Trung Quốc có thể sẽ sớm có nhiều thú cưng hơn… trẻ con!

14/09/2024 15:02
14-09-2024 15:02:00+07:00

Trung Quốc có thể sẽ sớm có nhiều thú cưng hơn… trẻ con!

Kết hôn được bảy năm, Hansen và cô vợ Momo hiện chăm sóc sáu “con nhỏ” tại căn hộ của mình ở trung tâm thành phố Bắc Kinh.

Tuy nhiên, họ áp dụng một thói quen nuôi dạy con hơi khác so với những ông bố bà mẹ thông thường: Chơi trò ném bắt với chúng và đưa chúng đi dạo hàng ngày.

Lý do: những “đứa trẻ” này không phải do họ sinh ra, mà là… thú cưng, và cặp đôi này yêu chúng đến mức gọi chúng là “con gái, con trai của chúng tôi”.

"Chúng là một phần trong gia đình chúng tôi. Chúng tôi là một gia đình lớn", Momo, người chỉ muốn được gọi bằng biệt danh do sợ có thể gặp rắc rối với chính quyền vì công khai nói về sự lựa chọn lối sống của mình - một lối sống trái ngược với nỗ lực thúc đẩy tỷ lệ sinh của Trung Quốc, cho biết.

Hansen và cô vợ Momo

Trung Quốc đang vật lộn với tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và lực lượng lao động đang giảm sút sau nhiều thập niên thực thi chính sách một con. Theo một nghiên cứu của Viện nghiên cứu dân số YuWa có trụ sở tại Bắc Kinh vào đầu năm nay, quốc gia này cũng là một trong những nơi đắt đỏ nhất thế giới để nuôi dạy trẻ em, hơn cả Úc và Pháp.

Sau khi chấm dứt chính sách một con vào năm 2016 và thực hiện một thay đổi lớn khác về chính sách sinh đẻ vào năm 2021, hiện chính phủ muốn các cặp vợ chồng sinh ba con nhưng chưa thành công trong việc thúc đẩy điều này.

Nhiều cặp vợ chồng Trung Quốc như Hansen, 36 tuổi, và Momo, 35 tuổi, không muốn sinh con. Thay vào đó, họ trở thành cha mẹ của… thú cưng.

Theo báo cáo nghiên cứu vào tháng 7 của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, đến cuối năm nay, số lượng thú cưng ở các thành phố của Trung Quốc dự kiến ​​sẽ vượt qua số lượng trẻ em từ bốn tuổi trở xuống.

Ngân hàng này còn dự báo rằng đến năm 2030, chỉ riêng số thú cưng ở các khu vực thành thị Trung Quốc sẽ gần gấp đôi số lượng trẻ nhỏ trên cả nước. Và nếu tính cả số lượng chó và mèo ở các vùng nông thôn, tỷ lệ sở hữu thú cưng của cả quốc gia này sẽ còn cao hơn nữa.

Các ước tính của Goldman Sachs phản ánh những giá trị thay đổi của một thế hệ không còn tuân theo tư duy truyền thống rằng hôn nhân là để sinh con và nối dõi.

Nền kinh tế thú cưng bùng nổ

Khi dự đoán doanh số bán thức ăn cho chó và mèo sẽ tăng đột biến, Goldman Sachs đã tiết lộ một xu hướng khiến các quan chức Trung Quốc “đau đầu”.

Vào năm 2022, dân số nước này ghi nhận mức giảm lần đầu tiên sau nhiều thập niên kể từ nạn đói năm 1961. Một năm sau, Trung Quốc đã bị Ấn Độ vượt qua để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Goldman nhận thấy thức ăn cho vật nuôi là một trong những ngành tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất tại Trung Quốc, dù mức chi vẫn còn yếu. Doanh số tăng trung bình 16% mỗi năm trong giai đoạn 2017-2023, tạo ra một ngành công nghiệp trị giá 7 tỷ USD. Báo cáo cho biết thêm, giá trị của ngành này dự kiến ​​sẽ tăng vọt lên 12 tỷ USD vào năm 2030. Trong trường hợp lạc quan nhất, thức ăn cho vật nuôi có thể trở thành ngành công nghiệp trị giá 15 tỷ USD tại Trung Quốc trong sáu năm.

