Yếu tố nào đang chi phối giá đường trên thế giới?
Yếu tố nào đang chi phối giá đường trên thế giới?
Giá ethanol giảm khiến các nhà máy đường trên thế giới chuyển sang lựa chọn thay thế là ép mía để sản xuất đường thay vì ethanol, từ đó làm tăng nguồn cung đường.
Đường được bày bán tại một siêu thị ở Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
|
Những biến động trên thị trường năng lượng đã đẩy giá ethanol - nhiên liệu sinh học được pha chế vào xăng, hay còn gọi là xăng xanh - đi xuống.
Điều này sẽ tạo ra động lực về giá, khiến các nhà máy đường trên thế giới chuyển sang lựa chọn thay thế là ép mía để sản xuất đường thay vì ethanol, từ đó làm tăng nguồn cung đường.
Giá đường đã giảm nhẹ trong phiên 4/9, sau khi giá dầu thô lùi về mức thấp nhất của gần 9 tháng.
Tuần trước, giá đường đã tăng lên mức cao nhất của 1 tháng rưỡi giữa bối cảnh tình trạng hạn hán và nắng nóng đã gây ra các đám cháy lớn ở Brazil, làm hư hại cây mía tại thành phố sản xuất đường hàng đầu nước này là Sao Paulo.
Hiệp hội các nhà sản xuất mía đường Brazil (Orplana) cho biết đã có tới 2.000 vụ cháy, ảnh hưởng đến 80.000 hecta trồng mía ở Sao Paulo.
Tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nhiên liệu sinh học của Australia (Ôx-trây-li-a) là Green Pool Commodity Specialists cho biết, 5 triệu tấn mía đường có thể đã bị tàn phá vì hỏa hoạn.
Công ty môi giới đường quốc tế Czarnikow hôm 3/9 đã hạ dự báo sản lượng đường trong niên vụ 2024-2025 ở khu vực Trung Nam (CS) của Brazil xuống còn 39,2 triệu tấn (từ mức 40 triệu tấn) do hạn hán và hỏa hoạn.
Tại Thái Lan cũng chứng kiến hiện tượng tương tự. Xu hướng nhiệt độ tăng cao kỷ lục được ghi nhận tại nước này đang đe dọa làm hỏng cây mía.
Vào ngày 6/5, Cục Khí tượng Thái Lan cho biết hơn 30/77 tỉnh của Thái Lan đã ghi nhận nhiệt độ cao kỷ lục vào tháng 4/2024.
Các nhà máy đường ở Thái Lan cũng báo cáo năng suất từ hoạt động ép mía thấp nhất trong ít nhất 13 năm. Thái Lan là nước sản xuất đường lớn thứ ba và là nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới.
Một tín hiệu hỗ trợ giá đường là Tổ chức Đường Quốc tế (ISO) tuần trước đã nâng mạnh dự báo thâm hụt đường toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 lên 3,58 triệu tấn từ mức dự kiến 200.000 tấn của niên vụ 2023-2024.
ISO dự báo sản lượng đường toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 là 179,3 triệu tấn, giảm 1,1% so với niên vụ trước.
Ngoài ra, Bộ Thực phẩm Ấn Độ tuần trước đã quyết định dỡ bỏ hạn chế sản xuất ethanol đối với các nhà máy đường trong niên vụ 2024-2025. Điều này làm dấy lên lo ngại quốc gia Nam Á sẽ tiếp tục duy trì các biện pháp hạn chế xuất khẩu đường.
Trước đó vào tháng 12/2023, Ấn Độ đã yêu cầu các nhà máy đường ngừng sử dụng mía để sản xuất ethanol cho niên vụ 2023-2024, nhằm mục đích tăng dự trữ đường quốc gia. Ấn Độ đã hạn chế xuất khẩu đường kể từ tháng 10/2023 để duy trì nguồn cung nội địa.
Trong khi đó, dự báo lạc quan về lượng mưa trên mức trung bình ở Ấn Độ, dẫn đến kỳ vọng về một vụ mùa mía đường bội thu, là yếu tố làm giảm giá đường.
Cục Khí tượng Ấn Độ báo cáo Ấn Độ đã nhận được lượng mưa 777,6 mm trong mùa gió mùa hiện tại tính đến ngày 3/9, nhiều hơn 8% so với mức trung bình dài hạn 721,1 mm. Mùa gió mùa của Ấn Độ kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong báo cáo bán niên được công bố vào ngày 23/5, dự báo sản lượng đường toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 sẽ tăng 1,4% so với niên vụ trước, lên mức kỷ lục 186,024 triệu tấn.
Tiêu thụ đường toàn cầu trong cùng kỳ sẽ tăng 0,8% so với niên vụ trước, lên mức kỷ lục 178,788 triệu tấn.
USDA dự báo tồn kho đường cuối niên vụ 2024-2025 của thế giới sẽ giảm 4,7% xuống mức thấp kỷ lục 13 năm là 38,339 triệu tấn./.
Phương Nga