Trung Quốc đối mặt áp lực giảm phát ngày càng lớn
Trung Quốc đối mặt áp lực giảm phát ngày càng lớn
Áp lực giảm phát của Trung Quốc ngày càng tăng trong tháng 9, với giá tiêu dùng vẫn yếu và giá sản xuất tiếp tục giảm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng nhẹ 0.4% so với cùng kỳ nhờ sự tăng vọt của giá rau tươi. Nếu loại bỏ yếu tố thực phẩm và năng lượng, CPI cơ bản chỉ tăng 0.1% - mức thấp nhất kể từ tháng 2/2021.
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm tháng thứ 24 liên tiếp, theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm Chủ nhật (13/10). Lạm phát giá sản xuất giảm 2.8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn so với với mức giảm 2.6% mà các nhà kinh tế đã dự đoán.
Trong tháng 9/2024, giá thực phẩm tăng 3.3% so với cùng kỳ, trong khi giá rau tươi tăng vọt 22.9% sau khi tăng 21.8% trong tháng 8, đẩy lạm phát tăng 0.48 điểm phần trăm. Thời tiết bất lợi và nhu cầu theo mùa trước kỳ nghỉ lễ kéo dài một tuần ở Trung Quốc có thể đã đẩy giá trái cây và rau quả lên cao.
Những con số này cho thấy sự yếu kém của nhu cầu nội địa trước khi các nhà hoạch định chính sách tung ra hàng loạt biện pháp kích thích vào cuối tháng 9. Trung Quốc đang phải đối mặt với giai đoạn giảm phát dài nhất kể từ những năm 1990, với chỉ số giá tổng thể của nền kinh tế giảm trong 5 quý liên tiếp tính đến tháng 6/2024 - và có khả năng đã kéo dài đến tháng 9.
Đứng trước tình hình này, chính phủ Trung Quốc đã có nhiều động thái. Kể từ cuối tháng 9, Bắc Kinh đã cắt giảm lãi suất và tăng cường hỗ trợ cho thị trường bất động sản và chứng khoán. Mới đây nhất, vào ngày 12/10, Bộ Tài chính Trung Quốc đã hứa hẹn sẽ có thêm hỗ trợ cho ngành bất động sản đang suy thoái và các chính quyền địa phương.
"Lạm phát tổng thể vẫn thấp hơn đáng kể so với mục tiêu chính sách và nhu cầu vẫn yếu”, Bruce Pang, Chuyên gia kinh tế trưởng tại Jones Lang LaSalle, nhận định. "Với việc triển khai hiệu quả các chính sách hiện có cùng với các biện pháp mới, niềm tin và kỳ vọng của người tiêu dùng và nhà sản xuất sẽ nâng cao cùng với sự phục hồi dần dần của nhu cầu thị trường”.
Tiêu dùng yếu và sản lượng tăng nhanh đã dẫn đến cuộc chiến giá cả gay gắt trong các lĩnh vực bao gồm xe điện và năng lượng mặt trời. Giá xe bao gồm cả ô tô giảm 5.3%, trong khi các nhà sản xuất ô tô ghi nhận giá bán của họ giảm 2.3%.
Giảm phát không chỉ là vấn đề của riêng doanh nghiệp. Nó có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn nguy hiểm cho toàn bộ nền kinh tế. Khi giá cả giảm, người tiêu dùng có xu hướng trì hoãn mua sắm với hy vọng giá sẽ giảm thêm. Điều này làm giảm chi tiêu và đầu tư, từ đó dẫn đến tăng trưởng kinh tế yếu hơn và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn.