Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sự cần thiết thông qua Luật Đầu tư công tại Kỳ họp thứ 8
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh sự cần thiết thông qua Luật Đầu tư công tại Kỳ họp thứ 8
Phát biểu giải trình tại Phiên họp Hội trường vào sáng 6/11 về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong trường hợp Luật không được thông qua tại kỳ họp thứ 8, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 sẽ được xây dựng theo Luật năm 2019 nhưng thực hiện theo Luật mới, không đồng bộ, phát sinh nhiều trường hợp chuyển tiếp, rất phức tạp trong quá trình thi hành.
Các ý kiến tại Phiên họp cơ bản nhất trí với sự cần thiết, mục tiêu, quan điểm sửa đổi Luật nhằm tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao hiệu quả quản lý đầu tư công, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện.
Sáng ngày 6/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi).
|
Khẳng định các ý kiến thảo luận hết sức xác đáng, tâm huyết, sâu sắc và trách nhiệm, Bộ trưởng cho biết Bộ sẽ nghiêm túc tiếp thu và phối hợp với các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện nội dung Dự thảo, bảo đảm tính khả thi, chặt chẽ trong quản lý nhưng vẫn tháo gỡ được các khó khăn, vướng mắc, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư công để Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm rõ thêm một số nội dung chính. Thứ nhất, về quan điểm sửa đổi Luật, do yêu cầu phát triển mới, chuyển đổi tư duy và phương thức quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", từ "quản lý" sang "quản lý cho kiến tạo phát triển", nên Luật Đầu tư công cũng phải sửa đổi để phù hợp với xu thế mới, yêu cầu mới.
Quan điểm sửa đổi Luật thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế "xin-cho"…
Các chính sách sửa đổi tại Luật là các vấn đề "đã chín", "đã rõ", thực sự quan trọng, cấp bách và được kiểm nghiệm trên thực tế, đặt ra yêu cầu phải thể chế hóa tại Luật. Đồng thời, Luật cũng kế thừa, phát huy các ưu điểm, thành quả của Luật Đầu tư công năm 2019, sửa đổi có chọn lọc, tránh gây xáo trộn lớn, tạo điều kiện triển khai Luật ngay sau khi được Quốc hội ban hành.
"Quan điểm sửa đổi Luật phù hợp với Hiến pháp và các Luật liên quan, tạo môi trường pháp luật đồng bộ, liền mạch để thực hiện dự án đầu tư công thuận lợi", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phân tích, trong trường hợp Luật không được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030 sẽ được xây dựng theo Luật năm 2019 nhưng thực hiện theo Luật mới, không đồng bộ, phát sinh nhiều trường hợp chuyển tiếp, rất phức tạp trong quá trình thi hành.
Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngay từ khi bắt đầu đã khẩn trương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, các bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng dự thảo Luật, đạt sự đồng thuận cao ngay từ đầu (tổ chức 20 cuộc tọa đàm, 4 hội nghị lấy ý kiến 63 địa phương và các đối tác phát triển, nhà tài trợ nước ngoài).
Đồng thời, tại Kết luận số 97/KL-TW, Trung ương đã quyết nghị giao Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật trong kỳ họp thứ 8; tạo căn cứ pháp lý để áp dụng ngay cho quá trình xây dựng và thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Việc nâng quy mô các nhóm dự án là phù hợp với thực tiễn và diễn biến vận động của nền kinh tế trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu trong thời gian tới".
|
Thay thế toàn bộ Luật năm 2019
Kiến nghị Quốc hội thông qua Luật theo hình thức thay thế toàn bộ Luật năm 2019, không phải là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Luật sẽ bảo đảm thống nhất, đồng bộ, dễ thực hiện. Nếu chuyển thành hình thức Luật sửa đổi, bổ sung một số điều thì vẫn không thay đổi số điều sửa đổi của Luật nhưng lại tồn tại song song 02 Luật cùng có hiệu lực, rất khó khăn cho các đối tượng trong quá trình triển khai Luật.
Về nâng quy mô vốn đầu tư công của các nhóm dự án, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10,000 tỷ đồng trở lên đã được quy định từ năm 1997 (trước khi có Luật Đầu tư công), được kế thừa và quy định tại Luật Đầu tư công năm 2014 và giữ nguyên tại Luật Đầu tư công năm 2019. Như vậy, sau 27 năm triển khai, tiêu chí này chưa được điều chỉnh.
"Đến nay, trong bối cảnh quy mô nền kinh tế đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000 và tăng hơn 2.5 lần so với năm 2013; tổng chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2024 tăng gần 3 lần; trượt giá bình quân hằng năm từ năm 2000 khoảng 3%/năm và dự kiến hiệu lực của Luật từ 5-10 năm thì việc nâng quy mô các nhóm dự án là phù hợp với thực tiễn và diễn biến vận động của nền kinh tế trong thời gian qua và phù hợp với yêu cầu trong thời gian tới", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.
