Chủ sở hữu 7-Eleven tung 'nước cờ' 58 tỷ USD để tránh bị thâu tóm
Chủ sở hữu 7-Eleven tung 'nước cờ' 58 tỷ USD để tránh bị thâu tóm
Seven & i Holdings - công ty mẹ của chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven - đang cân nhắc thực hiện thương vụ tư nhân hóa lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản, trị giá 58 tỷ USD.
Theo đó, các lãnh đạo của tập đoàn sẽ mua lại cổ phiếu từ các cổ đông và đưa công ty trở về công ty tư nhân. Động thái này được xem như một phương án phòng thủ trước áp lực thâu tóm từ tập đoàn bán lẻ Canada Alimentation Couche-Tard – chủ chuỗi Circle K. Kế hoạch tư nhân hóa sẽ được thực hiện thông qua một liên minh "thuần Nhật" bao gồm gia đình sáng lập Ito, tập đoàn thương mại Itochu và ba ngân hàng lớn nhất nước này.
Đáng chú ý, Itochu - đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Seven & i thông qua chuỗi cửa hàng FamilyMart - cũng tham gia vào liên minh này. Điều này cũng thể hiện sự đoàn kết của giới doanh nghiệp Nhật Bản trong việc ngăn chặn nước ngoài kiểm soát một trong những thương hiệu biểu tượng của họ.
Theo kế hoạch được thảo luận, Itochu, gia đình sáng lập và các nhà đầu tư hiện tại sẽ đóng góp 3,000 tỷ Yên bằng tiền mặt và vốn chủ sở hữu, trong khi ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản - Sumitomo Mitsui, Mitsubishi UFJ và Mizuho - sẽ cung cấp nguồn tài trợ tới 6,000 tỷ Yên.
Các cuộc đàm phán đang diễn ra và thương vụ có thể gặp khó khăn do quy mô của nó. Hiện cũng có khả năng ban lãnh đạo sẽ không triển khai tư nhân hóa nếu Couche-Tard rút lại đề xuất mua. Nếu được triển khai, đây sẽ là thỏa thuận tư nhân hóa lớn nhất trong lịch sử Nhật Bản.
Thị trường đã phản ứng tích cực với thông tin này khi cổ phiếu Seven & i tăng vọt 17%, mức tăng trong ngày lớn nhất kể từ tháng 8.
Naoki Fujiwara, chuyên gia từ Shinkin Asset Management Co., cho biết mức giá đề xuất trong thương vụ này được đánh giá là "không tồi" khi cao hơn cả giá trị thị trường lẫn đề nghị mua lại từ Couche-Tard.
“Đội ngũ quản lý có lẽ muốn cho thấy công ty đáng giá như vậy", Naoki Fujiwara cho biết.
Bà cho rằng việc trở thành công ty tư nhân sẽ giúp Seven & i có thể tiến hành cải cách mạnh mẽ mà không phải lo lắng về áp lực ngắn hạn từ thị trường chứng khoán.
Nhà điều hành các cửa hàng 7-Eleven chưa đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào kể từ khi Couche-Tard tăng giá đề xuất cho Seven & i lên 18.19 USD/cp vào tháng trước, định giá nhà bán lẻ Nhật Bản ở mức 7,200 tỷ Yên. Seven & i đã từ chối một đề nghị thấp hơn trước đó của nhà điều hành chuỗi cửa hàng Circle K Canada.
Trong một tuyên bố sau khi Bloomberg đưa tin về khả năng tư nhân hóa, Stephen Dacus - người đứng đầu ủy ban hội đồng quản trị đặc biệt - cho biết nhóm đang xem xét các đề xuất từ gia đình Ito và Couche-Tard, cũng như các biện pháp của công ty nhằm tối đa hóa giá trị độc lập của mình.
"Chúng tôi đang khách quan xem xét tất cả các phương án để hiện thực hóa giá trị tiềm năng cho cổ đông", Dacus nói trong tuyên bố, đồng thời cho biết ủy ban sẽ tiếp tục đối thoại với tất cả các bên liên quan và tìm cách đáp ứng "lợi ích của cổ đông và các bên liên quan khác của công ty".
Một nguồn tin thân cận tiết lộ, mặc dù Seven & i đã công bố kế hoạch tái cơ cấu để chia tách công ty, nhưng trong giai đoạn đầu họ sẽ tập trung vào việc mua lại toàn bộ doanh nghiệp. Sau khi thương vụ hoàn tất, các chủ sở hữu mới sẽ triển khai kế hoạch tách mảng kinh doanh tập trung vào 7-Eleven, cửa hàng tiện lợi và trạm xăng khỏi các hoạt động bán lẻ có biên lợi nhuận thấp hơn.
Seven & i khởi đầu là một cửa hàng quần áo nhỏ được thành lập tại Tokyo năm 1920, và dưới sự dẫn dắt của Masatoshi Ito, đã phát triển thành một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Nhật Bản, biến 7-Eleven thành thương hiệu toàn cầu.