Kiểm toán độc lập cần giải pháp để giữ gìn niềm tin của công chúng
Kiểm toán độc lập cần giải pháp để giữ gìn niềm tin của công chúng
Hơn 30 năm qua, kiểm toán độc lập ngày càng thể hiện vai trò là một thiết chế quan trọng trong việc đảm bảo tính minh bạch và tin cậy của thông tin tài chính. Tuy nhiên, hoạt động kiểm toán tại Việt Nam cũng còn không ít vấn đề.
Hai mặt sáng - tối
Ngày 13-5-1991, công ty kiểm toán đầu tiên tại Việt Nam được thành lập, đánh dấu sự ra đời của hoạt động kiểm toán độc lập trong nước. Theo thống kê từ Bộ Tài chính, tính đến năm 2023, cả nước có 219 doanh nghiệp kiểm toán và gần 2.300 kiểm toán viên đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện cung cấp dịch vụ/hành nghề kiểm toán trên thị trường. Trong đó, sự hiện diện đáng kể của các công ty kiểm toán quốc tế lớn như Deloitte, PwC, Ernst & Young và KPMG tại Việt Nam là một chỉ dấu cho thấy sự trưởng thành của ngành kiểm toán độc lập trong tiến trình hội nhập với các chuẩn mực quốc tế về kế toán, kiểm toán và quản trị doanh nghiệp. Nhìn chung, quy mô và chất lượng của dịch vụ này đã không ngừng phát triển, đồng pha với sự tăng trưởng của thị trường tài chính cũng như nền kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng ngành kiểm toán độc lập trong nước cũng đang đối mặt với nhiều thách thức. Sự chênh lệch về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm và quy mô giữa các công ty kiểm toán trong nước và quốc tế là một trong những vấn đề cần được lưu tâm. Đặc biệt, việc tuân thủ các chuẩn mực kế toán và đạo đức nghề nghiệp của các đơn vị kiểm toán, người hành nghề kiểm toán là vấn đề công chúng rất quan tâm và đặt ra nhiều hoài nghi.
Thời gian gần đây, nhiều vụ án nghiêm trọng gây chấn động công luận xảy ra trên thị trường liên quan đến tính minh bạch của các báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập. Hiện trạng này khiến dư luận đặt câu hỏi về vai trò thực sự của kiểm toán trong việc bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và sự ổn định của thị trường tài chính. Đáng chú ý, Việt Nam đã có kiểm toán viên phải chịu án tù hoặc bị đình chỉ hoạt động vì những sai phạm trong quá trình hành nghề, biến kiểm toán độc lập từ vai trò “người gác cổng” cho tính minh bạch của thị trường thành “người giúp sức” cho những hành vi không minh bạch.
Mức phạt tiền đối với vi phạm về kiểm toán độc lập tại Việt Nam khá thấp so với thông lệ quốc tế, tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Tại Mỹ, một hãng kiểm toán quốc tế từng bị áp mức phạt cao gấp 100 lần so với giá trị hợp đồng dịch vụ do không tuân thủ chuẩn mực kiểm toán. |
Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, từ năm 2013 đến nay, cả nước có đến 114 kiểm toán viên bị đình chỉ hành nghề kiểm toán và ba doanh nghiệp kiểm toán bị đình chỉ kinh doanh do các sai phạm nghiêm trọng về chuẩn mực kiểm toán và đạo đức hành nghề. Những bê bối đã xảy ra dù chỉ mang tính cá biệt nhưng đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của ngành.
Nguyên nhân chủ quan của việc này đến từ chính các vấn đề của các doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán viên. Nhiều doanh nghiệp kiểm toán trong nước, quy mô nhỏ, chưa xây dựng và vận hành hiệu quả chính sách, thủ tục kiểm soát chất lượng dịch vụ. Với nguồn lực mỏng, những đơn vị này chịu sức ép lớn về doanh thu, chi phí nên lao vào cuộc đua giảm giá và xem nhẹ chất lượng dịch vụ. Mặc dù một số hãng kiểm toán lớn đã xây dựng được cơ chế, thủ tục kiểm soát chất lượng dịch vụ nhưng việc tổ chức vận hành và giám sát lỏng lẻo, chưa hiệu quả dẫn đến những hành vi sai phạm nghiêm trọng. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy năng lực nghiệp vụ và ý thức tuân thủ chuẩn mực kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận kiểm toán viên chưa đáp ứng yêu cầu.
Nguyên nhân khách quan đến từ nhiều khía cạnh, trong đó phải kể đến tính hợp tác của các doanh nghiệp và tính hiệu quả trong cơ chế quản lý, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật của Nhà nước. Sự hiện diện của kiểm toán độc lập tại Việt Nam hơn ba thập niên vừa qua đã dần thiết lập nên nhận thức về tầm quan trọng của minh bạch thông tin trong quản trị doanh nghiệp và trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, không ít giới chủ tại các doanh nghiệp chưa thực sự coi kiểm toán là một công cụ hỗ trợ quản trị hiệu quả, mà chỉ xem đây là thủ tục bắt buộc phải tuân thủ, dẫn đến việc không hợp tác đầy đủ với kiểm toán viên, thậm chí còn che giấu thông tin. Điều này làm hạn chế đáng kể khả năng thu thập thông tin, bằng chứng cần thiết để kiểm toán viên thực hiện công việc.
