Tự doanh, môi giới hụt hơi, mảng cho vay gánh lợi nhuận quý 3 của công ty chứng khoán
Tự doanh, môi giới hụt hơi, mảng cho vay gánh lợi nhuận quý 3 của công ty chứng khoán
Tổng lợi nhuận của nhóm công ty chứng khoán sụt giảm trong quý 3/2024. Mức giảm có thể còn cao hơn nếu mảng cho vay không có một quý khả quan.
Theo dữ liệu của VietstockFinance, tổng lợi nhuận sau thuế của 80 công ty chứng khoán (CTCK) đạt hơn 5.58 ngàn tỷ đồng lãi sau thuế. Kết quả này đồng thời giảm 15% so với quý liền trước và 2% so với cùng kỳ.
Số CTCK báo lãi giảm so với quý 2 là 35/80 và so với quý 3 năm trước là 34/80. Đồng thời có 19 CTCK báo lỗ.
Kết quả kinh doanh quý 3/2024 của nhóm CTCK
Đvt: Tỷ đồng
|
Nguồn: VietstockFinance
|
Trong quý 3, hoạt động cho vay trở thành nguồn đóng góp chủ lực vào kết quả kinh doanh của CTCK. Lãi cho vay, phải thu đồng thời tăng so với cùng kỳ và quý trước. Quy mô lãi cho vay, phải thu đạt gần 6.1 ngàn tỷ đồng, gấp gần 2 lần doanh thu môi giới và lãi tự doanh.
Khép lại quý 3/2024, dư nợ cho vay (chủ yếu hoạt động margin) của nhóm CTCK tiếp tục được nâng lên cột mốc mới - gần 236.7 ngàn tỷ đồng, tăng 4% so với quý 2 liền trước và tăng 30% so với đầu năm nay.
Ngược chiều với mảng cho vay, mảng môi giới đang có xu hướng giảm doanh thu trong các quý gần đây; trong khi lợi nhuận từ mảng tự doanh không có nhiều đột phá.
Sự khó khăn của mảng môi giới và tự doanh phần nào thể hiện diễn biến thị trường quý 3. Thanh khoản thị trường đi xuống, khối lượng giao dịch 2 sàn HOSE và HNX bình quân đạt gần 17.8 ngàn tỷ đồng/phiên - thấp hơn mức 24 ngàn tỷ đồng/phiên của quý trước và 21.1 ngàn tỷ đồng/phiên nếu so với cùng kỳ năm 2023.
Về mặt điểm số, VN-Index nhiều lần nỗ lực vượt mốc 1,300 điểm bất thành và rung lắc quanh vùng 1,250 - 1,280 điểm. Thị trường không có đột phá khiến hoạt động tự doanh khó kiếm lời hơn trước.
Đi vào chi tiết, quý 3 năm nay, Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) dẫn dầu lợi nhuận toàn nhóm. Song đây là mức lợi nhuận sụt giảm, chỉ còn 877 tỷ đồng chứ không được ngàn tỷ đồng như quý trước. Đóng góp chính vào doanh thu hoạt động của TCBS vẫn là lãi từ cho vay, phải thu với hơn 706 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ.
Xếp thứ hai là Chứng khoán SSI với mức lãi ròng 750 tỷ đồng – mức tăng so với cùng kỳ song lại giảm so với quý trước. Quý 3, doanh thu môi giới của SSI giảm đến 36% nhưng bù lại, lãi từ tài sản FVTPL đạt 990 tỷ đồng, tăng 32%; lãi cho vay và phải thu đạt gần 550 tỷ đồng, tăng 27%.
Về thứ 3 là Chứng khoán VPS (VPSS). Công ty ghi nhận lãi ròng 656 tỷ đồng, đồng thời tăng so với quý trước và cùng kỳ.
Đối với Chứng khoán VNDIRECT (VND), 3 mảng kinh doanh chính là tự doanh, môi giới và cho vay đều gặp khó, khiến lãi ròng quý 3 giảm 21%, về còn 505 tỷ đồng.
Kết quả của các công ty trong top 10 có sự cách biệt lớn về lợi nhuận của nhóm dẫn đầu so với nhóm bám đuôi. Các vị trí xếp sau đều có lợi nhuận, nhưng thấp hơn mốc 300 tỷ đồng - cách xa so với nhóm trên.
Top 10 CTCK có lợi nhuận cao nhất
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|
Quý 3, một số Công ty có kết quả tăng mạnh. Chứng khoán LPBS báo lãi ròng tăng mạnh nhất toàn nhóm - tăng 95% so với quý 2 và gấp 3 lần cùng kỳ, do phát sinh lãi từ hoạt động cho vay, sau khi hoàn tất đăng ký nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margin). LPBS đã hoàn tất đăng ký nghiệp vụ giao dịch ký quỹ, ứng trước và triển khai mở rộng thị phần… qua đó tạo ra nguồn thu mới gần 48 tỷ đồng lãi từ hoạt động cho vay và hơn 13 tỷ đồng doanh thu mảng môi giới chứng khoán trong quý 3/2024.
Chứng khoán VPS, Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trên 100% với quý 3 năm trước.
Top 10 CTCK tăng trưởng lợi nhuận nhiều nhất
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: ViestockFinance
|
19 CTCK báo lỗ trong quý này - con số tương đương các quý trước. Chứng khoán APG dẫn đầu nhóm với khoản lỗ gần 150 tỷ đồng, do mảng tự doanh kém khả quan. Chênh lệch giảm đánh giá lại các tài sản tài chính FVTPL tăng đột biến - lên mức 160 tỷ đồng là tác nhân chính dẫn đến kết quả này.
Cuối quý 3, danh mục tài sản tài chính FVTPL của APG chủ yếu là cổ phiếu niêm yết có giá trị hợp lý hơn 503 tỷ đồng, thấp hơn 143 tỷ đồng so với giá gốc 646 tỷ đồng, phần nào phản ánh khoản lỗ nặng quý 3.
Chứng khoán Everest (EVS) xếp thứ hai với khoản lỗ ròng gần 28 tỷ đồng. Nguyên nhân chính cũng do tự doanh. Trong quý 3, EVS chỉ ghi nhận lãi từ tài sản tài chính FVTPL 23 tỷ đồng, giảm đến 81%; trong khi lỗ tài sản tài chính FVTPL tăng 54%, lên hơn 40 tỷ đồng. Kết quả này cũng đồng nghĩa với việc Công ty phải chịu lỗ gần 18 tỷ đồng mảng tự doanh, trong khi quý 3/2023 lãi hơn 93 tỷ đồng.
Một số khoản lỗ nổi bật khác thuộc về Chứng khoán Asean (SeASecurities), Chứng khoán Tân Việt (TVSI), Chứng khoán Phú Hưng (PHS), Chứng khoán SBS, Chứng khoán CVS với mức lỗ trên dưới 10 tỷ đồng.
Các công ty chứng khoán báo lỗ quý 3/2024
Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
|