Làn sóng bán tháo trái phiếu trên toàn cầu
Làn sóng bán tháo trái phiếu trên toàn cầu
Làn sóng bán tháo đang lan rộng trên thị trường trái phiếu toàn cầu khi các nhà đầu tư buộc phải đánh giá lại kỳ vọng về tốc độ cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 2 năm đã tăng tới 2 điểm cơ bản trong phiên ngày 22/10, trong khi lợi suất kỳ hạn 10 năm vượt 4.2% lần đầu tiên kể từ tháng 7.
Đợt bán tháo nhanh chóng lan sang các thị trường chủ chốt khác. Tại châu Âu, lãi suất trái phiếu 10 năm của Đức đã leo lên mức cao nhất kể từ đầu tháng 9. Tại châu Á, lợi suất trái phiếu chuẩn của Úc tăng vọt tới 16 điểm cơ bản, phản ánh sự lo ngại ngày càng tăng của nhà đầu tư.
Nguyên nhân sâu xa của đợt bán tháo này đến từ việc đánh giá lại triển vọng chính sách tiền tệ của Mỹ. Các nhà giao dịch đang giảm bớt đặt cược vào việc Fed sẽ nới lỏng quyết liệt, khi nền kinh tế Mỹ vẫn thể hiện sức mạnh đáng kể và các quan chức Fed tuần này đã thể hiện thái độ thận trọng về tốc độ cắt giảm lãi suất trong tương lai.
Thêm vào đó, giá dầu tăng và khả năng thâm hụt tài khóa mở rộng sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ càng làm tăng thêm lo ngại của thị trường.
Robert Dishner, nhà quản lý danh mục đầu tư cao cấp tại Neuberger Berman, nhận định: "Khi chưa đầy hai tuần nữa là đến bầu cử Mỹ, những lo ngại về triển vọng tài khóa và áp lực lạm phát tiềm ẩn đã trở nên cấp bách hơn”.
Tác động của đợt bán tháo đã khiến đường cong lợi suất Mỹ trở nên dốc hơn, với chênh lệch giữa lợi suất kỳ hạn 3 tháng và 10 năm đang ở mức thấp nhất trong gần 2 năm. Ed Yardeni, nhà sáng lập Yardeni Research, dự báo lợi suất trái phiếu 10 năm của Mỹ có thể chạm mức 4.5% vào đầu năm sau.
Trên thị trường giao dịch hoán đổi, các nhà giao dịch đã giảm kỳ vọng về mức độ cắt giảm lãi suất của Fed đến tháng 9/2025 hơn 10 điểm cơ bản kể từ cuối tuần trước, ngụ ý lãi suất mục tiêu của Fed sẽ ở mức 3.50%-3.75%. Apollo Management thậm chí dự đoán Fed có thể giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp tới, trong khi T. Rowe Price nhận định lợi suất trái phiếu 10 năm có thể tăng lên 5% vào năm tới.
Xu hướng này cũng lan sang các thị trường khác. Tại Úc, kỳ vọng về mức độ cắt giảm lãi suất đã giảm một nửa so với tháng 9. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được dự báo sẽ tăng lãi suất sớm hơn, vào tháng 6 thay vì sau tháng 7 như dự đoán trước đó. Keisuke Tsuruta, Chiến lược gia trái phiếu cao cấp tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley Securities, cảnh báo nhu cầu nắm giữ dài hạn trái phiếu 10 năm Nhật Bản có thể bị hạn chế do rủi ro lãi suất cao.
Trong khi đó, Lucinda Haremza từ Mizuho Securities cho rằng thị trường có thể chỉ điều chỉnh nhẹ, đồng thời cảnh báo về khả năng tăng mạnh do căng thẳng Trung Đông hoặc kết quả bầu cử Mỹ. BlackRock Investment Institute cũng đã giảm tỷ trọng trái phiếu kỳ hạn ngắn, cho rằng các yếu tố như lực lượng lao động già đi và thâm hụt ngân sách dai dẳng sẽ giữ lạm phát và lãi suất chính sách cao hơn trong trung hạn.