Đây là điều khác xa so với hai thập niên trước, khi việc nuôi thú cưng vẫn được coi là một khái niệm của giai cấp “tư sản” và mọi người nuôi các giống chó lai với mục đích là để bảo vệ họ.

Và thậm chí cho đến bây giờ, việc nuôi thú cưng vẫn ở mức tương đối thấp, theo Goldman Sachs. Năm ngoái, tỷ lệ hộ gia đình nuôi chó ở các thành phố của Trung Quốc là 5.6%, thấp hơn đáng kể so với các nước láng giềng. Ở Nhật, tỷ lệ này là 17.5% vào năm 2009, theo báo cáo của Goldman Sachs.

Trong khi đó, dự đoán về tỷ lệ trẻ sơ sinh không mấy khả quan. Báo cáo dự đoán số ca sinh mới ở Trung Quốc sẽ giảm với tốc độ trung bình hàng năm là 4.2% trong giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2030 do số lượng phụ nữ trong nhóm tuổi từ 20 đến 35 sụt giảm, cũng như người trẻ không muốn sinh con.

Nhiều cặp đôi thấy khó khăn khi phải đối mặt với chi phí nuôi con ngày càng tăng trong thời kỳ kinh tế bất ổn. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều trở ngại, từ tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao đến cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài.

Hiện tại, chính quyền các cấp đang đưa ra một loạt ưu đãi, từ tiền mặt đến nhiều thời gian nghỉ phép chăm sóc con cái hơn, nhằm khuyến khích sinh đẻ - hoàn toàn trái ngược các biện pháp trước đây nhằm ngăn chặn tình trạng quá tải dân số.

Dẫu vậy, giống như nhiều nước láng giềng Đông Á khác, những phúc lợi mới không có nhiều tác dụng.

Dân số Trung Quốc đã giảm xuống còn 1 tỷ 409 triệu người vào năm ngoái, giảm trong hai năm liên tiếp. Tỷ lệ sinh của nước này cũng giảm xuống còn 6.39 ca sinh trên 1000 người, mức thấp nhất kể từ khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949.

Thay đổi tư duy

Tao, 38 tuổi, đang điều hành Space, một nhà nghỉ dành cho chó ở Bắc Kinh. Đối với cô, sở thích nuôi thú cưng ngày càng tăng nghĩa là công việc kinh doanh của cô sẽ phát triển thuận lợi.

Với kỳ nghỉ lễ quốc khánh của Trung Quốc đang đến gần, những người nuôi chó đang phải vất vả tìm người chăm sóc chó của họ trong mùa du lịch cao điểm bắt đầu vào ngày 1/10.

“Chúng tôi đã gần kín chỗ cho kỳ nghỉ đó”, cô nói.

Tao, người cũng chỉ cho biết biệt danh của mình, hiện nuôi hai chú chó và không có con. Cô cho biết từng bị gia đình gây áp lực để sinh con, nhưng cô biết đó không phải là cuộc sống mà mình muốn.

“Tôi thích lối sống của mình. Bạn đời và tôi sẽ đi du lịch rất nhiều. Tôi thích đi khám phá thế giới. Vì vậy, ý tưởng sinh con không đủ hấp dẫn đối với tôi”, cô nói.

Cô cảm thấy rằng tư duy của thế hệ trẻ đã thay đổi. “Tôi cảm thấy mọi người bắt đầu có suy nghĩ như kiểu, ‘Đây là điều tôi muốn’ hoặc ‘Đây là điều tôi thích cho cuộc sống của mình’, thay vì giống như, ‘Đây là điều xã hội dạy tôi làm’ hay ‘Đây là điều cha mẹ tôi muốn tôi làm’”, Tao nói thêm.

Stuart Gietel-Basten, giáo sư khoa học xã hội và chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hồng Kông, cho rằng trẻ em và vật nuôi không loại trừ lẫn nhau ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, các cặp đôi trẻ đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng từ tình trạng thất nghiệp đến áp lực xã hội, chẳng hạn như giờ làm việc dài và một số phụ nữ sợ rằng sẽ phải từ bỏ sự nghiệp của họ sau khi sinh con, ông nói.

