Samsung trả giá đắt vì chậm chân trong cuộc đua AI: 122 tỷ USD vốn hóa "bốc hơi"
Samsung trả giá đắt vì chậm chân trong cuộc đua AI: 122 tỷ USD vốn hóa "bốc hơi"
Câu chuyện về sự sụt giảm ngoạn mục của Samsung Electronics đang khiến giới đầu tư toàn cầu phải suy ngẫm. Chỉ vài tháng trước, gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc còn được kỳ vọng sẽ là một trong những người hưởng lợi lớn nhất từ làn sóng AI toàn cầu. Thế nhưng, thực tế đã diễn ra theo một kịch bản hoàn toàn khác.
Câu chuyện của Samsung cũng cho thấy mọi thứ có thể xoay chuyển nhanh như thế nào trong một ngành công nghiệp mà phần thưởng luôn thuộc về những ai duy trì được lợi thế công nghệ.
Cú trượt dài của Samsung đến từ hai mặt trận công nghệ quan trọng. Một là việc để vuột mất vị thế vào tay đối thủ nhỏ hơn SK Hynix trong lĩnh vực bộ nhớ AI. Hai là khoảng cách công nghệ ngày càng nới rộng với TSMC trong mảng sản xuất chip gia công.
Kết quả, cổ phiếu Samsung đã lao dốc 32% kể từ đỉnh ngày 09/07, mức sụt giảm mạnh nhất trong số các nhà sản xuất chip toàn cầu. Vốn hóa "bốc hơi" 122 tỷ USD trong khoảng thời gian này, một con số kỷ lục trong ngành.
Samsung đã hứa hẹn một cuộc cải tổ để lấy lại khả năng cạnh tranh, nhưng các công ty quản lý quỹ quốc tế vẫn tỏ ra hoài nghi. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 10.7 tỷ USD cổ phiếu Samsung kể từ cuối tháng 7.
Khối ngoại tháo chạy khỏi Samsung
"Chúng tôi đã giảm hơn một nửa vị thế ở Samsung trong vài tháng qua", Sat Duhra, quản lý danh mục đầu tư tại Janus Henderson Investors SP cho biết, đồng thời khẳng định "không có ý định" mua vào thời điểm này.
Mặc dù điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử tiêu dùng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số, mảng bán dẫn mới là nguồn đóng góp chính cho lợi nhuận Samsung trong những năm gần đây. Trước khủng hoảng gần đây trong mảng kinh doanh chip, công ty đã phải gửi lời xin lỗi hiếm hoi tới các nhà đầu tư đầu tháng này về kết quả kinh doanh đáng thất vọng.
Câu chuyện của gã khổng lồ Hàn Quốc cho thấy AI là yếu tố then chốt tạo nên kẻ thắng người thua trong ngành chip hiện nay. Trong khi các nhà đầu tư nước ngoài dẫn đầu làn sóng tháo chạy khỏi Samsung, Nvidia lại trở thành một trong những công ty lớn nhất thế giới. Vốn hóa thị trường của TSMC, nhà sản xuất chính các chip được thiết kế bởi Nvidia và Apple, đã tăng thêm hơn 330 tỷ USD trong năm nay.
Còn với Samsung, tình hình xấu đi nhanh chóng. Cổ phiếu của công ty từng chạm mức kỷ lục sau khi báo cáo lợi nhuận hoạt động tăng gấp 15 lần trong quý 2/2024. Hồi đầu tháng 10, Samsung cũng thừa nhận chậm trễ trong việc sản xuất chip HBM thế hệ mới nhất, ngay sau khi SK Hynix thông báo đã bắt đầu sản xuất hàng loạt.
"Samsung đang mất vị thế dẫn đầu công nghệ trong lĩnh vực bán dẫn", Young Jae Lee, quản lý đầu tư cấp cao tại Pictet Asset Management ở London cho biết: "Vị thế dẫn đầu công nghệ về bản chất khó có thể lấy lại trong ngắn hạn".
Ngoài việc tụt hậu trong bộ nhớ AI, Samsung còn đang phải vật lộn với nỗ lực tốn kém, kéo dài nhiều năm để thu hẹp khoảng cách với TSMC trong lĩnh vực nhà máy đúc chip (foundry). Giống như Intel - công ty cũng gặp khó khăn tương tự với kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất chip gia công, Samsung hiện đang tiến hành cắt giảm việc làm và thực hiện các biện pháp khác để ngăn chặn tình trạng thua lỗ.
Ban lãnh đạo có thể phải nỗ lực rất nhiều để giành lại niềm tin của nhà đầu tư, ngay cả khi định giá cổ phiếu gần mức thấp kỷ lục và các chỉ báo kỹ thuật báo hiệu tình trạng bán quá mức.
"Chúng tôi không thấy nhiều thay đổi khi các Giám đốc điều hành và kỹ sư của Samsung đang rời bỏ công ty", Park Jinho, Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại NH-Amundi Asset Management ở Seoul, cho biết.