Nên hay không bỏ room tín dụng?
Nên hay không bỏ room tín dụng?
Việc bỏ room tín dụng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng phát huy tiềm năng, nhưng đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ và các biện pháp hỗ trợ phù hợp từ phía cơ quan quản lý. Điều này không chỉ giúp duy trì sự ổn định cho hệ thống ngân hàng mà còn đảm bảo tăng trưởng tín dụng bền vững, phòng tránh rủi ro cho nền kinh tế.
Tại Nghị quyết số 62/2022 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội XV, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ “nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng”.
Báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 62, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, đang tiếp tục rà soát để từng bước dỡ bỏ hoàn toàn biện pháp này. Trong quá trình triển khai, NHNN nhận thấy còn một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, hiện áp lực lạm phát vẫn còn hiện hữu, gây thách thứ cho công tác điều hành chính sách tiền tệ và tín dụng của NHNN khi vừa phải hỗ trợ phục hồi kinh tế vừa phải đảm bảo kiểm soát lạm phát. Chính vì vậy, việc duy trì công cụ hạn mức tín dụng là nhằm đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng, qua đó góp phần tích cực trong kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Việc nên hay không bỏ room tín dụng, trước đây đã được nhiều chuyên gia đưa ra bàn luận. Một số quan điểm ủng hộ, cho rằng điều này sẽ giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) linh hoạt hơn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh, mở rộng tín dụng, từ đó hỗ trợ phát triển nền kinh tế. Tuy nhiên, ý kiến phản biện lại cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn liên quan đến việc bãi bỏ một công cụ kiểm soát tín dụng đã đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định vĩ mô.
Room tín dụng: Công cụ kiểm soát hay cản đường phát triển?
Room tín dụng được áp dụng tại Việt Nam chính thức từ năm 2011 - thời điểm tín dụng tăng trưởng cao cùng với lạm phát vượt ngưỡng. NHNN áp dụng room tín dụng như một công cụ để kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, qua đó đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng và kiểm soát lạm phát. Mỗi năm, NHNN phân bổ mức tăng trưởng tín dụng tối đa cho từng ngân hàng, dựa trên những yếu tố như năng lực tài chính, chất lượng quản trị rủi ro và tình hình kinh tế vĩ mô.
Chẳng hạn như giai đoạn 2020-2021, khi đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, NHNN đã nới room tín dụng cho một số ngân hàng có khả năng quản lý rủi ro tốt để thúc đẩy dòng chảy vốn vào những lĩnh vực ưu tiên như sản xuất, nông nghiệp và hạ tầng. Điều này cho thấy, room tín dụng có thể được sử dụng linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế trong từng giai đoạn cụ thể.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế đang phục hồi và nhu cầu vốn vay tăng cao, room tín dụng đang trở thành yếu tố cản trở sự phát triển của các ngân hàng. Nhiều NHTM phản ánh rằng, room tín dụng “cứng nhắc” khiến họ khó mở rộng cho vay, ngay cả khi nhu cầu tín dụng hợp lý và tiềm năng. Một ngân hàng A trong quý 3/2022 đã gần chạm ngưỡng room tín dụng được cấp, dẫn đến phải từ chối các khoản vay mới, dù các dự án vay vốn thuộc lĩnh vực sản xuất, chế biến và có tỷ lệ rủi ro thấp.
Dẫn đến tăng trưởng nóng?
Một trong những mối lo lớn nhất khi bỏ room tín dụng là rủi ro tăng trưởng tín dụng nóng - kịch bản đã xảy ra trong giai đoạn 2011-2013. Giai đoạn đó, các ngân hàng ồ ạt mở rộng tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro như bất động sản và chứng khoán, không chú trọng đến chất lượng tín dụng. Điều này đã dẫn đến sự gia tăng đột ngột của nợ xấu, gây áp lực nặng nề lên hệ thống tài chính và buộc NHNN phải can thiệp mạnh mẽ bằng các chính sách thắt chặt tiền tệ và xử lý nợ xấu.
Đơn cử như vào năm 2009 và 2010, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn ngành vượt ngưỡng 25%. Nợ xấu tăng vọt khiến không ít ngân hàng nhỏ rơi vào tình trạng rủi ro thanh khoản, thậm chí có nguy cơ mất khả năng thanh toán. NHNN phải tung ra gói hỗ trợ thanh khoản thông qua các biện pháp tái cấp vốn và hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn, cùng với việc siết chặt hoạt động cấp tín dụng.
