thông qua một thương vụ, các cuộc điều tra của họ thực sự là một hộp đen. |
Phản ứng của thị trường không mấy tích cực. Trong phiên 04/09, cổ phiếu US Steel lao dốc 17% tại New York, mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 4/2017.
Trong bối cảnh đó, một nguồn tin cho biết không có dấu hiệu cho thấy Nippon Steel có ý định tự nguyện rút lui. "Nippon Steel tin tưởng rằng chính phủ Mỹ phải xử lý vấn đề này một cách phù hợp theo luật pháp", một người phát ngôn của công ty Nhật Bản cho biết. "Ngay từ đầu quá trình xem xét quy định, chúng tôi đã nói rõ với chính quyền rằng chúng tôi không tin rằng thương vụ này tạo ra bất kỳ mối lo ngại nào về an ninh quốc gia”.
Hai tuần qua đã chứng kiến nhiều nỗ lực của Nippon Steel nhằm cứu vãn thương vụ. Họ đã đưa ra cam kết mới trị giá 1.3 tỷ USD và hứa hẹn sử dụng một hội đồng ủy quyền với đa số thành viên là người Mỹ. US Steel thậm chí còn cảnh báo rằng việc hủy bỏ thương vụ có thể dẫn đến việc đóng cửa một số nhà máy của họ.
Tuy nhiên, Biden dường như đã kiên định với lập trường của mình. Ông từ lâu đã cam kết rằng US Steel, một biểu tượng công nghiệp Mỹ, phải duy trì quyền sở hữu và điều hành trong nước. Phó Tổng thống Kamala Harris cũng chia sẻ quan điểm này, công khai bày tỏ lập trường tại một sự kiện Ngày Lao động ở Pittsburgh.
Trong khi đó, Donald Trump, đối thủ chính trị của Biden, cũng đã tuyên bố sẽ chặn thương vụ nếu ông được bầu làm Tổng thống.
Trong khi đó, những người ủng hộ đề xuất của Nippon Steel cho rằng Mỹ không nên từ chối một đề xuất từ một công ty có trụ sở tại một quốc gia đồng minh như Nhật Bản, đặc biệt là một đề xuất có thể tạo ra một thực thể chung có quy mô để cạnh tranh với Trung Quốc.
Nếu thương vụ này thật sự bị chặn, đây sẽ là một động thái hiếm có trong lịch sử. Chỉ có bảy thương vụ từng bị chặn thông qua CFIUS trước đây. Lần gần đây nhất là vào tháng 5, khi Biden ra lệnh cho một công ty tiền ảo Trung Quốc bán và rời khỏi khu đất gần một căn cứ không quân Mỹ.
Số phận của US Steel vẫn còn là một dấu hỏi lớn. Công ty đã cảnh báo rằng việc không hoàn thành thương vụ có thể đe dọa hàng ngàn việc làm và buộc họ phải từ bỏ một số cơ sở lò cao truyền thống, thậm chí có thể phải di dời trụ sở khỏi Pittsburgh.