Giám đốc Phân tích SHS: Dòng tiền ngoại có nhiều lý do để trở lại thị trường Việt Nam
Giám đốc Phân tích SHS: Dòng tiền ngoại có nhiều lý do để trở lại thị trường Việt Nam
Tại sự kiện Bức tranh vĩ mô và Khám phá cơ hội đầu tư tổ chức ngày 12/10/2024, chuyên gia từ Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) đã có những chia sẻ về bối cảnh vĩ mô của thị trường chứng khoán hiện tại.
Ông Ngô Thế Hiển - Giám đốc Phân tích Chứng khoán SHS
|
Theo ông Ngô Thế Hiển - Giám đốc Phân tích Chứng khoán SHS, ở trên thế giới lạm phát đã hạ nhiệt, lãi suất bắt đầu giảm, kinh tế ở các quốc gia Âu Mỹ đã tăng trở lại.
Ở Việt Nam, tăng trưởng kinh tế đang trên đà hồi phục. Quý 3 vừa qua, GDP đạt mức tăng 7.4%. Tính chung trong 9 tháng, tăng trưởng đạt 6.8%. Điều này cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng tốt hơn 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế và đang hồi phục. PMI bắt đầu tăng từ tháng 6/2024 do các đơn hàng tăng mạnh trở lại. Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng 6.5 - 7%.
CPI Việt Nam vẫn giữ mức ổn định vì lương thực không phải nhập khẩu, chủ yếu nhập năng lượng và nguyên liệu sản xuất. Điều này tạo thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát. Lạm phát trong ngưỡng thì sẽ giữ được mặt bằng lãi suất vừa phải.
Mặt khác, áp lực tỷ giá cũng đã hạ nhiệt. Năm 2023, VND mất giá mạnh so với USD vì lãi suất Mỹ tăng mạnh. Trong khi đó, Việt Nam giữ mặt bằng lãi suất thấp khá lâu dẫn đến chênh lệch lãi suất VND với USD tạo ra hiện tượng găm giữ USD, doanh nghiệp xuất khẩu thu USD nhưng không chuyển về trong nước ngay. Giá vàng tăng cũng tạo ra áp lực khan hiếm USD. Do đó, tỷ giá tăng mạnh.
Sang năm 2024, tỷ giá được kiềm chế chỉ tăng 1.2% so với đầu năm do đó cởi bớt áp lực cho điều hành chính sách tiền tệ.
Dự báo tăng trưởng GDP 2024 từ các cơ quan dự báo quốc tế như World Bank, IMF tăng tốt hơn so với đầu năm. Mức dự báo tăng trưởng được nâng lên 6.1%. Riêng SHS dự báo cả năm 6.9%.
Điểm tích cực cho thị trường chứng khoán là dòng vốn nội tiếp tục là động lực cho thị trường. Năm 2013 thị trường bị ảnh hưởng nhiều bởi hoạt động của nhà đầu tư ngoại. Từ 2023 tới nay, xu hướng này bị đảo ngược. Nhà đầu tư ngoại chỉ chiếm 15% giá trị giao dịch toàn thị trường. Nhà đầu tư quan tâm tới thị trường chứng khoán nhiều hơn, dòng vốn thông minh hơn chủ động tìm kiếm các cơ hội sinh lời.
Nhận xét về dòng tiền ngoại, ông Hiển dự báo, năm 2024 thị trường được nâng hạng lên thị trường mới nổi. Khi được nâng hạng lên mới nổi thì dòng vốn ngoại sẽ được thu hút, 700 triệu đến 1 tỷ USD được rót vào là yếu tố tích cực trong 2025. Diễn biến này cũng đang thể hiện trên thị trường. Trong tháng 10 khối ngoại đang quay trở lại mua ròng.
Các quỹ đầu tư đều có sự phân bổ cho các thị trường. Việc phân bổ ít hay nhiều thì phụ thuộc vào triển vọng thị trường.
Mặt khác, xu hướng lãi suất giảm khi lạm phát giảm sẽ tiếp tục. Fed giảm 0.5 điểm cơ bản trong tháng 9 để bù cho trước đó chưa giảm. Sang 2025, Fed có thể giảm lãi suất về 3 - 3.5%.
Với triển vọng kinh tế Việt Nam, khả năng nâng hạng thì dòng tiền ngoại sẽ quay lại thị trường. “Kỳ vọng sớm nhất tháng 3/2025, FTSE sẽ đưa Việt Nam vào danh sách chính thức nâng hạng sau khi nút thắt prefunding đã được tháo gỡ”, ông Hiển nhận định.