Bidiphar ước lợi nhuận quý 3 tăng 12%
Bidiphar ước lợi nhuận quý 3 tăng 12%
Theo thông tin mới công bố, CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (Bidiphar, HOSE: DBD) ước doanh thu và lợi nhuận quý 3 đều tăng trưởng. Tuy nhiên, một số yếu tố khách quan khiến Công ty chỉ ước đạt được 90% kế hoạch về doanh thu, dù khả năng cao sẽ hoàn thành kế hoạch lợi nhuận.
Về doanh thu, Bidiphar ước quý 3 đạt gần 433 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ thuốc tự sản xuất chiếm phần lớn với 416 tỷ đồng, tăng 5%, với kênh ETC (thuốc kê đơn) đạt 282 tỷ đông (+9%) và OTC (thuốc tại quầy) đạt 134 tỷ đồng (-2%).
Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Bidiphar ước lãi sau thuế đạt 75 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ.
Nguồn: DBD
|
Kết quả quý 3 góp phần giúp bức tranh lũy kế của DBD tỏa sáng. Sau 9 tháng, Doanh nghiệp ước đạt gần 1.25 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 4%; lãi sau thuế 215 tỷ đồng, tăng 2%. Chiếu theo kết quả đặt ra từ ĐHĐCĐ 2024, Doanh nghiệp thực hiện được 63% kế hoạch doanh thu, và hơn 79% mục tiêu lợi nhuận trước thuế của cả năm.
Tuy vâỵ, Tổng Giám đốc Phạm Thị Thanh Hương cho biết khả năng hoàn thành 100% mục tiêu doanh thu là tương đối khó. Nguyên nhân do gói thầu quốc gia từ cuối 2023 đã chính thức có kết quả, các nhà thầu có thêm 1-2 tháng để nhập thuốc, và điều này gây ảnh hưởng đến thị trường. Thứ 2, tình hình cấp số y tế năm 2024 cũng được cải thiện, chính vì thế dẫn đến thuốc ngoại nhập vào rất nhiều. Thuốc ngoại vào sẽ chiếm được thị phần mà mà DBD đã giành được từ trước, phải chia sẻ cho họ, nên thị phần ETC bị ảnh hưởng.
Điều này được chứng minh ở các kênh thị trường, tỉ lệ thuốc ngoại nhập và doanh thu tăng khá nhiều. Thị trường ETC tăng trưởng cũng cho thấy chủ yếu là thuốc ngoại. Trong khi đó, ở thị trường tự do, chuỗi nhà thuốc gây ảnh hưởng đến doanh thu của các đơn vị sản xuất rất nhiều, vì họ ưu tiên bán thuốc ngoại nhập.
“DBD đánh giá khả năng hoàn thành 100% là rất khó, nên sẽ cố gắng hoàn thành 90%. Tuy nhiên, mục tiêu lợi nhuận trước thuế có thể đạt được, với dự báo của quý 4” – trích lời bà Hương.
Đẩy mạnh đầu tư, nhà máy thuốc vô trùng thể tích nhỏ mang lại lợi thế lớn
Về kế hoạch đầu tư, Bidiphar cho biết năm 2024-2026 sẽ tập trung vận hành, khai thác hiệu quả các nhà máy sản xuất thuốc ung thư. Đặc biệt, giai đoạn 2024-2027, hoàn thành đầu tư nhà máy thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo chuẩn EU-GMP, cùng việc đầu tư mới trung tâm R&D, QA & QC.
Ngoài ra, giai đoạn 2025 – 2028, DBD sẽ hoàn thành đầu tư nhà máy thuốc OSD non-betalactam, và sẽ phát triển vùng trồng GACP-hữu cơ cùng các sản phẩm dược liệu.
Tổng Giám đốc Bidiphar chia sẻ, nhà máy thuốc vô trùng thể tích nhỏ khi hoàn thiện sẽ mang lại lợi thế rất lớn cho DBD trên thị trường. Nguyên nhân do hiện tại, cả Việt Nam chưa có nhà máy thuốc vô trùng dạng dung dịch đạt được chuẩn GMP-EU. Đây cũng là loại thuốc mà DBD có thế mạnh rất lớn.
Về các dòng sản phẩm chủ lực, Bidiphar tiếp tục phát triển, nghiên cứu các sản phẩm 1st generic; các sản phẩm có kỹ thuật cao, đặc trị, đang có nhu cầu sản xuất thuốc trong nước thay thế ngoại nhập. Đồng thời, đẩy mạnh các dòng sản phẩm thuốc viên tác dụng tại đích, thuốc tiêm công nghệ sinh học, và thuốc dịch thận nhượng quyền patent từ Thụy Sỹ.
Trong đó, bà Hương cho biết dây chuyền thuốc viên ung thư được xây dựng theo chuẩn GMP-EU, đã nộp hồ sơ, nhưng còn một số vướng mắc nên sẽ chậm hơn dự kiến. Về thuốc dịch thận, đối tác Thụy Sỹ đã hoàn thành nghiên cứu lâm sàng giai đoạn 2 với kết quả tốt, hiện đang hoàn thành hồ sơ để công bố tại châu Âu.