Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng: Đội vốn hàng nghìn tỷ, 15 năm chưa hẹn ngày về đích
Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng: Đội vốn hàng nghìn tỷ, 15 năm chưa hẹn ngày về đích
Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng nằm trên 2 tỉnh Nghệ An và Thanh Hoá đã phải tăng tổng mức đầu tư giai đoạn 1 từ 3.744 tỷ lên hơn 5.550 tỷ đồng. Thế nhưng, dự án đã làm 15 năm vẫn chưa hẹn ngày về đích.
Đội vốn hơn 1.800 tỷ đồng
Mới đây Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã làm rõ sai phạm trong quá trình đầu tư, thực hiện Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An (do Ban Quản lý đầu tư & Xây dựng thủy lợi 4 - Ban 4 thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư) bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước.
Ngày 31/10/2024, CQĐT đã khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Ban 4 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Hoàng Dân (Công ty Hoàng Dân) và các đơn vị liên quan; đồng thời, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với 8 bị can.
Theo báo cáo ngày 21/5/2024 của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thẩm tra báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 135 ngày 17/11/2020 của Quốc hội về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, dự án này nằm trên địa bàn tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.
Đây là dự án thủy lợi nhóm A, được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, được Bộ NN-PTNT phê duyệt dự án đầu tư từ năm 2009.
Hồ chứa nước Bản Mồng có dung tích chứa là 225 triệu m3, cấp nước tưới cho 18.871ha cây trồng ven sông Hiếu; cấp nước cho sản xuất công nghiệp và dân sinh; bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Cả, cắt giảm lũ cho hạ du sông Hiếu; đồng thời kết hợp phát điện với công suất 45MW.
Dự án khởi công xây dựng năm 2010. Đến năm 2011, do khó khăn về nguồn vốn, dự án phải dừng, giãn tiến độ nên giai đoạn 2012-2016 chỉ bố trí vốn đầu tư đến điểm dừng kỹ thuật, còn lại chuyển tiếp sang giai đoạn 2017-2020.
Năm 2017, sau khi dự án được triển khai lại, pháp luật về lâm nghiệp có nhiều thay đổi, quy định định mức kinh tế kỹ thuật về xây dựng, giải phóng mặt bằng có sự điều chỉnh nên chi phí thực hiện dự án tăng lên.
Cụ thể, hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án tăng gấp 2,2 lần, từ 860 tỷ đồng lên 1.906 tỷ đồng. Sau thời điểm tạm dừng kỹ thuật, năm 2017, dự án được bố trí lại vốn từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2016-2020 nhưng vẫn tính theo tổng mức tại thời điểm quyết định đầu tư (đơn giá năm 2009) nên kinh phí được bố trí không đủ để hoàn thành dự án.
Phối cảnh dự án hồ chứa nước Bản Mồng. Ảnh: Báo Nghệ An
|
Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép phân kỳ đầu tư dự án thành hai giai đoạn cho phù hợp thực tế với nguồn vốn đã được bố trí.
Đáng chú ý, trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 135, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo các chủ đầu tư rà soát lại nguồn vốn cho việc thực hiện các nhiệm vụ của dự án và nguồn vốn cần bổ sung để hoàn thành giai đoạn 1. Qua rà soát, nguồn vốn cần bổ sung là 1.808 tỷ đồng.
Song, do khó khăn trong xác định cơ sở pháp lý, chỉ tiêu đất thủy lợi của các tỉnh nên đến tháng 10/2023, Thủ tướng Chính phủ mới phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư và tháng 2/2024, Bộ NN-PTNT mới phê duyệt điều chỉnh đầu tư dự án giai đoạn 1.
Nguồn vốn để thực hiện dự án của giai đoạn 1 được điều chỉnh là 5.552 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính và của Bộ NN-PTNT, trong số đó, nguồn vốn giai đoạn 2010-2020 là 3.496 tỷ đồng, đã được bố trí và giải ngân đạt 100%; giai đoạn 2021-2025 là 2.056 tỷ đồng, trong đó được bố trí vốn trung dài hạn là 1.882 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đến tháng 5/2024 (thời điểm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội báo cáo), chỉ bố trí được gần 447 tỷ đồng, chiếm 23,75% vốn trung hạn được dự kiến bố trí và năm 2024 đã bố trí 200 tỷ đồng.
Loạt bộ ngành, địa phương bị điểm tên
Theo Quyết định số 1248 phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án và Quyết định số 532 phê duyệt điều chỉnh đầu tư dự án, giai đoạn 1 phải kết thúc vào 31/12/2025, thời gian không còn nhiều trong khi khối lượng còn lại rất lớn, chủ yếu thuộc hợp phần giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư, trồng rừng thay thế thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa.
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường lưu ý, hiện nay, nguồn vốn bố trí đủ để triển khai các nhiệm vụ còn lại của dự án giai đoạn 1, nhưng việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc về trồng rừng thay thế, về giải phóng mặt bằng và thiếu quỹ đất thủy lợi còn rất chậm, nếu không giải quyết sớm sẽ không đảm bảo hoàn thành dự án giai đoạn 1 theo tiến độ.
Đề cập trách nhiệm, ủy ban này cho rằng, Bộ NN-PTNT chưa thực sự sâu sát trong kiểm tra, hướng dẫn, phối hợp với địa phương về công tác trồng rừng thay thế; chưa có hướng dẫn cụ thể cho địa phương trong việc nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam.
Bộ KH-ĐT chậm trễ trong tham mưu phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.
Đối với UBND tỉnh Nghệ An và Thanh Hóa, ủy ban cho rằng chưa hoàn thành trách nhiệm đối với hợp phần giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư; chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế; chưa nghiêm túc thực hiện nghị quyết của Quốc hội.
Ngoài ra, công tác dự toán chi phí còn chưa sát với thực tế; năng lực cán bộ chuẩn bị đầu tư dự án còn hạn chế, chưa dự báo và chưa lường hết được những khó khăn vướng mắc dẫn đến phát sinh lớn, phải điều chỉnh nhiều lần tổng mức đầu tư dự án; chưa chủ động xây dựng kế hoạch triển khai dự án tương xứng với tiến độ bố trí vốn.
Ủy ban kiến nghị Chính phủ chỉ đạo thực hiện nghiêm Nghị quyết số 135 của Quốc hội về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Bên cạnh đó, xác định trách nhiệm của Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Nghệ An, UBND tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện các nhiệm vụ, hợp phần của dự án theo quyết định đã được phê duyệt.
Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ chưa hoàn thành của dự án để làm cơ sở cho Quốc hội giám sát, nhất là việc chuyển mục đích sử dụng rừng và trồng rừng thay thế.
Ngày 17/10/2022, Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng có báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 135 của Quốc hội về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng (Nghệ An). Theo đánh giá của ủy ban này, dự án có thời gian thực hiện kéo dài, trên 14 năm do khó khăn về bố trí vốn; khi bố trí được vốn lại phải nhiều lần điều chỉnh thay đổi định mức kinh tế - kỹ thuật, trượt giá, tăng chi phí giải phóng mặt bằng; các quy định của pháp luật thay đổi dẫn đến việc tăng, phát sinh chi phí dự án là không thể tránh khỏi. Dự án càng kéo dài, chi phí đầu tư công phát sinh càng cao dẫn đến lãng phí nguồn lực đầu tư. |
Tâm An