Cùng với đó, nâng quy mô vốn đầu tư công của dự án quan trọng quốc gia lên 30,000 tỷ đồng để phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công, nhằm bảo đảm tính ổn định trong thực hiện Luật, tránh việc phải điều chỉnh thường xuyên.
Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đối với các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, việc tăng quy mô vốn đầu tư công lên 02 lần là phù hợp với khả năng hoàn thành dự án theo thời gian bố trí vốn thực hiện dự án (dự án nhóm A: 6 năm, nhóm B: 4 năm, nhóm C: 3 năm).
Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã quyết nghị chủ trương đầu tư 10 dự án quan trọng quốc gia, trong đó có 9 dự án có quy mô trên 10,000 tỷ đồng. Trong số 09 dự án này, có 5 dự án có quy mô trên 30,000 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2026-2030, tổng hợp sơ bộ các dự án cần triển khai theo các Nghị quyết của Bộ Chính trị, có khoảng 40 dự án có quy mô trên 10,000 tỷ đồng, trong đó có khoảng 30 dự án có quy mô trên 30,000 tỷ đồng. Như vậy, khi nâng quy mô dự án quan trọng quốc gia lên mức trên 30,000 tỷ đồng thì số lượng dự án cần trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vẫn còn rất nhiều, chưa kể các dự án khác phát sinh trong kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội.
Phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn Ngân sách trung ương
Liên quan đến phân cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết việc phân cấp cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch trung hạn không vi phạm quy định của Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước. Hiến pháp và Luật Ngân sách nhà nước chỉ quy định thẩm quyền của Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về phân bổ và điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, không quy định về kế hoạch đầu tư công trung hạn.
"Việc phân cấp này sẽ giúp quy trình điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn hiện hành giảm được 5 bước, từ 11 bước xuống 6 bước (trong đó giảm 3 bước trong nội bộ Chính phủ, giảm 2 bước tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội) và giảm thời gian từ 3-4 tháng. Qua đó, giảm được nhiều thủ tục hành chính và tiết kiệm được thời gian", ông Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, để đồng bộ với quy định về việc "không bó cứng" danh mục kế hoạch trung hạn, nếu đã cho phép Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung dự án mới so với danh mục dự kiến đã báo cáo Quốc hội thì cũng cần có cơ chế để Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch vốn để bổ sung nguồn lực thực hiện dự án mới này.
Ngoài ra, Dự thảo Luật quy định trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về việc điều chỉnh tại Phiên họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gần nhất. Qua đó, tiếp tục chuyển đổi phương thức quản lý từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm", bảo đảm vai trò giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C
Cơ chế, chính sách phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C từ HĐND cho UBND các cấp đã được Luật Đầu tư công năm 2019 cho phép. Theo quy định tại Điều 17 của Luật Đầu tư công năm 2019, trong trường hợp cần thiết, HĐND quyết định việc giao cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án. Trong giai đoạn 2021-2025, có 43 HĐND cấp tỉnh đã phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, C cho UBND cùng cấp.
Về bản chất, quy định này chỉ thay đổi về cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án từ HĐND cho UBND các cấp. Đối với việc phê duyệt đầu tư và tổ chức thực hiện dự án vẫn giữ nguyên so với quy định hiện hành, theo đó Chủ tịch UBND các cấp vẫn quyết định đầu tư dự án và UBND các cấp vẫn là cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án. HĐND các cấp thực hiện giám sát quy trình tổ chức triển khai thực hiện. Do đó, về mặt năng lực tổ chức thực hiện dự án thì vẫn do các cơ quan này bảo đảm như hiện tại.
Dự thảo Luật đã quy định rất nhiều điều kiện để ràng buộc đối với việc quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công. Theo đó, một dự án nếu muốn được quyết định chủ trương thì phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, bảo đảm nguồn vốn và khả năng cân đối vốn được cấp có thẩm quyền thông báo, mà các nội dung này đều do HĐND là cơ quan quyết định.
Đồng thời, Luật cũng quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, HĐND trong việc giám sát các dự án sử dụng vốn đầu tư công, kế hoạch đầu tư công, giám sát việc thực hiện pháp luật về đầu tư công.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định những quy định này bảo đảm tính phù hợp, chặt chẽ trong triển khai, hạn chế việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án tràn lan, tuỳ tiện, gây lãng phí nguồn lực; bảo đảm phân cấp thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các cấp chính quyền địa phương.