Khó lường tỷ giá
Khó lường tỷ giá
Đồng USD có dấu hiệu bật tăng lại trong nửa đầu tháng 10, dù nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào. Điều gì đang gây sức ép trở lại lên tỷ giá? Liệu đây chỉ là diễn biến nhất thời hay xu hướng đi xuống của USD đã chấm dứt?
USD tăng trở lại
Giá đô la Mỹ (USD) trên thị trường tự do bất ngờ bật tăng mạnh 270 đồng trong những phiên giao dịch cuối tháng 9, trước khi giảm nhanh trở lại 250 đồng trong 2 ngày đầu tháng 10, sau đó lại bật tăng mạnh từ đó đến nay, với mức tăng thêm 240 đồng từ ngày 03/10 đến nay. Riêng ngày 08/10 vừa qua tăng đến 100 đồng ở chiều mua vào và tăng 110 đồng ở giá bán ra, hiện đang mua bán lần lượt ở 25,250 – 25,350 đồng ăn 1 USD.
Phản ứng có chậm hơn và dù có những thời điểm ngược pha, nhưng giá USD tại các ngân hàng cũng đã có dấu hiệu nhích lên theo thị trường tự do trong những phiên gần đây. Sau khi giảm hơn 300 đồng trong tháng 9, giá mua vào và bán ra tại Vietcombank từ đầu tháng 10 đến nay đã tăng tương ứng 270 đồng và 300 đồng, lên mức 24,670 – 25,030.
Như vậy, giá giao dịch tại các ngân hàng vẫn đang thấp hơn thị trường tự do 580 đồng ở chiều mua vào và 320 đồng ở chiều bán ra, đã thu hẹp so với mức chênh lệch 800 đồng và 570 đồng ở thời điểm cuối tháng 9. Điều này cho thấy nhu cầu USD trên thị trường chính thức có dấu hiệu tăng trở lại, trong bối cảnh càng về cuối năm nhu cầu vay mượn USD phục vụ hoạt động nhập khẩu có thể cao hơn.
Tỷ giá trung tâm USD/VNĐ cũng theo xu hướng tương tự, khi cập nhật đến ngày 11/10 đã leo lên 24,175 đồng, tăng 82 đồng so với cuối tháng 9. Sau khi đã giảm liên tục trong 4 tháng trước đó, với đỉnh điểm là mức giảm đến 131 đồng trong tháng 9 vừa qua, diễn biến đi lên trở lại của tỷ giá trung tâm từ đầu tháng 10 đến nay là đáng chú ý, nhất là đặt trong bối cảnh nguồn cung ngoại tệ vẫn dồi dào.
Theo dữ liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng thặng dư 20.79 tỷ USD, trong đó sau khi xuất siêu kỷ lục 4.05 tỷ trong tháng 8, tháng 9 vừa qua tiếp tục ghi nhận xuất siêu 2.29 tỷ USD. Các thị trường Việt Nam thường xuất siêu đều tăng trưởng mạnh, như xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 78.5 tỷ USD tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 25.9 tỷ USD, tăng 20.8%; xuất siêu sang Nhật Bản 1.9 tỷ USD, tăng 28.8%.
Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước đạt 17.34 tỷ USD, tăng 8.9%. Đây cũng là mức cao nhất tính theo kỳ 9 tháng từ trước đến nay. Ở hoạt động đầu tư gián tiếp, vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận 2,471 lượt với tổng giá trị góp vốn 3.59 tỷ USD. Về hoạt động du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng qua đạt hơn 12.7 triệu lượt người, tăng mạnh 43% so với cùng kỳ năm trước, cũng đóng góp vào nguồn cung ngoại tệ trong nước.
Trước tình hình này, tỷ giá USD/VNĐ tăng trở lại trong những ngày gần đây là khá bất ngờ, khi Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức nới lỏng chính sách trở lại từ cuộc họp tháng 9 vừa qua, với quyết định giảm mạnh 0,5% lãi suất cơ bản USD, đưa đến kỳ vọng đồng USD sẽ còn giảm giá thêm nữa, đặc biệt là khi Fed dự kiến sẽ còn thêm 2 lần giảm lãi suất trong năm nay vào cuộc họp tháng 11 và tháng 12.
Vì đâu?
Tuy nhiên, thực tế đang diễn biến khó lường hơn, khi đồng USD trên thị trường quốc tế đột ngột tăng nhanh trở lại trong những ngày qua. Chỉ số USD Index đã tăng vọt 2.7% từ đầu tháng 10 đến nay và trải qua 9 phiên tăng liên tiếp, leo một mạch từ 100.2 điểm lên 102.9 điểm. Đây là một trong những yếu tố chủ chốt đẩy đồng USD trong nước tăng trở lại trong cùng giai đoạn.