Ngoài ra, cơ chế quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ kiểm toán của cơ quan hữu quan vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đủ mạnh mẽ, chặt chẽ để ngăn chặn và xử lý kịp thời, thích đáng hành vi sai phạm. Vấn đề nằm ở cả khung pháp lý lẫn cách thức và nguồn lực vận hành cơ chế.
Thách thức quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán
Về mặt pháp lý, quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực kiểm toán độc lập còn nhiều bất cập, từ thẩm quyền, chế tài đến thời hiệu. Hiện tại, thẩm quyền xử phạt thuộc về Chánh thanh tra Bộ Tài chính. Trong khi đó, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán là cơ quan quản lý trực tiếp lại chưa được giao thẩm quyền này. Điều này không đảm bảo được tính kịp thời và hiệu quả trong công tác phát hiện, lập biên bản và ra quyết định xử lý vi phạm.
Về chế tài, mức phạt đối với vi phạm hành chính về kiểm toán độc lập hiện được thực hiện theo Luật Kiểm toán độc lập và Nghị định 41 năm 2018 của Chính phủ với mức phạt tiền tối đa là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt này khá thấp so với thông lệ quốc tế cũng như tính chất nghiêm trọng của các sai phạm (đối với hành vi không tuân thủ chuẩn mực kiểm toán, đạo đức nghề nghiệp ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo kiểm toán phát hành). Vì vậy, mức chế tài này thiếu tính răn đe và không đạt được hiệu quả của hoạt động xử lý vi phạm.
Theo thông lệ quốc tế, mức phạt đối với hành vi loại này tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của sai phạm, thường có giá trị rất lớn, thậm chí không có giới hạn tối đa. Tại Anh vào năm 2017, một công ty kiểm toán đã bị áp mức phạt lên đến 5,1 triệu bảng Anh và kiểm toán viên phụ trách cũng bị phạt 115.000 bảng Anh vì đã thực hiện hành vi kiểm toán tại một doanh nghiệp vào năm 2011 nhưng không tuân theo đúng chuẩn mực và quy trình kiểm toán. Tại Mỹ, một hãng kiểm toán quốc tế từng bị áp mức phạt cao gấp 100 lần so với giá trị hợp đồng dịch vụ vì phát hành báo cáo kiểm toán đối với Công ty dầu khí Miller Energy Resources không tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.
Thời hiệu xử phạt đối với các vi phạm pháp luật về kiểm toán độc lập chỉ một năm, điều này không phù hợp với mức độ phức tạp của các hành vi sai phạm trong lĩnh vực này. Thực tế cho thấy các sai phạm liên quan đến kiểm toán độc lập được phát hiện trong một số đại án gần đây đã được thực hiện nhiều năm trước đó nhưng khi phát hiện ra thì đã hết thời hiệu xử phạt. Hơn nữa, hồ sơ kiểm toán hàng năm của mỗi doanh nghiệp kiểm toán là rất lớn. Với số lượng hơn 200 doanh nghiệp kiểm toán đang hoạt động, cơ quan hữu trách không đủ nguồn lực để giám sát và phát hiện vi phạm. Do đó, mở rộng giới hạn về thời hiệu là điều cần thiết để tăng tính răn đe và hình thành ý thức tuân thủ của doanh nghiệp và những cá nhân hành nghề.
Thêm vào đó, trong bối cảnh tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, Bộ Tài chính đối mặt với một thách thức khá lớn trong việc xây dựng một đội ngũ cần thiết về số lượng, năng lực và kinh nghiệm phục vụ cho công tác kiểm soát chất lượng dịch vụ. Với tình hình nhân sự mỏng, chưa trải qua thực tế hành nghề, Bộ Tài chính phải huy động lực lượng nhân sự từ các doanh nghiệp kiểm toán lớn để tham gia hoạt động kiểm tra hồ sơ kiểm toán. Phương án này giải quyết được bài toán về nguồn lực nhưng lại phát sinh rủi ro về xung đột lợi ích giữa các đối thủ cạnh tranh với nhau trên cùng thị trường cung cấp dịch vụ kiểm toán độc lập.
Do vậy, Việt Nam cần phải có cơ chế để huy động sự tham gia của hiệp hội nghề nghiệp trong hoạt động giám sát, kiểm tra tính tuân thủ chuẩn mực kế toán, đạo đức nghề nghiệp của các kiểm toán viên cũng như chất lượng dịch vụ kiểm toán nói chung. Đồng thời, xu hướng ứng dụng các phần mềm kiểm toán tiên tiến, phân tích dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát chất lượng kiểm toán và phát hiện sớm các dấu hiệu gian lận hoặc sai phạm đang là xu hướng được thúc đẩy bởi nhiều quốc gia để giải quyết các thách thức về quản lý trong lĩnh vực này.
Lưu Minh Sang, Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM