Giải mã dư nợ margin tăng nhanh tại các công ty chứng khoán
Giải mã dư nợ margin tăng nhanh tại các công ty chứng khoán
Việc giải ngân tín dụng khó khăn trong năm 2024 khiến các ngân hàng thương mại phải đang rất đau đầu để tìm hướng ra cho nguồn tín dụng. Việc cân bằng giữa tăng trưởng và rủi ro trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược của ngân hàng hai năm qua. Trong bối cảnh đó, các công ty chứng khoán trở thành điểm hấp thụ tín dụng quan trọng của ngân hàng trong thời gian gần đây.
Bối cảnh giải ngân khó khăn trong năm 2024 khiến các ngân hàng phải tìm kiếm các phân khúc mới để đẩy mạnh và cho vay các công ty chứng khoán là một trong những phân khúc được các ngân hàng quan tâm. Trong năm 2024, nhu cầu tiêu dùng gặp nhiều khó khăn đã tạo ra thách thức không nhỏ cho các ngân hàng tìm kiếm cơ hội cho vay, nhất là trong việc hồi phục lại tăng trưởng của mảng tín dụng tiêu dùng. Bên cạnh đó, 2 năm qua với sự chậm lại của thị trường bất động sản, cùng với các công ty chứng khoán nổi lên như một đối tượng vay tiềm năng, đặc biệt khi nhu cầu về nguồn vốn margin ngày càng gia tăng nhằm đáp ứng xu hướng đầu tư mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán.
Dư nợ margin của các công ty chứng khoán tăng cao liên tục và đạt mức đỉnh mới từ 2023. Năm 2024 chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của dư nợ margin, biến đây thành nguồn doanh thu quan trọng và mang lại lợi nhuận chính cho các công ty chứng khoán. Trong đó, top 10 công ty chứng khoán có vốn chủ sở hữu lớn nhất có mức dư nợ margin đạt cao kỷ lục, dần tăng trưởng nhanh và chiếm phần lớn thị trường. Cùng với xu hướng tăng margin, tỷ lệ an toàn vốn đòi hỏi các công ty chứng khoán phải có vốn chủ sở hữu đủ lớn vừa cân đối tăng vốn vay để kịp thời đáp ứng sự mở rộng nhanh chóng của dư nợ margin. Đây là yếu tố quan trọng, bởi nó không chỉ tạo ra lợi nhuận cho công ty mà còn tạo ra áp lực tăng vốn vay nhanh trong thời gian ngắn.
Dư nợ margin của các công ty chứng khoán tăng cao kỷ lục
Dư nợ margin của ngành chứng khoán đã đạt mức cao nhất trong những năm gần đây. Trong bối cảnh vĩ mô vẫn còn nhiều bất ổn thì nguồn dư nợ margin gia tăng cũng chính là yếu tố quan trọng, duy trì xu hướng tăng trưởng của chỉ số. Theo thống kê từ hơn 70 công ty chứng khoán trên thị trường, tổng dư nợ margin toàn ngành vào cuối năm 2023 ước tính đạt khoảng 211,757 tỷ đồng, tăng 38,643 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Xét về tốc độ tăng trưởng, quy mô dư nợ đã tăng trưởng gần 50% so với năm trước và tăng trưởng 11% so với quý 1. Điều này diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm vẫn phục hồi tốt, VN-Index trung bình của quý 2/2024 ở mức 1,256 điểm – tăng mạnh so với mức 1,080 của cùng kỳ. Sự gia tăng dư nợ cho thấy nhu cầu sử dụng vốn vay để đầu tư chứng khoán đang ngày càng tăng cao, đây cũng vừa là cơ hội để ngành chứng khoán cải thiện kết quả kinh doanh sau năm 2022 trầm lắng và cũng là thách thức về yêu cầu vốn lớn để hỗ trợ hoạt động cho vay margin.
Dư nợ margin của ngành chứng khoán trong giai đoạn 2020 - 2024
Nguồn: Tổng hợp
|
Mặc dù dư nợ margin toàn ngành tăng trưởng mạnh, sự phân hóa giữa các nhóm công ty chứng khoán cũng đáng chú ý. Các công ty lớn như TCBS, SSI, HCM chiếm phần lớn tỷ trọng dư nợ margin, trong khi các công ty nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc giữ vững thị phần. Trung bình năm 2023, top 10 công ty chứng khoán lớn chiếm gần 62% tổng dư nợ toàn thị trường, chỉ sau 2 quý đầu năm 2024, nhóm này đã tăng thị phần lên 64%, tương đương mức tăng dư nợ gần 27,500 tỷ đồng so với cuối năm 2023, chiếm 70% mức dư nợ tăng thêm trong kỳ của cả ngành. Điều này cho thấy mức độ cạnh tranh và khả năng thu hút vốn vay đang nằm trong tay các công ty chứng khoán có nguồn lực lớn.
