Campuchia chuẩn bị chiến lược để thoát mác "quốc gia kém phát triển”
Campuchia chuẩn bị chiến lược để thoát mác "quốc gia kém phát triển”
Thủ tướng Hun Manet cho biết Chính phủ Hoàng gia Campuchia (RGC) đang chuẩn bị chiến lược để thoát khỏi tình trạng quốc gia kém phát triển (LDC) vào năm 2029.
Theo đó, chủ trì lễ kỷ niệm 20 năm Campuchia gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) diễn ra tại thủ đô Phnom Penh gần đây, Thủ tướng Hun Manet cho biết Vương quốc cần thực hiện một số biện pháp để đảm bảo phát triển bền vững sau khi thoát mác “quốc gia kém phát triển” vào năm 2029.
Quốc gia Đông Nam Á đã được Ủy ban Chính sách Phát triển (CDP) đánh giá vượt qua quá trình xem xét 3 năm để có thể thoát khỏi tình trạng quốc gia kém phát triển.
Nhấn mạnh đến những kịch bản nổi trội thời hậu thoát mác quốc gia kém phát triển, Thủ tướng Hun Manet nói: “Chúng tôi sẵn sàng thoát khỏi tình trạng quốc gia kém phát triển. Thế nhưng, vấn đề là sau khi thoát mác quốc gia kém phát triển, chúng tôi sẽ phải đối mặt với những gì? Chúng tôi sẽ phải mất một số nguyên tắc tài chính ưu đãi của mình. Vì vậy, chúng tôi phải tự lực và độc lập.”
Về phía Bộ Thương mại Campchia (MoC), theo Bộ trưởng Cham Nimul, khi thoát mác quốc gia kém phát triển vào năm 2029, nước này sẽ phải chấp nhận mất đi ưu đãi thuế quan và đối diện với các quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt hơn đối với hàng hóa. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Vương quốc trên các thị trường chủ chốt.
Bộ trưởng Nimul nói: “Campuchia phải biến những thách thức này thành cơ hội bằng cách nâng cao khả năng cạnh tranh, tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, đa dạng hóa thị trường, mở rộng sản xuất, gia tăng giá trị, tăng cường tạo điều kiện thuận lợi thương mại và thu hút đầu tư vào các ngành công nghiệp mới để hỗ trợ tăng trưởng bền vững và khả năng chống chọi”.
Vị Bộ trường này nói thêm: “Những nhiệm vụ này được đề ra trong mục môi trường của Chiến lược Ngũ giác I. Bộ Thương mại và các bộ liên quan đang tích cực triển khai Chiến lược này.
Bộ trưởng Nimul cũng cho biết, để giải quyết những thách thức và thúc đẩy thương mại trong bối cảnh mới này, Bộ Thương mại đang triển khai và thực thi các chiến lược nhằm tối đa hóa lợi ích của các hiệp định thương mại tự do (FTA), bao gồm ASEAN FTA, ASEAN+1 FTA và các thỏa thuận song phương như FTA Campuchia-Trung Quốc (CCFTA), FTA Campuchia-Hàn Quốc (CKFTA) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện giữa Campuchia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) (CAM-UEA CEPA).
Bộ sẽ tiếp tục đàm phán để thiết lập các FTA mới với các đối tác tiềm năng nhằm mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu của Campuchia, đảm bảo khả năng chống chọi và thích ứng với những thách thức mới trong các FTA tiên tiến.
Tăng cường quản lý lĩnh vực tư nhân và tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, đầu tư và thương mại thông qua thuận lợi hóa thương mại cải thiện, dịch vụ nhanh hơn và hiệu quả hơn bằng cơ chế tự động hóa, chất lượng, hiệu quả và minh bạch.
“Chính phủ Hoàng gia Campuchia tiếp tục chuẩn bị và tăng cường thực hiện các luật, chính sách và quy định liên quan đến thương mại và hợp tác với các đối tác phát triển để thực hiện một dự án nghiên cứu chi tiết về tác động đối với thương mại của Campuchia và chiến lược để thoát mác LDC một cách suôn sẻ,” ông Nimul nhấn mạnh.
Theo chuyên gia kinh tế Duch Darin, giáo sư tại Trường Quản trị Hoàng gia, việc Campuchia chuyển mình từ một nước kém phát triển trong thời gian tới không chỉ là minh chứng cho những thành tựu kinh tế của đất nước mà còn là sự chuyển hướng chiến lược nhằm hướng tới phát triển bền vững và tiếp tục tăng cường độc lập kinh tế của chính mình.
Chuyên gia kinh tế Duch cho rằng việc thực hiện hiệu quả các chính sách của Chính phủ cùng với những lợi ích của việc tăng cường độc lập kinh tế rộng rãi hơn sẽ đảm bảo rằng sự thay đổi này là một bước tích cực cho người dân Campuchia và tương lai của đất nước trong việc cạnh tranh trên nền kinh tế toàn cầu.
Ông nói: “Việc sẵn sàng thoát LDC phản ánh sự tiến triển kinh tế của Campuchia trong hai thập kỷ qua. Điều này được minh chứng thực tế thông qua tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hồi năm 2004, từ 5.34 tỷ USD đã tăng lên 31.77 tỷ đô USD vào năm 2023”.
“Sự tăng trưởng kinh tế này là bằng chứng cho thấy Campuchia đã xây dựng được một nền kinh tế mạnh mẽ có thể tự duy trì. Mặt khác, thông qua việc tham gia vào WTO, Campuchia được hưởng lợi từ việc hội nhập vào nền kinh tế thế giới bằng cách gia nhập thị trường quốc tế. Xuất khẩu của của nước này đã đa dạng hóa từ hàng dệt may sang các sản phẩm nông nghiệp khác, giảm thiểu tác động của các yếu tố dễ bị tổn thương bên ngoài”.
Chuyên gia phân tích kinh tế - xã hội Chey Tech cho biết, khi Campuchia thoát khỏi danh sách các nước kém phát triển, nước này sẽ mất đi 3 lợi ích: một là mất ưu đãi thương mại cho xuất khẩu sang thị trường quốc tế; hai là mất viện trợ, đặc biệt là viện trợ không hoàn lại (nhưng Campuchia sẽ tiếp tục nhận được các khoản vay ưu đãi) và thứ ba là Vương quốc sẽ phải đối mặt với nhiều cạnh tranh hơn do mất ưu đãi thương mại.
“Lợi ích mà Campuchia sẽ hưởng được từ việc thoát mác LDC là nước này sẽ trở nên phổ biến trong khu vực và trên thế giới về mặt vị thế phát triển kinh tế và xã hội của mình,” Tech nói.
Ông nhấn mạnh rằng Campuchia cũng sẽ nhận được sự tin tưởng của các nhà đầu tư muốn đến làm ăn tại đây. Quốc gia Đông Nam Á này cũng có thể chiếm lĩnh thị trường quốc tế bằng cách xuất khẩu nhiều hơn sang thị trường khu vực và toàn cầu. Các liên doanh sẽ có thể nhận được các khoản vay ưu đãi bổ sung để phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng tại Vương quốc.
Ông nói: “Nhìn chung, việc rời LDC sẽ mang lại nhiều lợi thế hơn cho Campuchia. Tôi không nghĩ chúng ta nên chờ đợi lâu hơn nữa vì Chiến lược Ngũ giác của Chính phủ Hoàng gia sẽ giúp Vương quốc trở thành một quốc gia thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và một quốc gia thu nhập cao vào năm 2050”.