“Nếu bạn là một người ngoài 20 tuổi ở Trung Quốc và có nhu cầu chăm sóc ai đó, thì việc nuôi một chú chó con, mèo con hoặc thỏ là dễ dàng hơn nhiều so với việc tìm một người bạn đời để kết hôn và sinh con”, Gietel-Basten cho biết.

Đối với Hansen và Momo, họ chỉ đơn giản là tận hưởng sự đồng hành của những “đứa con” của mình.

“Chúng tôi không chạy theo bất kỳ xu hướng nào. Chúng tôi không bị ảnh hưởng bởi chúng. Đó chỉ là sự lựa chọn của riêng chúng tôi. Tôi nghĩ rằng chỉ là chúng tôi yêu chó thôi”, Hansen nói.

Anh cho biết mong được về nhà mỗi ngày vì những chú chó của anh rất háo hức được nhìn thấy anh.

“Điều này chữa lành mọi thứ”, anh nói.

Nhã Thanh (Theo CNN)

FILI





TIN CÙNG CHUYÊN MỤC

Tín hiệu mới về gói kích thích từ Trung Quốc

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lan Fo'an nói với các phóng viên vào thứ Bảy trong một cuộc họp báo rằng Chính phủ trung ương có dư địa để tăng nợ và thâm hụt.

Giới đầu tư Trung Quốc mong chờ gói kích thích mới 283 tỷ USD

Các nhà đầu tư và phân tích kỳ vọng Trung Quốc sẽ triển khai gói kích thích tài khóa mới lên tới 2,000 tỷ Nhân dân tệ (283 tỷ USD) khi Bắc Kinh tìm cách củng cố nền...

PBOC khởi động công cụ 71 tỷ USD để vực dậy thị trường chứng khoán

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa công bố một công cụ thanh khoản mới trị giá 500 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 70.6 tỷ USD). Đây là một phần trong gói kích...

Hàn Quốc hạ lãi suất lần đầu sau gần 2 năm

Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) đã cắt giảm lãi suất cơ bản 25 điểm cơ bản xuống 3.25%, đánh dấu lần đầu tiên xứ sở kim chi hạ lãi suất kể từ khi Fed bắt đầu...

Tin buồn của Fed: CPI Mỹ tăng nóng hơn dự báo trong tháng 9

Lạm phát tiêu dùng của Mỹ bất ngờ tăng mạnh hơn dự báo khi các quan chức Fed đang cân nhắc bước đi kế tiếp, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ.

Fed bất đồng về chính sách tại cuộc họp tháng 9

Chủ tịch Fed Jerome Powell khó có thể thuyết phục được ủy ban chính sách của mình thực hiện một đợt cắt giảm lãi suất lớn khác chừng nào thị trường lao động còn...

Nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC đạt doanh thu vượt xa dự báo

Theo ước tính của hãng tin Reuters, doanh thu của TSMC - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, trong giai đoạn từ tháng 7-9 ước đạt 759,69 tỷ đôla Đài...

Mỹ cân nhắc chia tách Google

Bộ Tư pháp Mỹ đã nói với một thẩm phán liên bang rằng họ đang cân nhắc khuyến nghị buộc Google phải bán một phần hoạt động để giảm bớt tác hại do việc độc quyền thị...

New Zealand giảm lãi suất 50 điểm cơ bản

Trong một động thái được nhiều nhà phân tích dự đoán trước, Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) đã quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản thêm 50 điểm cơ bản, đưa mức...

Nền kinh tế toàn cầu bước vào giai đoạn “nguy hiểm”?

Nền kinh tế toàn cầu đang bước vào "giai đoạn nguy hiểm" chưa từng có khi căng thẳng ở Trung Đông vẫn còn ở mức cao, theo nhận định của Phó Chủ tịch S&P Global...


TIN CHÍNH




ĐỌC NHIỀU NHẤT


Hotline: 0908 16 98 98