Chiến lược đẩy mạnh hoạt động margin của các công ty chứng khoán cũng thể hiện sự phân hóa rõ rệt. Các công ty chứng khoán khối ngoại như Mirae Asset và KIS tiếp tục sử dụng phí margin thấp để thu hút thêm khách hàng, do các công ty này có lợi thế về nguồn vốn từ công ty mẹ. Trong khi các công ty zero-fee như TCBS, VPSS áp dụng margin để gia tăng khối lượng giao dịch. Các công ty chứng khoán truyền thống có vị thế lớn như SSI và HCM cũng được hưởng lợi từ mạng lưới khách hàng giao dịch rộng lớn. Như vậy, để vượt qua các công ty chứng khoán lớn với định vị rõ ràng, các công ty nhỏ ngày càng khó khăn hơn trong việc giữ vững thị phần trước sự cạnh tranh gay gắt trong ngành hiện nay. Trong bối cảnh đó, việc gia tăng margin của các công ty chứng khoán được sử ủng hộ bởi nguồn vốn giá rẻ từ hệ thống ngân hàng hiện tại.
Các ngân hàng đều đang đẩy mạnh việc cho vay các công ty chứng khoán
Sự mở rộng dư nợ mạnh mẽ đòi hỏi sự hỗ trợ rất lớn từ nguồn vốn. Đi vay sẽ là lựa chọn phổ biến cũng như là phương án linh hoạt mà nhiều công ty chứng khoán đang thực hiện để bổ sung nguồn vốn kinh doanh ký quỹ. Mức vay nợ của các công ty chứng khoán đã gia tăng mạnh trong những quý gần đây, đặc biệt là trong nửa sau năm 2023. Theo số liệu từ báo cáo tài chính của top 10 công ty chứng khoán đứng đầu về thị phần dư nợ, tổng giá trị nợ vay tăng 55% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 173,665 tỷ đồng, chủ yếu là vay kỳ hạn ngắn. Điều này cho thấy các công ty này phải phụ thuộc vào nguồn vốn vay để mở rộng hoạt động. Với tỷ lệ vay nợ tăng cao, các công ty chứng khoán đối mặt với rủi ro lớn hơn khi thị trường chứng khoán biến động mạnh. Dư nợ cho vay các công ty chứng khoán tăng mạnh trogn quý 2 năm 2024 khi gần 30.000 tỷ đã được hệ thống ngân hàng giải ngân thêm cho nhóm ngành này. Chúng ta cũng cần phải nhớ rằng trong quý 2 thì tín dụng đã tăng trưởng mạnh trong những tuần cuối tháng 6 như thế nào để đạt được mức mục tiêu tăng trưởng 6% do NHNN đặt ra, rõ ràng một phần trong đó đã được đẩy vào kênh cho vay bổ sung vốn kinh doanh của các công ty chứng khoán.
Diễn biến nợ vay của top 10 công ty chứng khoán về thị phần dư nợ margin Q2.2024
Nguồn: Tổng hợp
|
Đối với các ngân hàng, việc cho vay các công ty chứng khoán được xem là một lĩnh vực có mức độ an toàn cao, bởi khoản vay thường được bảo đảm bởi danh mục đầu tư chứng khoán, bao gồm các tài sản tài chính có tính thanh khoản cao như trái phiếu tại các công ty này. Khi thị trường chứng khoán tăng trưởng, giá trị danh mục đầu tư của các công ty chứng khoán tăng lên, giúp giảm rủi ro cho ngân hàng. Điều này giải thích vì sao các ngân hàng sẵn sàng đẩy mạnh cho vay trong phân khúc này. Mặt khác, so với cùng kỳ, gần ¾ mức tăng trong tổng nguồn vốn đến từ việc gia tăng vay nợ, cho thấy sự phụ thuộc ngày càng lớn của các công ty chứng khoán vào vốn vay. Tuy nhiên, tăng trưởng dư nợ cho các công ty chứng khoán cũng sẽ tạo ra những rủi ro không lường trước trong trường hợp thị trường suy giảm.
Ngoài đáp ứng đủ vốn, hoạt động cho vay margin còn bị hạn chế trong tỷ lệ an toàn vốn. Cụ thể, tỷ lệ dư nợ cho vay margin/ vốn chủ sở hữu không được vượt quá 200%. Vì vậy, dù bổ sung vốn vay, tăng cường vốn tự có là yêu cầu không thể tránh nếu các công ty chứng khoán tiếp tục tăng trưởng dư nợ trong thời gian tới. Tỷ lệ này tại top 10 công ty chứng khoán đứng đầu về dư nợ margin tăng từ 72.4% của cùng kỳ lên đến 100.6% tại quý 2/2024. Dù tỷ lệ còn cách xa mức giới hạn theo quy định nhưng với tốc độ tăng bứt tốc trong năm nay, việc chạm tỷ lệ trần sẽ sớm diễn ra. Như vậy, tăng vốn vay chỉ giải quyết nhu cầu vốn trong ngắn hạn, hơn là giải pháp tối ưu trong dài hạn cho hoạt động tăng trưởng margin.
Dòng vốn ngân hàng vào các công ty chứng khoán đang là xu hướng nổi bật trong thời gian gần đây, không chỉ trong việc hỗ trợ cho hoạt động cho vay margin mà còn ảnh hưởng đến khả năng mở rộng hơn trong tương lai của ngành chứng khoán. Khi dư nợ margin tiếp tục duy trì ở mức cao, nhu cầu vốn của các công ty chứng khoán sẽ tăng cao hơn nữa, ngoài ra, yêu cầu đảm bảo tính ổn định trước những biến động của thị trường chứng khoán cũng trở nên thiết thực. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh các công ty chứng khoán vẫn phụ thuộc lớn vào vốn vay để tăng trưởng, và ngân hàng sẽ tiếp tục mở rộng kênh cho vay này như một phần của chiến lược tối ưu hóa lợi nhuận và cân bằng rủi ro.