Không nên làm “đứt gãy di sản” Eximbank như thế!
Không nên làm “đứt gãy di sản” Eximbank như thế!
HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) vừa công bố quyết định triệu tập Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua việc thay đổi địa điểm trụ sở chính và các nội dung khác thuộc thẩm quyền. Trước đó, tại các kỳ ĐHĐCĐ thường niên, Eximbank cho biết đang triển khai đầu tư xây dựng trụ sở mới tại khu đất số 7, Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TPHCM. Dự án này đang xin ý kiến lãnh đạo Thành phố về công tác điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Eximbank đã có kế hoạch chuyển trụ sở từ tầng 8, tòa nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM sang tòa nhà văn phòng (Fideco Center) tại số 28 Phùng Khắc Khoan, phường Đa Kao, quận 1, TPHCM. Tuy nhiên, tờ trình này không được ĐHĐCĐ thông qua.
Một điểm đáng lưu ý, tại lần triệu tập ĐHĐCĐ bất thường diễn ra vào đầu tháng 8, CTCP Tập đoàn Gelex (Gelex, HOSE: GEX) đã hoàn tất nâng sở hữu lên 174.6 triệu cp EIB, tương đương 10% vốn điều lệ và trở thành cổ đông lớn nhất của Eximbank. Tập đoàn Gelex có trụ sở chính tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Một số thành viên của Hội đồng quản trị Eximbank từng là lãnh đạo của các doanh nghiệp trú đóng ở khu vực phía Bắc.
Không đề cập đến những lý do “bình thường” khác, chỉ đặt trong điều kiện cần và đủ hiện nay cũng như yêu cầu phát triển một “kỷ nguyên vươn mình” của đất nước nói chung, TPHCM nói riêng thì sự thay đổi, dịch chuyển trụ sở chính của Eximbank cho thấy có dấu hiệu “bất thường”.
Bởi, trước hết trong định hướng quốc gia đã được thể hiện trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, trong nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phát triển TP.HCM giai đoạn đến 2030 tầm nhìn 2045 và nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam Bộ có mục tiêu phát triển trung tâm tài chính TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và từng bước thành trung tâm tài chính quốc tế.
Ông Philipp Rösler - lãnh sự danh dự Việt Nam tại Thụy Sĩ, Chủ tịch Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Thụy Sĩ, người được Thủ tướng mời tham gia tổ nghiên cứu, tư vấn xây dựng trung tâm tài chính tại TP.HCM đã nhận định “Cùng với làn sóng trí tuệ nhân tạo (AI) và nghị quyết 98 với nhiều cơ chế đột phá, TP.HCM đang ở thời điểm lý tưởng để biến giấc mơ xây dựng trung tâm tài chính thành hiện thực”.
Vị chuyên gia gốc Việt này còn nhấn mạnh thêm rằng, nếu nhìn vào những trung tâm tài chính quốc tế đã được xây dựng, có thể thấy rõ lợi ích mà chúng đem đến cho lĩnh vực ngân hàng và tài chính. Nó còn phục vụ cho việc cung cấp tín dụng và vay vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), các doanh nghiệp gia đình, phù hợp với nhu cầu cụ thể của nền kinh tế.
Hệ sinh thái của một trung tâm tài chính quốc tế không thể thiếu trụ cột của hệ thống ngân hàng thương mại - cổ phần. Với Eximbank, vấn đề không chỉ ở chỗ thay đổi, dịch chuyển một trụ sở mà quan trọng là trụ sở ấy gắn liền với một “di sản” của doanh nghiệp nói riêng, của TPHCM nói chung, ghi dấu đột phá về thời kỳ Đổi mới sau năm 1986.
Hẳn không phải ai cũng biết và còn nhớ kỳ tích từ năm 1987, lần đầu tiên trên cả nước xuất hiện một ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên là Ngân hàng Công thương TPHCM, tiếp đến là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cùng ngân hàng liên doanh đầu tiên là IndoVina Bank trú đóng ở thành phố và ngân hàng nước ngoài đầu tiên chọn TPHCM làm địa bàn hoạt động là Banque Indosuez (Pháp). Những dấu mốc đầu tiên ấy là chỉ dấu cho một nội lực thị trường, mãi lực tài chính của vùng đất này, song hành cùng tiến trình đổi mới, mở cửa, hội nhập và phát triển của đất nước.
Do đó, nhìn từ một sự vụ của Eximbank ngày nay, thiết nghĩ không nên tạo ra một tiền lệ “quay lưng với quá khứ”. Bởi xét về mặt nào đó nó làm đứt gãy một dòng chảy cần có sự tiếp nối, kế thừa thì từ đó, sức phát triển mới có căn cơ, cội nguồn, tạo ra uy tín, sức thuyết phục, tin cậy lẫn nhau.
Di sản của hơn 40 năm ấy làm nên danh tiếng đô thị và là môi trường đầu tư kinh doanh, các ngành tài chính tập trung - hai trong 5 trụ cột để hình thành và phát triển 1 trung tâm tài chính quốc tế - theo TS Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù phát triển TP.HCM.
Điều đáng nói là, trong 3 thành phố có lợi thế để trở thành trung tâm tài chính quốc gia - quốc tế thì TPHCM lại có vị trí độc nhất ở trung tâm Đông Nam Á, gần gũi về địa lý với các nước còn lại để từ đó, có thể trở thành trung tâm cho không chỉ Việt Nam mà là toàn bộ khu vực.
Đó là chưa kể, hiện TPHCM cũng dẫn đầu cả nước về hạ tầng fintech - công nghệ tài chính, có khả năng chấp nhận những công nghệ mới như blockchain, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số... cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới.
Một trong những ưu tiên hành động của tân Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng là phát triển mạnh mẽ dịch vụ tài chính, ngân hàng; tập trung thực hiện định hướng mục tiêu phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM. Điều đó cho thấy ưu tiên của chính quyền thành phố, cũng là trách nhiệm gánh vác của đầu tàu kinh tế với cả nước bởi xét đến cùng, như phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong cuộc họp Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo xây dựng đề án Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam hôm 30/9 vừa qua thì “mục tiêu của việc xây dựng trung tâm tài chính là để hình thành thị trường tài chính. Phát triển các dịch vụ tài chính và các dịch vụ đi theo để huy động nguồn lực tài chính cho sự phát triển của hai thành phố ( Đà Nẵng và TPHCM), đất nước nói chung”.
Cho nên, cần xác tín vị trí trụ sở của Eximbank một cách bình thường ở nơi nó được sinh ra, lớn lên, trưởng thành chứ không nên để diễn tiến bất thường như tại đại hội đông cổ đông vừa qua.