Vực dậy thị trường vốn, giúp người dân và doanh nghiệp phát triển kinh doanh
Vực dậy thị trường vốn, giúp người dân và doanh nghiệp phát triển kinh doanh
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn nhưng do giá lên cao nên khó tiếp cận. Nhiều nơi, nhà ở thương mại được xây nhưng không có người ở cũng là một vấn đề cần phải xem xét.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh hội trình bày tóm tắt báo cáo thẩm tra. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
|
Tiếp tục Phiên họp thứ 38, sáng 9/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Báo cáo tóm tắt, thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tăng trưởng kinh tế phục hồi tích cực, cả năm ước đạt khoảng 6,8-7%, vượt mục tiêu Quốc hội đề ra (6-6,5%).
Trong đó, khu vực công nghiệp phục hồi tích cực trở lại, tốc độ tăng ước đạt 8,0%, là động lực quan trọng, dẫn dắt tăng trưởng kinh tế. Tính chung 9 tháng 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,4%, kim ngạch nhập khẩu tăng 17,3% so với cùng kỳ, xuất siêu đạt gần 20,79 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký hơn 24,8 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia được tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai và đưa vào khai thác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.
Công tác đối ngoại được triển khai chủ động, tích cực; quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, đối tác quan trọng ngày càng đi vào chiều sâu; ngoại giao đa phương được triển khai tích cực, đồng bộ; tham gia đóng góp hiệu quả hơn đối với các quan tâm của quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao tiềm lực, vị thế, uy tín, hình ảnh đất nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2024 còn đối diện với một số khó khăn, thách thức.
Tính chung 9 tháng năm 2024, bình quân một tháng có 18,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường; tỷ lệ số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trên số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường 9 tháng năm 2024 là 89,7%, cao hơn mức 79,3% của năm 2023; cầu nội địa và cầu quốc tế thấp cùng với tính cạnh tranh của hàng trong nước cao và khó khăn về tài chính là những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo.
Thị trường bất động sản có tín hiệu phục hồi nhưng còn khó khăn. Giá đất nền tại các quận nội thành và ven đô Hà Nội đã có dấu hiệu tăng nhanh trở lại, nhất là đối với các huyện có thông tin lên quận.
Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai đẩy giá đất lên cao khiến cho việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ trong khi cho người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận. Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở dù có nhiều nỗ lực, cố gắng song kết quả chưa như kỳ vọng.
Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp: Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; kiểm soát lạm phát, tỷ giá; tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ thực sự chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Đặc biệt, tăng cường quản lý, giám sát thị trường vàng, thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản cùng với đó có giải pháp để ổn định và thúc đẩy các thị trường phát triển, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư.
Vực dậy thị trường vốn giúp người dân và doanh nghiệp phát triển kinh doanh
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đồng tình với báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 của Chính phủ; đồng thời nhấn mạnh hiện nay thị trường vàng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro dù Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo Ngân hàng thương mại điều chỉnh giá vàng trong nước. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo quản lý, chấn chỉnh để thị trường vàng trong nước và quốc tế có mức giá không quá chênh lệch nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga phát biểu. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
|
Bà Lê Thị Nga cho rằng, thị trường bất động sản hiện nay đang rất "nóng" và có diễn biến rất phức tạp; giá nhà đất và chung cư lên rất cao khiến người lao động khó tiếp cận. Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng làm sao quản lý tốt về giá, giúp thị trường bất động sản hoạt động ổn định. Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm, cần đẩy nhanh ban hành các văn bản hướng dẫn để luật nhanh chóng đi vào đời sống.
Nhắc đến vấn đề tội phạm trên không gian mạng đang ngày càng gia tăng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tăng cường các biện pháp quản lý nhằm ngăn chặn tình trạng trên, hướng đến mục tiêu đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia mạng xã hội. Về vấn đề phòng, chống tham nhũng, thời gian qua, chúng ta đã làm rất tốt công tác chống tham nhũng nhưng việc phòng tham nhũng thì vẫn còn nhiều hạn chế.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh đánh giá cao kết quả thực hiện phát triển kinh tế-xã hội dù năm 2024 Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều vấn đề ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân như hỏa hoạn, bão lũ thiên tai, tuy nhiên Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục hiệu quả.
Ông Vinh nhấn mạnh việc hoàn thiện thể chế của chúng ta trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả cao, góp phần quan trọng để các ngành kinh tế mũi nhọn phát triển nhanh, bền vững. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa-Giáo dục lấy ví dụ ngành du lịch của Việt Nam đã hồi phục và phát triển rất nhanh sau đại dịch là minh chứng rõ nét cho việc hoàn thiện thể chế của nước ta theo hướng linh hoạt và hiệu quả.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết năm nay, chúng ta đã đạt được 14/15 chỉ tiêu là điều đáng mừng; mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội từ 6,8 đến 7% rất khả quan là kết quả mà Quốc hội và nhân dân rất mừng và tin tưởng vào bức tranh kinh tế của đất nước ta.
Chủ tịch Quốc hội khẳng định thời gian qua, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã kịp thời đến với người dân và doanh nghiệp để giải quyết khó khăn. Đặc biệt, trong đợt bão lũ vừa qua, lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi."
Trong thời gian ngắn, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã kêu gọi toàn dân đóng góp, ủng hộ bà con vùng lũ với số tiền lên đến hơn 5.000 tỷ là thành công rất lớn, là bài học kinh nghiệm cần phát huy.
Phân tích về thị trường bất động sản đang diễn biến phức tạp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải ngăn chặn hoạt động "lũng đoạn" trong thị trường đang diễn ra trong thời gian gần đây.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nhu cầu về nhà ở của người dân rất lớn nhưng do giá lên cao nên khó tiếp cận. Nhiều nơi, nhà ở thương mại được xây nhưng không có người ở cũng là một vấn đề cần phải xem xét, tìm hướng giải quyết. Bên cạnh đó, việc nhiều dự án về đất đai tại các địa phương bị ách tắc cần phải có hướng giải quyết hiệu quả; đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
"Cần vực dậy thị trường vốn giúp người dân và doanh nghiệp có thể vay để phát triển kinh doanh," Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh./.
Đỗ Bình