ASEAN trước ngưỡng cửa bất định khi Trump tái đắc cử
ASEAN trước ngưỡng cửa bất định khi Trump tái đắc cử
Chiến thắng của Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn về triển vọng thương mại và đầu tư tại khu vực ASEAN.
Mặc dù chiến lược "Trung Quốc cộng một" đã giúp khu vực này hưởng lợi đáng kể từ làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc, song căng thẳng mới giữa Washington và Bắc Kinh có thể tạo ra những thách thức không nhỏ cho các nền kinh tế Đông Nam Á.
Theo các chuyên gia, đề xuất của Trump về việc áp thuế 10-20% lên toàn bộ hàng nhập khẩu, cùng với khả năng tăng thuế lên tới 60% hoặc cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc, có thể định hình lại hoàn toàn bức tranh thương mại và đầu tư trong khu vực. Điều này thậm chí có thể đẩy nhanh hơn nữa xu hướng chuyển dịch sang ASEAN.
Lavanya Venkateswaran, Chuyên gia kinh tế cao cấp về ASEAN tại OCBC, dự báo hai kịch bản có thể xảy ra. Trong kịch bản đầu tiên, nếu Mỹ chỉ áp thuế 60% với hàng Trung Quốc, GDP của Trung Quốc có thể giảm một điểm phần trăm, trong khi tăng trưởng ASEAN-6 (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam) sẽ ít bị ảnh hưởng và tiếp tục hưởng lợi từ làn sóng đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Trong kịch bản này, Venkateswaran nói: "Nếu chỉ áp thêm thuế đối với hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, chúng tôi kỳ vọng lợi ích từ chiến lược Trung Quốc cộng 1 sẽ tiếp tục như những gì chúng ta đã thấy trong vài năm qua”.
Tuy nhiên, kịch bản thứ hai phức tạp hơn nhiều. Nếu Mỹ đồng thời áp thuế 60% lên hàng Trung Quốc và 10-20% lên tất cả đối tác thương mại khác, bao gồm cả ASEAN, tăng trưởng khu vực có thể sẽ chịu tác động tiêu cực đáng kể. Cụ thể, GDP của khối ASEAN-6 có thể giảm từ 0.7 đến 1.3 điểm phần trăm vào năm 2025 so với dự báo cơ sở của OCBC.
Trong số các nước ASEAN-6, Việt Nam được xác định là nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất trước các thay đổi chính sách thương mại của Washington, với tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm gần 30%. Tiếp theo là Thái Lan, Malaysia và Singapore - những quốc gia cũng có độ phơi nhiễm đáng kể với thị trường Mỹ.
Chua Hak Bin, đồng Trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô khu vực của Maybank cảnh báo rằng thuế quan toàn diện có thể thúc đẩy xu hướng đưa sản xuất về Mỹ, từ đó làm suy giảm dòng vốn FDI vào ASEAN. Đặc biệt, cam kết của Trump về việc trấn áp hành vi trốn thuế và chuyển hướng thương mại có thể gây tổn thất cho ASEAN và làm nản lòng các nhà đầu tư sản xuất Trung Quốc tại khu vực.
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Goh Puay Guan từ Trường Kinh doanh NUS lưu ý rằng xu hướng chuyển dịch sang ASEAN không chỉ bị thúc đẩy bởi yếu tố thuế quan. Các động lực vĩ mô khác như tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh của ASEAN, nguồn lao động dồi dào và chi phí tăng cao tại Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng. Xu hướng này đã manh nha từ thời đại dịch COVID-19, với việc các công ty Trung Quốc đầu tư mạnh vào khu vực để thâm nhập thị trường mới và phòng ngừa rủi ro tiếp cận thị trường Mỹ.
"Mặc dù xu hướng dài hạn về đa dạng hóa chuỗi cung ứng đã rõ ràng, nhưng những thay đổi cần có thời gian và không thể diễn ra chỉ sau một đêm", ông Goh nhấn mạnh. "Chi phí chắc chắn sẽ tăng khi doanh nghiệp phải điều chỉnh nhanh quy trình nguồn cung, sản xuất và vận chuyển".
Trước những thách thức này, các nền kinh tế ASEAN sẽ phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu gia tăng từ làn sóng dịch chuyển sản xuất tiềm năng.