Ngoài câu chuyện Fed đã hoàn thành đợt tăng lãi suất đầu tiên như dự báo khiến một số nhà đầu tư bán khống các hợp đồng chỉ số USD Index hiện thực hóa lợi nhuận, nỗi lo sợ chiến tranh có thể đang thúc đẩy dòng tiền tìm đến USD như một tài sản trú ẩn an toàn. Là đồng tiền của nền kinh tế số 1 thế giới, cũng như là phương tiện giao dịch chính trong các hợp đồng mua bán vũ khí, mỗi khi nguy cơ chiến tranh nổ ra ở bất kỳ đâu, đồng USD thường có xu hướng tăng giá.
Chỉ số USD Index liên tục tăng từ đầu tháng 10 đến nay
|
Thực tế việc đồng USD bật tăng trở lại cũng cùng thời điểm với Iran nã tên lửa vào Irsael vào ngày 01/10, nhằm đáp trả vụ sát hại thủ lĩnh của lực lượng Hezbollah, Hassan Nasrallah, và các chỉ huy khác, bao gồm nhà lãnh đạo chính trị của lực lượng Hamas là Ismail Haniyeh. Phản ứng lại, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Gallant mới đây tuyên bố Irsael sẽ có đòn tấn công đáp trả đối với vụ tập kích của Iran theo cách chính xác, bất ngờ và chết chóc nhất.
Ngoài câu chuyện Fed đã hoàn thành đợt tăng lãi suất đầu tiên như dự báo khiến một số nhà đầu tư bán khống các hợp đồng chỉ số USD Index hiện thực hóa lợi nhuận, nỗi lo sợ chiến tranh có thể đang thúc đẩy dòng tiền tìm đến USD như một tài sản trú ẩn an toàn. Là đồng tiền của nền kinh tế số 1 thế giới, cũng như là phương tiện giao dịch chính trong các hợp đồng mua bán vũ khí, mỗi khi nguy cơ chiến tranh nổ ra ở bất kỳ đâu, đồng USD thường có xu hướng tăng giá. |
Theo đó, nếu xung đột tại Trung Đông trong thời gian tới nếu tiếp tục leo thang nghiêm trọng hơn có thể sẽ lại hỗ trợ cho đồng bạc xanh đi lên. Ngoài ra, nếu Iran và Irsael bị kéo vào cuộc xung đột trực tiếp và tấn công lẫn nhau vào các cơ sở khai thác dầu, giá dầu thế giới có thể vọt tăng mạnh. Khi đó, lộ trình nới lỏng chính sách của các ngân hàng trung ương (NHTW) có thể bị chững lại trước e ngại lạm phát sẽ bùng phát trở lại do ảnh hưởng bởi giá dầu. Đây là điều mà các nhà đầu tư đang lo lắng nhất hiện nay.
Điều này cũng có thể khiến diễn biến tỷ giá trong nước lại trở nên khó lường hơn trong những tháng cuối năm, nhất là khi nhu cầu vay USD để nhập khẩu phục vụ cao điểm sản xuất kinh doanh trong quý 4. Số liệu công bố mới nhất của Cục thống kê Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy tiền gửi bằng ngoại tệ đến cuối tháng 9 vừa qua tăng hơn 23% so với đầu năm, phản ánh nhu cầu nắm giữ USD có thể đang tăng trở lại.
Ngoài USD, vàng cũng là một trong những kênh trú ẩn an toàn được nhiều nhà đầu tư lựa chọn, bằng chứng là giá vàng đã tăng mạnh và duy trì ở mức cao trong những tuần gần đây. Theo đó, thị trường vàng trong nước cũng hòa cùng nhịp điệu đi lên với giá vàng quốc tế, đặc biệt là vàng nhẫn khi mà vàng SJC đang được điều tiết giá theo cơ quan quản lý. Với nhu cầu vàng có thể tăng trở lại trong khi nguồn cung trong nước hạn hẹp, tình trạng gom USD để nhập lậu vàng có thể tái diễn và gây sức ép lên tỷ giá.
Số liệu cập nhật gần nhất cho thấy cán cân thanh toán quý 2 vừa qua thâm hụt hơn 6.07 tỷ USD, tăng mạnh so với mức thâm hụt 1.37 tỷ của quý 1 đầu năm. Dù tiếp tục ghi nhận xuất siêu hàng hóa và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn rót ròng, nhưng khoản mục “lỗi và sai sót” tiếp tục chứng kiến hơn 4.3 tỷ USD, sau khi đã ghi nhận con số hơn 8 tỷ USD trong quý 1 đầu năm. Và không loại trừ khả năng nguồn ngoại tệ đã được sử dụng để phục vụ cho việc nhập lậu vàng cũng đã góp phần khiến khoản lỗi và sai sót vẫn ở mức cao.