Dù hiện nay, qua từng thời kỳ, hệ thống ngân hàng đã dần hoàn thiện, tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị rủi ro quốc tế, như Basel III, nhưng nguy cơ tăng trưởng tín dụng nóng vẫn luôn tiềm ẩn. Nhiều chuyên gia cảnh báo nếu bỏ room tín dụng mà không có các công cụ điều tiết phù hợp, sự cạnh tranh gay gắt trong ngành ngân hàng có thể dẫn đến việc các NHTM đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao, sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng tín dụng tương tự.
Công cụ thay thế room tín dụng?
Nếu bỏ room tín dụng, NHNN vẫn có thể dựa vào các công cụ khác để kiểm soát tín dụng và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, hiệu quả của từng công cụ đối với nền kinh tế và hiệu quả với mục tiêu NHNN đặt ra đạt đến đâu là điều cần phải cân nhắc kỹ.
Bên cạnh room tín dụng, một số công cụ phổ biến đã được chứng minh là hiệu quả trong nhiều nền kinh tế khác.
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc - khoản tiền dự phòng quan trọng giúp ngân hàng đảm bảo hoạt động trong bất kỳ tình huống rủi ro nào xảy ra. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc cao buộc các ngân hàng phải giữ lại nhiều vốn hơn, từ đó giúp giảm thiểu rủi ro khi mở rộng tín dụng quá mức. Hiện nay, tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 3% đối với tiền gửi VND không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 12 tháng; tỷ lệ dự trữ 1% đối với tiền gửi có kỳ hạn trên 12 tháng. Tiền gửi ngoại tệ áp dụng tỷ lệ dữ trự 1%, 6% và 8% tùy từng loại tiền gửi.
Theo tiêu chuẩn Basel III, các ngân hàng phải duy trì tỷ lệ an toàn vốn ở mức tối thiểu (CAR), nhằm đảm bảo đủ vốn để chống lại các rủi ro tín dụng và thanh khoản. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%. Các ngân hàng quy mô lớn như Vietcombank, BIDV, TCB hiện đang tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn an toàn vốn theo Basel III, nhờ đó giúp kiểm soát tốt rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng.
Lãi suất điều hành cũng là một trong những công cụ được NHNN sử dụng hữu hiệu để điều tiết dòng tiền trong nền kinh tế. Hậu COVID-19, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm mạnh lãi suất điều hành để kích thích kinh tế, đồng thời kiểm soát tín dụng. Khi tín dụng tăng trưởng quá nhanh, Fed có thể tăng lãi suất để làm giảm nhu cầu vay vốn, qua đó kiểm soát dòng chảy tín dụng cũng như lạm phát.
NHNN tăng cường giám sát chất lượng tín dụng đối với các khoản vay có rủi ro cao. Năm 2020, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng tăng cường giám sát các khoản vay bất động sản, yêu cầu trích lập dự phòng nhiều hơn cho các khoản vay có tính rủi ro cao để tránh tình trạng nợ xấu gia tăng.
Thông tư số 22/2023/TT-NHNN quy định, hệ số rủi ro tín dụng 200% được áp dụng đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản. Đối với tài sản là khoản cấp tín dụng tài trợ dự án kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, hệ số rủi ro tín dụng là 160%. Hệ số rủi ro 150% áp dụng cho các khoản vay có dư nợ trên 4 tỷ đồng mà cá nhân vay phục vụ nhu cầu tiêu dùng (theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019).
Việc bỏ room tín dụng có thể là một bước cần được xem xét thận trọng, dựa trên nhiều khía cạnh và quan trọng trong việc tăng tính tự chủ cho các ngân hàng, giúp linh hoạt hơn trong việc phát triển kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng phải song hành với kiểm soát công tác quản trị rủi ro cho mỗi ngân hàng và toàn hệ thống. Bỏ room tín dụng hay không cần phải được thực hiện từng bước, dựa trên sự thích ứng của hệ thống ngân hàng trong từng điều kiện kinh tế. Hệ lụy tiêu cực của tăng trưởng tín dụng nóng giai đoạn 2011-2013 là một bài học cần được xem xét kỹ để tránh khủng hoảng tái diễn.
Nhìn tổng thể, việc bỏ room tín dụng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng phát huy tiềm năng, nhưng đòi hỏi sự giám sát chặt chẽ và các biện pháp hỗ trợ phù hợp từ phía cơ quan quản lý. Điều này không chỉ giúp duy trì sự ổn định cho hệ thống ngân hàng mà còn đảm bảo tăng trưởng tín dụng bền vững, phòng tránh rủi ro cho nền kinh tế.